Có những tấm lòng thơm thảo

08:11, 12/11/2014

Sống không chỉ vì mình, mỗi ngày đều tìm cách làm việc thiện, giúp đỡ những người xung quanh, người có hoàn cảnh khó khăn bất kể có quen biết hay không. Một trong những người như vậy là bà Tôn Nữ Thị Trần, hay là "dì Trần" nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt. 

Sống không chỉ vì mình, mỗi ngày đều tìm cách làm việc thiện, giúp đỡ những người xung quanh, người có hoàn cảnh khó khăn bất kể có quen biết hay không. Một trong những người như vậy là bà Tôn Nữ Thị Trần, hay là “dì Trần” nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt. 
 
Dì Trần người gốc Huế, sinh ở Đà Lạt, năm nay đã 78 tuổi (sinh năm 1936) nhưng trông còn rất khỏe mạnh, tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu, hằng ngày vẫn rất tích cực làm việc thiện và trong nhiều năm nay là một thành viên nhiệt thành của Hội Chữ thập đỏ Phường 2, Đà Lạt.
 
Dì Trần đang hấp bánh trong bếp của mình
Dì Trần đang hấp bánh trong bếp của mình
 
Khi chúng tôi đến, bà đang chuẩn bị hấp rổ bánh giò dưới bếp. Bếp than rực hồng, những chiếc bánh gói lá chuối sạch sẽ, tinh tươm trông đến ngon mắt. Bà mời chúng tôi mỗi người một chiếc, bánh rất ngon. Bà làm bánh đã vài năm nay, “Thì người Huế mà, ai cũng biết làm các loại bánh dùng trong nhà”. Cứ chiều chiều, bà bày bán ngay trước nhà mình, bánh ngon nên bà bán rất nhanh, mỗi ngày bán khá nhiều, cứ mỗi cái giá bán 5 nghìn đồng, bà lời được một ít. Nhưng bà bán bánh không chỉ để mưu sinh. “Tôi đã có lương hưu rồi, lớn tuổi ăn cũng ít, đâu cần gì nhiều, con cái thấy tôi lục đục làm lụng cả ngày cứ bảo tôi nghỉ nhưng tôi thích làm” - bà cười vui. Hoạt động cách mạng từ nhỏ, từng tham gia công tác chính quyền, khi về hưu, bà lại tham gia công tác xã hội. Bà bảo từ ngày lo được đứa con út tốt nghiệp đại học là xong, bà bắt đầu làm việc thiện. Đã nhiều năm nay bà làm bánh bán để kiếm tiền giúp cho những lớp học tình thương tại Tu viện Don Bosco ở Phường 2, Đà Lạt. “Tôi tham gia giúp đỡ lớp học tình thương này đây đã là năm thứ 5. Thấy các cháu lang thang cơ nhỡ, áo quần lem luốc, khó khăn, không đến trường học bình thường được, thương quá! Đến lớp học này thấy nhiều đứa bụng đói, ngồi học không yên; có đứa trông xanh xao lắm, nhiều đứa đi học bữa có bữa không vì còn lo kiếm ăn. Thấy thế, tôi có đề nghị với phường, với cha xứ và các thầy giáo tổ chức nấu ăn cho các cháu để giúp chúng an tâm học hành. Lúc đầu, cha xứ trong nhà dòng chưa cho phép nấu nướng trong trường nên chúng tôi phải nấu ở nhà, đến bữa mang đến cho các cháu ăn. Lúc đầu là tuần một lần, sau đó nâng lên tuần 2 lần, trông các cháu ăn thương lắm! Mãi sau, nhà thờ mới chấp nhận cho nấu ăn ngay tại trường”.
 
Để đủ tiền mua thực phẩm nấu ăn cho các lớp tình thương này (với lượng học sinh khá đông, mỗi năm học chừng 60-70 học sinh, có năm lên đến trên 80 cháu), bà phải huy động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. “Trước đây còn huy động được từ nhiều người khác, nhất là các chị em buôn bán ở chợ Đà Lạt. Tôi rủ các anh chị này đến lớp để xem cho biết, thấy tình cảnh như vậy, mỗi người cũng xúm tay vào hỗ trợ hằng tháng một ít, người ít người nhiều tùy lòng hảo tâm, của ít lòng nhiều. Những năm trước còn nhiều người giúp, mấy năm gần đây tình hình làm ăn có khó khăn hơn nên số người hỗ trợ giảm dần, tôi phải gói thêm bánh bán để kiếm lời, xoay xở cho các cháu. Tôi còn huy động các con trong nhà (tôi có 7 đứa con), mỗi đứa giúp 200 nghìn đồng mỗi tháng, khó khăn thì cũng 50 nghìn đồng để phụ vào cùng mẹ làm từ thiện” - bà kể. Và như một đầu tàu, bà cùng nhiều người nữa cứ đến ngày bất kể mưa nắng là lại đi chợ, lên trường xúm lại mỗi người một tay nấu ăn cho các cháu, bữa cơm, bữa bún, bữa phở…, nấu cho các cháu bát nước trà ấm pha gừng. Hiệu quả mang lại trông thấy rõ: trong nhiều năm nay, trừ trường hợp đặc biệt, rất ít học sinh trong lớp tình thương này bỏ học nửa chừng. Tất cả như tìm thấy tình người từ nơi đây, từ lớp học này, tất cả đều quí mến bà. Và bà cũng thế, coi chúng như người thân của mình, động viên chúng học:  “Mỗi đứa được đi học là thêm một cơ hội cho chúng trong cuộc đời, xã hội lại thêm được một người tốt” - bà nói.
 
Nhưng nấu ăn cho các học sinh của lớp tình thương Phường 2 chỉ là một trong những hoạt động từ thiện mà bà đang làm hiện nay. Trước đó,  từ rất lâu bà đã từng làm rất nhiều việc khác nữa để giúp đỡ mọi người xung quanh, giúp những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Bà tích cực tham gia cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam Đioxin, Hội Chữ thập đỏ của Phường 2 và thành phố Đà Lạt cho các đợt từ thiện, cứu trợ đồng bào nghèo ở trong và ngoài tỉnh, cùng lo tết cho người nghèo trong vùng, đóng góp xây nhà tình thương cho phường, cho thành phố… Và một nghĩa cử khác mà người viết cũng cần nhắc đến một chút dù bà bảo rằng “làm việc thiện không được kể công”, là bà đã từng đứng ra giúp quan tài cho bất cứ gia đình và hoàn cảnh nào lâm vào tình huống khó khăn tại TP Đà Lạt. Đến nay, con số này đã vượt hơn 100 trường hợp. Để hoàn thành tâm nguyện này bà kể đã từng đi làm thêm để kiếm tiền. 
 
Trong một căn nhà nhỏ với vật dụng gia đình giản dị, bà cũng có một cuộc sống rất bình dị, luôn cười tươi, cởi mở, thân thiện, gần gũi với hàng xóm, với mọi người. Không nói nhiều về mình, bà bảo đó là những công việc mà bà phải làm trong đời, thấy cần thì phải làm, làm trong một tâm thế vui vẻ và hoan hỉ. “Cứ được ngày nào hay ngày đó” - bà bảo. Không ai sinh ra để chọn cửa khốn khó. Cuộc đời này vẫn rất vui và thêm hy vọng khi có những tấm lòng thơm thảo như dì Trần.
 
Viết Trọng