Đỏ đèn dò chữ thoát nghèo

04:11, 19/11/2014

Vượt trên trăm cây số, tôi đến và ở lại vùng sâu huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu những lớp học xóa mù. Sự sinh tồn của vùng đất gây cho tôi xúc động mạnh và liên tưởng đến lời Bác Hồ kêu gọi "bình dân học vụ để giệt giặc dốt, giặc đói" thuở nào.

Vượt trên trăm cây số, tôi đến và ở lại vùng sâu huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu những lớp học xóa mù. Sự sinh tồn của vùng đất gây cho tôi xúc động mạnh và liên tưởng đến lời Bác Hồ kêu gọi “bình dân học vụ để giệt giặc dốt, giặc đói” thuở nào. Những lớp học hiện hữu trước mắt tôi là “mảng màu” sinh động nhất, tột cùng nhất của sự đồng cảm và sẻ chia từ cộng đồng đối với những đối tượng thiệt thòi trong xã hội.
 
Thầy giáo Tân đang giảng bài cho lớp học Bãi Thuyết
Thầy giáo Tân đang giảng bài cho lớp học Bãi Thuyết
 
Kỳ 1: Cái chữ nó thử lòng người
 
Đến với thầy cô 
 
Là tỉnh Tây Nguyên, lại có lượng dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào nhiều, nên số người mù chữ ở Lâm Đồng lại tăng thêm. Từ một dự án gọi tắt là “Reflect”, tỉnh Lâm Đồng chọn huyện Lâm Hà, huyện chọn 2 xã vùng sâu nhất và đông dân tộc thiểu số mở 3 lớp xóa mù chữ. Đó là lớp của người dân tộc K’Ho Srê ở thôn Tân Lập, xã Đan Phượng; 2 lớp của người dân tộc Dao Đỏ, Dao Tiền, Mường và Tày tại xã Tân Thanh: lớp thôn 8 (thôn Bằng Sơn) và lớp thôn 10, còn gọi là “xóm Bãi Thuyết”. 
 
Dự án “Reflect” của người phương Tây gọi người đứng lớp là hướng dẫn viên (HDV), còn ở ta vẫn được gọi là người thầy “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Từng đào tạo bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên phổ thông, tôi đánh giá họ là thầy (cô) giáo. Có “tôn sư” mới “trọng đạo”, điều mà đang vơi hao nhiều ở vô số những trường lớp đàng hoàng. Dù giao tiếp giữa người truyền thụ và đối tượng tiếp nhận trong lớp xóa mù chữ thầy cô xưng “em” hay “cháu” đều chứa đựng một tình cảm hết sức thân thiết và thành tâm.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cử Nguyễn Đức Hải dẫn tôi đi vì “khó tìm lắm, anh không biết đường đâu”. Chúng tôi đi trong chang chang nắng thị trấn và xối xả mưa khi đến xã Đan Phượng. Cố đi để tấp vào nhà HDV chính lớp Tân Lập, cô giáo Đào Thị Hoa. Căn nhà cấp 4 nền tuột về sau nhiều bậc vì dựa vào triền đồi của Hoa đang rất đông người ngồi giữa nhà. Hoa sinh năm 1982, người Kinh, gốc Đan Phượng, Hà Nội. Mặt cô nhợt nhạt, băng trắng khắp mình mẩy do 5 tiếng trước, Hoa bị xe 2 học sinh đâm ngang ở xã Tân Hà phải cấp cứu, tiếp chúng tôi đầu còn choáng. Các học viên (HV) và HDV phụ K’Im đến “chia đau”. Hoa học xong 12 còn K’Im (sinh 1986, dân tộc K’Ho) học hết lớp 3 được chồng học đến lớp 6 “bồi dưỡng thêm”. Nguyễn Minh Thuật là cán bộ dự án hỗ trợ vùng Lâm Đồng, Đăk Nông nhận xét: “Trước đây K’Im rất chậm, sau khi tập huấn các kỹ năng giao tiếp cộng đồng, phương pháp lên lớp, kỹ thuật trồng trọt,… bây giờ hoàn toàn khác”. Trò chuyện với Hoa một lúc, mưa ngớt, tất cả chúng tôi kéo nhau lên lớp học. Hoa dặn K’Im: “Mình không lên lớp được, có gì Im cứ gọi điện nhé”...
 
Rời lớp Tân Lập, tôi và Hải tiếp tục đến xã Tân Thanh để tìm cô giáo Phạm Thị Cẩm Dung. Gió hoang hoải, mưa to, quất rát mặt và hai hốc mắt. Trời nhá nhem, màn đêm ập xuống mịt mùng hoang vu. Dế và nhái bén râm ran càng đẩy không gian ma mị. Phía xa, thấp thoáng ánh đèn nhà dân giữa đồi cà phê. Đường bazan trơn trượt, ngoằn ngoèo. Nguyễn Đức Hải là người “biết đường” nhưng không ngờ cậu lại lạc vào thôn 9, mò mẫm giữa đêm mãi để quay ra. Tôi phải tụt dần về sau do đất nêm chặt cứng 2 bánh xe, không thể đi nổi, phải kéo lết vào nhà dân cầu cứu. Đàn chó xoay vào tôi và xe nhớp nháp bùn đỏ sủa inh ỏi. Người trong nhà bật đèn đầu hồi, thập thò… ngắm tôi. Để chứng minh là người ngay, tôi gọi điện cho Hoa và đưa cho vợ chồng Tuấn - Hiền xác minh. Tuấn tháo bánh cạy đất và “Nói thật với bác, chúng em tưởng tụi ăn trộm chó nên không ra mà rình thôi. Chó mất nhiều lắm”. Sửa xong, Tuấn vào nhà đẩy xe của anh, cầm đèn pin “dẫn bác đi một đoạn chứ không lại lạc”. Lòng tốt của người vùng sâu thế đấy!  
 
Nguyễn Đức Hải quay về huyện còn tôi ở lại nhà Dung. Cô ở thôn 11, đi dạy thôn 8. Vẫn lộ trình hàng đêm, Dung dẫn tôi đến nhà Nông Thị Lơ (HV dân tộc Tày duy nhất của lớp) để xe máy rồi cùng Lơ bì bõm, chếnh choáng lội bùn đến lớp học hơn 1km. Lớp do 2 người phụ trách: HDV chính Phạm Thị Cẩm Dung, dân tộc Kinh ở tỉnh Quảng Trị và HDV phụ Triệu Mùi Chuổng dân tộc Dao, cùng sinh 1982. Cẩm Dung đang học đại học luật từ xa năm 2, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; Mùi Chuổng sẽ thi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non vào tháng 12 tới. HV đặt đèn soi đầu xuống nhà bắt đầu học. Chuổng phụ dạy một lúc chạy về nhà canh chừng giấc ngủ 2 con 8 tuổi và 4 tuổi vì chồng ở lại rẫy. Mỗi tháng, HDV chính được “Ban” (dự án) trả 800 ngàn đồng, HDV phụ 400 ngàn đồng, đi xe máy thường xuyên như Dung không đủ tiền xăng. Dung chia sẻ: “Có giai đoạn con cũng muốn bỏ. Chồng tạo điều kiện nhưng cũng bị tác động bên ngoài vì con đi suốt, có lúc vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”. Xã động viên, các học viên tạo cho mình niềm tin, nên từ đó thấy vui, không bỏ. Qua lớp học, con lại có điều kiện tuyên truyền lồng ghép về “năm không ba sạch” cho phong trào phụ nữ nữa”… 
 
Lớp Bãi Thuyết do Đặng Văn Tân (sinh 1984) là HDV chính, Triệu Thị Thoa (1986) HDV phụ. Tân đã tốt nghiệp cao đẳng kế toán, Thoa đã xong 12. Hai người đều dân tộc Dao và làm cán bộ của thôn, Tân làm Đoàn, Thoa làm Phụ nữ. Trước khi tôi đến lớp xóm Bãi Thuyết, cán bộ huyện và xã can ngăn vì họ bảo “không đi được”. Xóm nằm sâu dưới lòng chảo, mới mưa xong, xe có quấn xích vào bánh cũng vứt xe mà đi bằng... 3 chân. Xóm Bãi Thuyết gần sông Đạ Dâng và huyện Di Linh, dân gọi để tri ân “Thành Hoàng” tên Thuyết - một người Kinh khai sơn lập địa từ xa xưa. Vòng vèo lên xuống mấy quả đồi rồi đến dốc Bãi Thuyết. Muốn xuống lớp phải qua dốc dựng đứng dài 1.500 mét, dân ở dưới hút kia. Tôi đứng nhìn con đường yên ngựa lở lói, kề cạnh là vực sâu hơn 100 mét mà sởn ốc. Tân đã tranh thủ đưa vợ xuống đó thăm bố mẹ chồng. Tôi tìm được cành cây làm gậy, men theo vách núi xuống dần. Đoạn cuối, Tân nhờ được Lý Sinh Nhàn (trưởng xóm, giám sát viên của lớp) lên chở. Xe Nhàn xẹo qua xẹo lại như muốn hất tôi xuống vực. Ớn lạnh, tôi ôm ghì lấy Nhàn và đến nơi trót lọt…
 
Cô giáo K’Im địu con lên lớp dạy học viên tập viết trên đầu gối
Cô giáo K’Im địu con lên lớp dạy học viên tập viết trên đầu gối
 
Học trên… gối và điện… tự chế   
 
Cả 3 lớp lúc chiêu sinh đều trên 30 HV/lớp, nhưng theo được mấy tuần HV bỏ học hơn 10 người với vô vàn lý do. Người thì bận đi làm hoặc phải ở nhà trông con cho vợ; người thì bỏ vì “học khó hơn đi làm, làm ra lúa ngô, còn học không ra lúa ngô”; người thì nhìn bảng dễ, nhìn vở khó, đề nghị cho sách vở “về nhà bảo con nó dạy”; “không có sách, mình không học”. Khổ nỗi, mô hình lớp học xóa mù chữ làm gì có sách, nội dung bài học thầy và trò cùng tích hợp linh hoạt. Gặp Lý Phúc Sơn từ rẫy về, anh giải thích với tôi: Trước cũng học nhưng bị điện giật phải nằm viện sau đó bỏ luôn, chỉ còn vợ là Lý Thị Bảy đang theo học. Bảo Sơn học tiếp, nhờ vợ chỉ, Sơn cười tuột: “Học tiếp theo không kịp”… 
 
Ở lớp Tân Lập, có học viên “bà nội, bà ngoại” K’Ót sinh 1961, “xóa mù” cùng con gái K’Em. Ít tuổi nhất là bé gái 13 tuổi K’Dịn, theo học lớp 3 trường xã không kịp nên bỏ, đi học với mẹ K’Giáo. HV nam duy nhất là K’Sơn (19 tuổi) bỏ lớp mẫu giáo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, giờ có học lực khá, nói năng mạnh dạn lưu loát nhất lớp. Cả lớp có 13 người không biết chữ nào, 2 người tái mù. 13 người đã “bắt chồng”, chỉ còn K’Éo (1977) độc thân vì “nhà nghèo quá”, đông anh em. Đông con là phổ biến của người K’Ho vùng này. Đông con, mù chữ nên nghèo đói không buông. Cô Hoa nói về lớp: “10 nhà may ra chỉ có 1 nhà đỡ hơn, có cơm ăn, 9 nhà chẳng đủ cơm ăn. Người lớn trong thôn khoảng 80% hộ không biết chữ. Rủ người ta đi học để biết ký tên thôi mà họ không đi vì nói già cả rồi, không học nữa”.  
 
Đặc biệt hơn lớp học lại có thêm những thành viên nhí 2-3 tuổi theo mẹ đi học hoặc đi dạy như con của K’Im không gửi được lớp học mẫu giáo xã nên mới 6 tháng đã được mẹ địu đi dạy suốt 11 tháng nay. K’Im kể: Khu trên gần nhà cô có bà K’BĐài gần 50 tuổi, 4 đứa con, bà rất muốn viết chữ mà không viết được, đi làm thuê, cuối tuần người ta mới trả tiền công nên có tối nhịn ăn lên lớp, nhưng tối nào cũng đi. “Đi riết không biết được cái chữ cũng ngại, con động viên cô lại đi, mà đi lại vui cái bụng vì đến lớp được tập hát, trên đường về nhà tập… chạy”, K’Im kể và cười. Trường hợp K’Hiếu và K’Yếu cũng được K’Im động viên đi học vì “họ là con của chị mẹ nên dễ nói, còn mấy người khác, rủ họ nói đi học thì xấu lắm, có người thì biết có người thì không biết, nên không đi”. HV K’Thơm kể cho tôi: Nhà cô xa nhất lớp, đi bộ 30 phút. Vợ chồng vốn là hộ nghèo được ở nhà “Tình thương”, có 2 con nhỏ, 6 sào cà phê nhưng vẫn làm không nên vì không có cái chữ. 
 
Nếu “nổi bật” của nhiều bà mẹ K’Ho ở lớp của xã Đan Phượng là đông con thì nhiều bà mẹ Dao xã Tân Thanh “nổi bật” là tảo hôn, lấy chồng lúc 16, 17 tuổi… Tôi hỏi Triệu Mùi Chài, cô ngượng ngùng cười rồi trả lời: “Nhà có 3 anh em đều lấy vợ, lấy chồng lúc 14 tuổi. Ông bà đi kiếm cho”. Tỷ lệ phụ nữ mù chữ ở đây rất nhiều (riêng thôn 8, Cẩm Dung khảo sát còn 100 phụ nữ). Giả sử họ quyết đi học cả cũng không thể, lớp mượn nhà của bố chồng Triệu Mùi Ghển, chỉ đặt được 3 cái bàn thấp để 15 HV ngồi bệt xuống sàn, xúm sát nhau đã đụng giường ngủ của ông bà. Lớp Tân Lập thì mượn Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, không có bàn, HV viết chính tả… kê lên đầu gối. Tôi hỏi Hoa: “Sao không mượn phòng học của trường tiểu học ngay trong thôn?” Cô cho biết, mượn nhưng cô Thu hiệu trưởng trường không cho, sợ “mất đồ” và “lôi kéo mất học sinh” (!?). Còn lớp Bãi Thuyết mượn chái hồi nhà của vợ chồng HV Triệu Thị Nga - Lý Sinh Quý thưng ván làm phòng học, bàn là những tấm gỗ dày 15cm của chủ nhà còn nham nhở vì chưa bào, ghế HV tự mang đến. Nếu lớp Tân Lập có điện lưới kéo thuê từ nhà anh Quyết sang thì lớp Bãi Thuyết “phong phú” hơn: bóng này dùng thủy điện của chủ nhà, bóng kia dùng điện mặt trời kéo thuê nhà anh Tiến. Tân nói: “Thế nhưng tối nào không đủ sáng thì lớp nghỉ học”. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Phạm Thanh Tú là điều phối viên của lớp học cũng thừa nhận xã còn rất nhiều người mù chữ, đặc biệt là dân tộc Dao di cư từ phía Bắc vào. Tân Thanh có 11 thôn, 54,4% là dân tộc thiểu số, trong đó phía Bắc 31%. Ông Tú nói: “Ngoài đó, họ vốn ở bìa rừng, xa trường lớp nên thất học. Còn tảo hôn chủ yếu ở thôn 8 và 10, ở với nhau không kết hôn, có con chắc ăn rồi có thể kết hôn. Cũng có xảy ra cận huyết thống”. 
 
Mấy bóng đèn treo mái của lớp Bãi Thuyết chao qua chao lại vì gió từ suối thổi thông thốc lên, tôi liên tưởng một cuộc sống còn bấp bênh nơi đây. Các nhà lãnh đạo chọn những vùng đất nghèo khó để mở lớp là chính xác rồi, nhưng còn rất cần tiếp tục quan tâm và nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ. Dĩ nhiên, người dân phải “diệt giặc dốt” trước tiên, bởi họ còn rất “đói chữ”…
 
Kỳ 2: Sự sống chẳng bao giờ chán nản      
 
Bút ký: TĨNH XUYÊN