Hội thảo được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức tại Đà Lạt trong ngày 11/11 với sự tham dự của gần 100 đại biểu, đặc biệt là hai báo cáo viên quốc tế là các chuyên gia về chương trình ký ức thế giới của UNESCO đến từ New Zealand và Hàn Quốc cùng với 6 báo cáo viên trong nước...
Hội thảo được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức tại Đà Lạt trong ngày 11/11 với sự tham dự của gần 100 đại biểu, đặc biệt là hai báo cáo viên quốc tế là các chuyên gia về chương trình ký ức thế giới của UNESCO đến từ New Zealand và Hàn Quốc cùng với 6 báo cáo viên trong nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính: Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị các di sản tư liệu trong khu vực và trên thế giới; kinh nghiệm và thực tiễn của các nước trên thế giới trong việc khai thác danh hiệu di sản tư liệu nhằm quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia; thực trạng công tác phát huy giá trị của các di sản tư liệu nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ở các cơ quan quản lý... Trong phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam, Chủ tịch MOWCAP (Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương) - nhấn mạnh: “Với trách nhiệm của những người làm công tác quản lý di sản, chúng ta sẽ cùng chung tay bảo tồn, quảng bá các di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận, giúp các thế hệ trẻ Việt Nam và cộng đồng thêm yêu quý, trân trọng những di sản vô giá của dân tộc, đồng thời tăng cường quảng bá, phát huy giá trị, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Với tinh thần đó, hội thảo quốc tế “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua di sản tư liệu được UNESCO công nhận” do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - cơ quan thường trực của Chương trình Ký ức thế giới - đã có gần 10 phát biểu tham luận của các tác giả, các chuyên gia hiện công tác trên lĩnh vực văn thư lưu trữ, trong đó có những tham luận được chú ý nhiều như: “Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV với hoạt động quảng bá di sản tư liệu mộc bản triều Nguyễn” (bà Phạm Thị Yến - Trưởng phòng Tài liệu mộc bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), “Phát huy giá trị di sản tư liệu “82 bia đá khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”” (ông Nguyễn Văn Tú - Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám), “Chương trình hành động của Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam trong thời gian tới nhằm quảng bá, phát huy giá trị các di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận” (TS Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước)...; đặc biệt là hai tham luận của hai chuyên gia nước ngoài: “Vai trò của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO” (ông Kim Kwi Bae - Trưởng bộ phận Thông tin Ủy ban quốc gia UNESCO Hàn Quốc, Phó Chủ tịch MOWCAP) và “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua di sản tư liệu đã được công nhận ở New Zealand và trên thế giới”.
Theo thông tin từ Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), hiện Việt Nam có 4 tư liệu được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO; đó là: “Mộc bản triều Nguyễn” (được công nhận vào năm 2009, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV), “82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê - Mạc” (2010, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội), “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” (2012, do Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Giang quản lý) và “Châu bản triều Nguyễn” (2014, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I quản lý).
K.D