"Hãy gọi tôi là một người Đà Lạt"

08:11, 07/11/2014

Đến từ một quốc gia phát triển xa cách hàng ngàn cây số. Đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong ngành ngoại giao. Chọn Đà Lạt, một vùng đất thơ mộng làm quê hương thứ hai. Gắn bó với ngôi Trường Đại học Đà Lạt. Yêu Việt Nam và mong muốn được gắn bó với sự đổi mới của quê hương mới... 

Đến từ một quốc gia phát triển xa cách hàng ngàn cây số. Đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong ngành ngoại giao. Chọn Đà Lạt, một vùng đất thơ mộng làm quê hương thứ hai. Gắn bó với ngôi Trường Đại học Đà Lạt. Yêu Việt Nam và mong muốn được gắn bó với sự đổi mới của quê hương mới. Đó là những câu ngắn gọn nói về một con người kỳ lạ: ông Yoo Tae Hyun, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện đang là giáo sư dạy tiếng Hàn tại Khoa Đông phương học, Trường Đại học Đà Lạt và vừa mới đây, được chính quyền tỉnh Lâm Đồng tặng danh hiệu Cố vấn danh dự của tỉnh Lâm Đồng. Nhưng trên hết, ông luôn coi mình là một người Đà Lạt và yêu cầu của ông chính là “Hãy gọi tôi là một người Đà Lạt”.
 
Ông Yoo Tae Hyun
Ông Yoo Tae Hyun
Ở tuổi 68, cựu đại sứ Yoo Tae Hyun vẫn giữ phong cách hoạt bát, nhanh nhẹn và lịch lãm của một người đã gắn bó cả đời với công việc của một nhà ngoại giao. Đã từng thực hiện nhiệm vụ nhiều nơi trên thế giới nhưng sau khi chấm dứt nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam năm 2005, ông không sao dứt bỏ được hình ảnh về một đất nước vừa xa xôi, vừa gần gũi ra khỏi trái tim. Vậy là năm 2010, ông trở lại Việt Nam, tình nguyện trở thành thầy dạy tiếng Hàn cho sinh viên Đại học Đà Lạt. Vừa làm công việc của một thầy giáo, ông vừa tìm mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất như tặng phòng máy vi tính, xây dựng Trung tâm Việt-Hàn… Ông sống ngay trong khu ký túc xá sinh viên, gần gũi và thấu hiểu tình cảm của học trò mình để tìm cách giúp các em học tập tốt hơn. Có thể nói, ông là người thầy nhiệt tình, tận tâm với sinh viên của mình, sống giản dị như bao người thầy khác trên đất Việt.
 
Trả lời câu hỏi vì sao ông đến sống và làm việc tại Đà Lạt, vùng đất xa xôi đến thế so với Hàn Quốc, ông Yoo Tae Hyun thân mật trả lời: “Ngay lúc còn thực hiện vai trò Đại sứ, tôi đã tới Đà Lạt và yêu vùng đất này từ lúc ấy. Mảnh đất rất dân dã, với không khí, phong cảnh khá tương đồng với Hàn Quốc, người dân thân thiện. Và nhất là tôi có thể cùng người dân nơi đây tạo nên mối quan hệ gắn bó, thân thiết hơn”. Với mục đích tạo mối quan hệ gắn bó hơn giữa Hàn Quốc và Lâm Đồng, ông đã tự nguyện trở thành cầu nối giữa hai địa phương, kéo gần lại khoảng cách địa lý xa xôi. Với lợi thế sẵn có, ông trở thành Chủ tịch Hiệp hội trao đổi văn hóa Hàn - Việt (KOVECA), xúc tiến mối quan hệ gắn bó giữa Lâm Đồng và Hàn Quốc. Hiệp hội đã đưa nhiều đoàn trao đổi, giao lưu văn hóa, y tế, giáo dục và nhất là xúc tiến đưa nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đến với Lâm Đồng thực hiện công việc thiện nguyện cũng như tìm cơ hội hợp tác kinh tế. Ông chia sẻ: “Hàn Quốc cũng có không ít doanh nghiệp thực hiện đầu tư ra nước ngoài với mục đích lừa đảo. Với tư cách một người công dân Đà Lạt, tôi sẵn sàng hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp Lâm Đồng trong việc nhận diện những doanh nghiệp như thế. Khi có doanh nghiệp Hàn Quốc tới Lâm Đồng đề nghị đầu tư, nếu có yêu cầu tôi sẽ liên lạc về Hàn Quốc, xác định rõ ràng doanh nghiệp đó có thực sự hợp tác kinh tế hay có ý định lừa đảo. Ngoài ra, doanh nghiệp Lâm Đồng tìm hiểu thị trường Hàn Quốc hay cô dâu Việt muốn kết hôn với người Hàn, hãy thoải mái tới Trung tâm Việt Hàn tại Đại học Đà Lạt, tôi sẵn sàng giúp các bạn trong khả năng của mình”.
 
Đã gần bước sang tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hi”, người đàn ông Hàn Quốc vẫn sống giản dị trong căn phòng ký túc xá 20m2, đi xe đạp tới giảng đường, truyền dạy những câu, những dòng tiếng Hàn cho sinh viên Việt. Tình yêu vốn không có lý do, ông đã yêu và chọn một vùng đất xa xôi làm quê hương thứ hai, để gắn bó và sống những ngày xế chiều đầy nhiệt huyết. Và cùng với tấm lòng của ông, dòng sông Hàn cũng gần hơn với hồ Xuân Hương...
 
DIỆP QUỲNH