Cần kiểm tra việc phân phối vốn hỗ trợ hộ nghèo!

09:11, 21/11/2014

Dù là hộ nghèo, cận nghèo hay không, tất cả hộ dân trong thôn Bình Hòa (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đều được phân chia tiền hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình 30a và Chương trình 135 (nguồn vốn lẽ ra chỉ dành riêng cho hộ nghèo và cận nghèo). Việc làm này đã khiến nhiều hộ dân bức xúc.

[links()] Dù là hộ nghèo, cận nghèo hay không, tất cả hộ dân trong thôn Bình Hòa (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đều được phân chia tiền hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình 30a và Chương trình 135 (nguồn vốn lẽ ra chỉ dành riêng cho hộ nghèo và cận nghèo). Việc làm này đã khiến nhiều hộ dân bức xúc.
 
Trong năm 2014, tại thôn Bình Hòa, số hộ nghèo là 9 hộ và cận nghèo là 10 hộ. Tổng số tiền từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 30a và vốn Chương trình 135 dành cho 19 hộ này là 199 triệu đồng. Trong đó, 50 triệu đồng vốn 135 dùng để hỗ trợ 10 hộ mua bò; 149 triệu vốn 30a được quy thành phân bón để hỗ trợ cho tất cả 19 hộ phục vụ sản xuất. Như vậy, mỗi hộ mua bò sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng; hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 7,7 tạ phân (tương đương 10 triệu đồng); hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 4,5 tạ phân (tương đương 5,9 triệu đồng). Thế nhưng, trên thực tế, tất cả 103 hộ dân trong thôn Bình Hòa đều được chia phân bón và chia tiền hỗ trợ mua bò! 
 
Ông Vũ Văn Thuấn, một hộ nghèo của thôn Bình Hòa, cho biết: “Năm nay, trong thôn, mỗi hộ nghèo như gia đình tôi được nhận 3 bao phân (1,5 tạ), hộ cận nghèo được nhận 2,5 bao (1,25 tạ), còn tất cả những hộ còn lại sẽ được nhận 2 bao (1 tạ). Trong khi đó, hộ nghèo và cận nghèo buộc phải đứng ra ký đã nhận đầy đủ tất cả số lượng phân bón theo quy định; những hộ còn lại khi nhận phân cũng phải ký vào một danh sách “ngầm” do Phó Trưởng thôn quản lý. Tương tự như vậy, số tiền 50 triệu đồng để hỗ trợ mua bò cũng được chia nhỏ ra. 10 hộ có tên trong danh sách mua bò thì được nhận 500 ngàn đồng để lo giấy tờ mua bò. Số tiền còn lại (45 triệu đồng) được chia tiếp cho 21 hộ mới tách khẩu trong thôn với số tiền 1 triệu đồng/hộ (hết 21 triệu đồng), còn lại 24 triệu đồng tiếp tục được chia đều cho 103 hộ dân (mỗi hộ được nhận 230 ngàn đồng, dư 310 ngàn đồng sung vào quỹ thôn). Như vậy, hộ có tên trong danh sách mua bò sẽ được nhận 730 ngàn đồng, hộ mới tách khẩu được nhận 1 triệu 230 ngàn đồng, hộ “bình thường” cũng được nhận 230 ngàn đồng. Khi một số hộ nghèo và cận nghèo không đồng ý về cách chia này thì ông Thôn trưởng lại đưa ra lý lẽ: Nếu không chịu chia thì chết không ai chôn (?!)”.  
            
Cách chia này đã tạo nên sự bức xúc cho nhiều hộ dân trong thôn. Bà Đặng Thị Khuy, một hộ dân không có tên trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo của xã Đạ Pal, phản ánh: “Cả 3 con trai tôi là Phạm Văn Nhẫn, Phạm Văn Hà, Phạm Văn Kiên mới tách khẩu đều được nhận 2 bao phân và 1 triệu 230 ngàn đồng. Bản thân tôi ban đầu cũng được nhận như vậy, nhưng sau đó lại bị thu hồi lại 1 triệu đồng. Tôi và các con cũng như những hộ khác đều ký và nhận 1 triệu đồng ngay tại cuộc họp thôn. Còn số phân bón và 230 ngàn đồng thì ký và nhận ngay tại nhà bà Phó Trưởng thôn”. Điều này cũng được ông Đỗ Văn Vang, một hộ cận nghèo, xác nhận: “Tôi chỉ nhận được vỏn vẹn 2,5 bao phân, trong khi số phân tôi buộc phải ký nhận và đáng ra phải được nhận là khoảng 9 bao. Cả phân và số tiền 230 ngàn đồng, tôi và những hộ dân khác đều ký nhận vào một danh sách “bí mật” tại nhà Thôn phó. Chủ trương “ăn đồng chia đều” chế độ của hộ nghèo và cận nghèo này chỉ mới có năm nay, kể từ khi ông Trưởng thôn mới làm”. Còn rất nhiều hộ dân khác cũng phản ánh và xác nhận với chúng tôi về việc ăn chia này, nhưng do e ngại nên họ đều xin được giấu tên.
 
Trở lại số tiền hỗ trợ để mua bò, do số tiền thực nhận quá ít nên hầu hết các hộ có tên trong danh sách đều không mua bò nên chỉ có bò trên giấy tờ. Theo thống kê số liệu về trồng trọt và chăn nuôi năm 2014 của thôn Bình Hòa, hiện tại, toàn thôn có 16 hộ chăn nuôi bò. Căn cứ theo danh sách này, chỉ có 4 hộ có tên trong danh sách hỗ trợ là có bò (nhưng chủ yếu đã nuôi từ trước), 6 hộ còn lại không có bò.   
 
Trong năm 2014, toàn xã Đạ Pal có 98 hộ nghèo và cận nghèo được đầu tư tổng số tiền 1 tỷ 150 triệu đồng từ nguồn vốn 30a và 135. Số tiền này được phân bổ cho 6 thôn trên địa bàn xã để hỗ trợ người dân mua phân bón, giống và vật tư để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Trước phản ánh của người dân thôn Bình Hòa, UBND xã Đạ Pal đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh sự việc. Kết quả kiểm tra của UBND xã khẳng định: “Không có tình trạng ăn chia tiền hỗ trợ người nghèo hay chia phân bón hỗ trợ theo Chương trình 30a trong thôn Bình Hòa, vì không có chứng cứ gì để chứng minh và các hộ được đầu tư từ Chương trình 30a, 135 năm 2014 đã ký nhận đầy đủ”. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, cho biết: “Khi làm việc với 19 hộ nghèo và cận nghèo thì có 3 hộ khẳng định có việc ăn chia, nhưng lại không cung cấp được chứng cứ. Do đó, căn cứ theo việc ký nhận đầy đủ và các giấy tờ hợp lệ của thôn, nên chúng tôi mới đưa ra kết luận trên. Về phần Thôn trưởng thôn Bình Hòa, ông Mai Ngọc Mạnh, bị tố cáo có lời nói, cử chỉ không đúng với công dân là có thật. UBND xã đã yêu cầu ông Mạnh kiểm điểm, xin lỗi trước bà con trong thôn. Hiện, ông Mạnh đã được giải quyết cho nghỉ việc theo đơn xin nghỉ việc của ông”.
 
Việc kết luận của UBND xã Đạ Pal là như thế. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong thực tế mà chúng tôi đã thu thập và phản ánh trong bài viết, thì việc “ăn đồng, chia đều” chế độ hỗ trợ của hộ nghèo và cận nghèo là có diễn ra. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của huyện Đạ Tẻh cần vào cuộc để kiểm tra hiện tượng nói trên, nhằm công khai, minh bạch đảm bảo quyền lợi của hộ nghèo và cận nghèo, tránh tình trạng “đổ đồng” ảnh hưởng đến các chương trình đầu tư giảm nghèo của Nhà nước. 
 
Hữu Sang - Khánh Phúc