Cát Tiên phục dựng nhô sa rpu dùn yang Kòi

10:11, 18/11/2014

(LĐ online) - Theo lãnh đạo huyện Cát Tiên, việc phục dựng lễ "uống ăn trâu mừng thần lúa Mẹ" (nhô sa rpu dùn yang Kòi) vào lúc này không chỉ có ý nghĩa "mừng lúa mới" theo truyền thống của người DTTS mà còn có giá trị như sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng về một bước chuyển từ canh tác lúa rẫy sang canh tác lúa nước của bà con nơi này. 

(LĐ online) - Các già làng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) bảo rằng việc “huyện cho làm cái lễ nhô sa rpu dùn yang Kòi dịp này là ưng cái bụng bà con mình lắm”. Theo lãnh đạo huyện Cát Tiên, việc phục dựng lễ “uống ăn trâu mừng thần lúa Mẹ” (nhô sa rpu dùn yang Kòi) vào lúc này không chỉ có ý nghĩa “mừng lúa mới” theo truyền thống của người DTTS mà còn có giá trị như sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng về một bước chuyển từ canh tác lúa rẫy sang canh tác lúa nước của bà con nơi này. 
 
Theo kế hoạch, lễ phục dựng “nhô sa rpu dùn yang Kòi” lần đầu tiên này của huyện Cát Tiên sẽ được tổ chức trong các ngày từ 20 - 23/11/2014 tại xã Đồng Nai Thượng với sự tham gia của toàn thể dân làng của 5 thôn thuộc xã, do các già làng người dân tộc thiểu số Mạ và Stiêng đứng ra tổ chức.
 
Người DTTS Cát Tiên nay đã biết làm lúa nước
Người DTTS Cát Tiên nay đã biết làm lúa nước

Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu cho biết: Lễ hội truyền thống ăn trâu mừng lúa mới đã từ lâu không còn được bà con DTTS địa phương tổ chức. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó đáng lưu ý là nguyên nhân “ngoại xâm văn hóa” và còn là do điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư này. Song, đây là một trong những lễ hội đặc biệt quan trọng của cộng đồng người Mạ ở Cát Tiên cần được lưu giữ, duy trì, phát huy bởi những giá trị về văn hóa và ý nghĩa xã hội của nó. Bởi vậy, theo định hướng phát triển của huyện, lãnh đạo huyện đã đề ra chủ trương phục dựng lễ hội “ăn trâu” trong cộng đồng DTTS Mạ và Stiêng ở huyện Cát Tiên. Và, nhô sa rpu dùn yang Kòi tại Đồng Nai Thượng trong các ngày từ 20 - 23/11 tới đây là một minh chứng của sự quyết tâm đó. 
 
Già làng đóng vai trò lớn nhất (như là tổng già làng) ở Đồng Nai Thượng Điểu K’Đoi nói: “Lâu lắm rồi, bà con mình ở Đồng Nai Thượng không tổ chức lễ ăn trâu nên sợ lớp trẻ không còn biết đến cái “viên ngọc” quý của ông bà vì không được chứng kiến, không có dịp để tham gia lễ hội. Rồi, lớp người lớn tuổi như già đây cũng nhớ cái sa rpu lắm chớ. Không có cái sa rpu khi hạt thóc cuối cùng đã vào bồ úa thì không chịu được đâu!”. Theo quan niệm truyền thống của người Mạ, yang Kòi là vị thần “lúa Mẹ”, nhưng đó là lúa rẫy. Còn nay, một khi người DTTS Đồng Nai Thượng biết đến cây lúa nước rồi thì hiển nhiên hạt lúa gặt từ cánh đồng được chăm bón theo đúng kỹ thuật cũng phải có sự hiện diện của thần lúa Mẹ (yang Kòi). Ngày trước, canh tác lúa rẫy trên nương, bà con tuyệt đối không dùng phân bón để bón cho cây lúa, vì sợ “làm bẩn” yang Kòi. Nay, được sự vận động, giải thích của cán bộ chuyên môn, bà con DTTS Đồng Nai Thượng đã biết “cái phân bón hữu cơ”, “cái thuốc bảo vệ thực vật” là “cái cơm”, “cái rượu” của thần yang Kòi, vì thần yang Kòi cũng giống như con người là phải “ăn”, phải “uống”. Bởi vậy, nhô sa rpu dùn yang Kòi của bà con DTTS Đồng Nai Thượng theo kế hoạch phục dựng lễ hội của huyện Cát Tiên trong các ngày từ 20 - 23/11 sắp đến còn có ý nghĩa “đánh dấu” về sự chuyển biến trong canh tác nông nghiệp của người Mạ, người Stiêng là như thế.
 
Vừa qua, hai cơ quan chuyên môn của huyện Cát Tiên là Phòng VH-TT và Trung tâm VH-TT đã tiến hành việc nghiên cứu, khảo tả, sưu tầm, thu thập tư liệu để hoàn tất hồ sơ bảo tồn và phục dựng lễ hội truyền thống “uống ăn trâu mừng thần lúa Mẹ” của đồng bào DTTS huyện Cát Tiên. Theo khảo tả này thì lễ hội lớn nhất của người Mạ đó ở Cát Tiên hiện chỉ còn “tồn tại trong tâm thức” (là chính) của các già làng, của những người lớn tuổi chứ không hề “tồn tại một cách nguyên vẹn” trong cộng đồng người DTTS vốn là chủ nhân của lễ hội truyền thống này. Về mặt câu chữ, đây có thể chưa nói hết được bản chất của vấn đề; tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là, sự mất đi hoặc mai một của sa rpu dùn yang Kòi là dấu hiệu suy vong của cả một nền văn hóa của ít nhất một dân tộc - dân tộc Mạ - trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, việc phục dựng lễ hội ăn trâu mừng lúa mới của huyện Cát Tiên có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
 
KHẮC DŨNG