Bằng sự nhiệt huyết và lòng đam mê cháy bỏng, cô hiệu trưởng Trần Thị Dung đã cùng với đội ngũ giáo viên không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tìm ra nhiều phương pháp mới, hiệu quả để xây dựng mô hình giáo dục toàn diện trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ, đó chính là Trường Mầm non tư thục Hiển Linh (phường 9, TP Đà Lạt).
Bằng sự nhiệt huyết và lòng đam mê cháy bỏng, cô hiệu trưởng Trần Thị Dung đã cùng với đội ngũ giáo viên không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tìm ra nhiều phương pháp mới, hiệu quả để xây dựng mô hình giáo dục toàn diện trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ, đó chính là Trường Mầm non tư thục Hiển Linh (phường 9, TP Đà Lạt).
Ban đầu chỉ là một nhóm trẻ gia đình nằm trên đường Cô Bắc (Phường 9, TP. Đà Lạt), sau với quyết tâm xây dựng một ngôi trường đào tạo những thế hệ mầm non phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mĩ, dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng Trần Thị Dung, cơ sở đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, để trở thành Trường Mầm non tư thục Hiển Linh.
|
Cô Trần Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hiển Linh vui chơi cùng các em. Ảnh: PHAN NHÂN |
Trường Mầm non tư thục Hiển Linh là một trường dòng nhưng cũng như các trường dân lập hay công lập, cơ cấu tổ chức của nhà trường đều giống như các trường khác và chịu sự chỉ đạo, quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đà Lạt. Khuôn viên trường với diện tích hơn 2.000m2, có 12 lớp học với tổng số hơn 400 học sinh được chia thành 4 khối gồm khối nhà trẻ 3 lớp, khối mầm 3 lớp, khối chồi 3 lớp và khối lá 3 lớp. Hiện tại, trường có 31 cán bộ, giáo viên, trong đó có 7 nữ tu (sơ). Hầu hết cán bộ, giáo viên,đều có trình độ từ cao đẳng bậc mầm non trở lên và đều đạt chuẩn theo quy định của ngành giáo dục.
Nói đến cơ duyên của mình khi đến với nghề “trồng người”, cô Trần Thị Dung chia sẻ: Học hết lớp 12, cô đăng ký học ngành y, sau khi tốt nghiệp cô đi tu tại một nhà dòng ở TP Hồ Chí Minh. Số phận không như mong muốn, trong quá trình đi tu cô mắc căn bệnh ung thư quái ác và đã từng bị liệt nửa người. Là người phụ nữ giàu nghị lực, luôn sẵn sàng đối diện với mọi thách thức của cuộc đời, cô vừa cố gắng chữa bệnh và vừa tiếp tục đi học ngành Khuyết tật. Khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, cô xin dạy chữ nổi dành cho người khuyết tật và ngày càng gắn bó, tận tâm với các em hơn. Không ngừng vươn lên, cô tiếp tục học Đại học ngành Mầm non, năm 2002, tốt nghiệp và đến với ngành giáo dục mầm non.
Sau một thời gian làm việc tại TP Hồ Chí Minh, để thuận lợi cho việc chữa và dưỡng bệnh, cô Trần Thị Dung đã chọn Đà Lạt làm nơi công tác. Đặt chân về ngôi trường này, cùng với sự vận dụng đổi mới phương thức lãnh đạo, cô đã cùng đội ngũ giáo viên củng cố và xây dựng ngôi trường. Cô luôn xác định yếu tố để làm nên thành công chính là sự nhiệt huyết, lòng đam mê của từng cán bộ, giáo viên cùng với yếu tố phải chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường. Qua những tháng năm gắn bó với nghề, cô đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, bởi cô luôn trăn trở “Trẻ em là những trang giấy trắng, là những nhành cây non, do đó điều quan trọng nhất là phải biết uốn nhành cây non ấy làm sao để giúp các em trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước. Người giáo viên phải giúp cho học trò hiểu và nhận ra được những lời cô giáo truyền đạt về kiến thức, về kỹ năng, cách ứng xử trong cuộc sống...”.
Nói về mục đích giáo dục, cô hiệu trưởng tâm sự: “Giáo dục mầm non là hướng các cháu đến một lối sống chân - thiện - mỹ. Đích cuối cùng trường muốn đạt được là khi bước chân ra khỏi giai đoạn mầm non thì các em có thể vững chân bước vào đời với niềm tin phía trước là những điều tốt đẹp nhất đang đón đợi...”.
Trao đổi với Phòng Giáo dục - Đào tạo Đà Lạt cũng như lãnh đạo địa phương, chúng tôi được biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức rất sôi nổi những hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn đều được Ban giám hiệu và Hiệu trưởng Trần Thị Dung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua việc làm cụ thể hàng ngày, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng giáo viên nhà trường phân công công việc, đặc biệt chú trọng việc “làm theo” gương Bác. Theo đó, trường quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người; tập trung thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn... Ngoài chú trọng chuyên môn, cô Trần Thị Dung còn tích cực tổ chức các hoạt động lễ hội cho các cháu nhân dịp Tết Trung Thu, Tết cổ truyền, dịp khai giảng hay bế giảng năm học. Các hoạt động luôn được công khai, minh bạch rõ ràng trên bảng thông báo. Đó là các nội dung như tuyên truyền về hoạt động của nhà trường, thông báo các mặt phát triển của bé hay về chế độ dinh dưỡng của trẻ, nội quy của nhà trường... Điều đáng chú ý nữa là cô Dung rất quan tâm vận động, tổ chức thực hiện các hoạt động xã hội như quyên góp ủng hộ người nghèo, các công tác từ thiện nhân đạo vì cộng đồng.
Cô hiệu trưởng Trần Thị Dung đã vào độ tuổi ngoài 55. Ở tuổi này và với sức khỏe không được tốt thì như bao người phụ nữ khác cô đã được nghỉ ngơi, thế nhưng cô vẫn miệt mài, tận tâm gắn bó với sự nghiệp nuôi dạy trẻ thơ. Công tác quản lý tuy bận rộn song cô vẫn thu xếp được thời gian phụ giúp thêm giáo viên ở các lớp nhất là những lớp nhỏ nhất (lớp vành khuyên) tham gia các hoạt động như chơi cùng với các cháu, cho các cháu ăn cơm, vỗ về giấc ngủ cho các cháu... Cô tâm niệm “lấy niềm vui của con trẻ làm niềm vui cho bản thân và cũng là để vơi đi nỗi đau của bệnh tật”...
Chứng kiến hoạt động giáo dục của nhà trường, tấm lòng cô hiệu trưởng hết lòng vì con trẻ nên cha mẹ học sinh rất an tâm gởi gắm và đồng cảm, ủng hộ những hoạt động giáo dục của nhà trường. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp trường luôn đạt được nhiều thành tích cao trong công tác giáo dục. Trường đã nhiều năm đạt danh hiệu tập thể xuất sắc. Năm 2013, trường được UBND TP.Đà Lạt khen thưởng vì có thành tích xuất sắc, Ban Giám hiệu nhà trường đạt danh hiệu xuất sắc và cô Dung được công nhận là hiệu trưởng có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Với cô Trần Thị Dung, đó là những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất của một con người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho trẻ thơ.
Thúy Vân