Nằm ở khu vực xa nhất thuộc thôn 5, xã đặc biệt khó khăn Liêng Srônh, huyện nghèo Đam Rông nhưng điểm trường Đạ Mpô lại trực thuộc Trường Tiểu học Đạ R'sal (xã Đạ R'sal, huyện Đam Rông). Điểm trường nhỏ nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn nương rẫy ấy còn chứa đựng muôn vàn khó khăn, nhưng không ngăn được tấm lòng nhiệt tâm "gieo chữ, trồng người" của những nhà giáo.
Nằm ở khu vực xa nhất thuộc thôn 5, xã đặc biệt khó khăn Liêng Srônh, huyện nghèo Đam Rông nhưng điểm trường Đạ Mpô lại trực thuộc Trường Tiểu học Đạ R’sal (xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông). Điểm trường nhỏ nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn nương rẫy ấy còn chứa đựng muôn vàn khó khăn, nhưng không ngăn được tấm lòng nhiệt tâm “gieo chữ, trồng người” của những nhà giáo.
Hành trình gian khó
Chính thức thành lập vào đầu năm 2011, điểm trường hiện đang có 7 lớp bậc tiểu học, 1 lớp mầm non với khoảng 200 học sinh. Từ ngày có điểm trường, các em học sinh là con em người DTTS vùng sâu xã Liêng Srônh đã không phải vượt sông để học nhờ ở Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc thuộc tỉnh bạn Đắc Nông như trước.
|
Thầy cô giáo kéo bè qua suối lúc tan trường |
Nhớ lại những kỷ niệm ngày còn “đi học nhờ”, em Sùng A Sình (học sinh lớp 5D), kể: “Mấy năm trước chưa có trường, chúng em phải đi học từ 4h sáng. Hôm nào có trăng thì thôi, không có trăng thì chúng em đốt cây soi đường. Qua suối nhỏ thì lội, nhưng qua suối lớn thì phải đi bè, nên ngày nào cũng ướt, mưa lớn phải nghỉ học. Giờ có trường gần rồi em vui lắm, nhưng tội nghiệp cho các thầy cô giáo”.
Sùng A Sình nói đúng, để giúp các em vơi bớt nhọc nhằn trong hành trình đeo đuổi giấc mơ con chữ, 7 giáo viên của điểm trường Đạ Mpô ngày ngày phải đối mặt với hành trình đầy những gian lao. Nằm cách trường chính hơn 15km, đoạn đường tới điểm trường phải đi vòng qua tỉnh Đắc Nông. Quãng đường 15km ấy không hề bằng phẳng và đơn giản, mà phải đi theo đường đi làm rẫy của bà con, chạy giữa bạt ngàn cà phê xanh lá. Con đường hẹp và lô nhô, nếu đi không khéo hai xe máy có thể tông nhau bất cứ lúc nào. Bây giờ đang vào vụ thu hoạch cà phê, chốc chốc trên đường lại có bà con chở những bao cà phê nặng trĩu đi ra, các thầy cô lại dừng xe, nép mình để nhường đường. Đến gần trường phải đi qua con suối Đak Măng lớn, không cầu, không thuyền, mà chỉ có chiếc bè được kết bằng tre. Thầy cô dựng xe bên này sông, rồi “tay xách, nách mang” xuống bè kéo theo sợi dây thép qua suối và đi bộ vào trường. Chỉ 15km thôi, nhưng cũng mất tới hai giờ đồng hồ mỗi sáng, cô Bùi Thị Năm - giáo viên tại đây cười chia sẻ.
Đến Đạ Mpô vào ngày nắng, nên chúng tôi thấy được cảnh các thầy cô sáng đi từ 5h sáng, đến 11h trưa tan học, nhưng về tới nhà cũng đã ngả qua chiều. Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - giáo viên trẻ ở đây còn cho biết: Mùa nắng đi về được còn đỡ, mùa mưa có khi cả tuần mới có thể về một lần, vào kỳ mưa lớn từ tháng 8 tới tháng 10 nước suối dâng cao, đường quá lầy lội, 7 thầy cô phải dự trữ lương thực để ở lại cả mấy tháng trời vì không thể đi ra.
Tình nghĩa thầy trò
Nếu như hành trang đến lớp của những giáo viên vùng đồng bằng là cặp sách và áo dài, thì những cô giáo ở Đạ Mpô không thể mặc áo dài và phải có thêm áo phao, xích xe quấn lốp xe. Còn các thầy thì kèm thêm nghề “kéo bè chuyên nghiệp”. Họ không có điều kiện làm công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Ngoài những đêm thức khuya để soạn giáo án, những bữa cơm trưa thì đạm bạc, vào ngày nghỉ thầy cô tranh thủ vào tận buôn, làng để tìm hiểu vì sao có em học sinh vắng học. Mỗi lần có dịp ra phố, thầy cô lại tự bỏ tiền túi để mua cho các em học sinh từng cây bút, quyển vở hay một ít bánh kẹo làm quà.
|
Thầy giáo tranh thủ chỉ bài cho học sinh yếu lúc ra chơi |
Thầy giáo Nguyễn Văn Huấn chỉ mới 23 tuổi, vào nhận công tác ở đây cười tâm sự: “Những ngày mưa ở lại trường không có sóng điện thoại, muốn gọi điện về cho gia đình hay người yêu phải canh tìm nơi nào có sóng, nhưng cũng chập chờn lắm. Mỗi lần em đi “tìm sóng”, các anh chị lại gọi đùa em là lính thông tin”.
Thầy Hồ Ngọc Lực - Hiệu phó Trường Tiểu học Đạ R’sal cho biết: “Vào mùa mưa, học sinh đi chân không tới trường, bùn đất lấm lem. Sáng nào thầy cô cũng dậy sớm, lấy sẵn một chậu nước lớn và tận tình rửa chân cho từng em để các em bước vào lớp. Và đó hầu như là việc làm quanh năm của giáo viên ở lớp mầm non duy nhất của điểm trường này”.
Trường Đạ Rsal có chế độ luân chuyển giáo viên vào công tác ở Đạ Mpô hàng năm. Nhưng bất cứ giáo viên nào, khi đã trực tiếp dạy các em đều tìm thấy niềm vui và ý nghĩa. Đó là động lực để thầy cô bám lớp, bám trường. Thầy cô ở đây không chỉ dạy các em biết chữ, mà còn thay đổi tư duy, suy nghĩ của người dân trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao trình độ hiểu biết để không bị kẻ xấu lợi dụng, để các em hiểu rằng muốn phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng kiến thức.
Cô Phạm Thị Ngũ - Phó phòng Giáo dục huyện Đam Rông cho biết thêm: Các thầy cô giáo ở Đạ Mpô làm việc không chỉ vì trách nhiệm, mà đó chính là từ tình yêu thương, chia sẻ, mong muốn chăm lo cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Thầy cô giáo nào cũng chỉ mang theo hy vọng “chỉ mong các em đừng bỏ học mà thôi”.
Tưởng tôi là giáo viên mới, em Hoàng Thị Pè - học sinh lớp 2D, giật tay áo tôi nói nhỏ: “Cô vào đây với chúng em đi, em sẽ kéo bè đưa cô qua suối. Chúng em thương thầy cô lắm, thầy cô dạy em để được đi học bán trú như các anh chị nên chúng em sẽ kéo bè giúp thầy cô”. Câu nói của cô học sinh nhỏ khiến tôi như lặng người. Có lẽ cái “nghĩa trò” đơn sơ ấy đã là động lực giúp “tình thầy” ấm áp nơi non cao này.
“Gieo chữ” trên mảnh đất còn nhiều gian khó Liêng Srônh, các thầy, cô giáo đã và đang cố gắng biến những gian khổ thành nụ cười, và thêm miệt mài như con ong xây tổ, hình thành nên những giọt mật cho đời.
NGỌC NGÀ