Không phải là một lớp học bình thường như mọi lớp học khác; đây là những lớp"đặc biệt" trong một ngôi trường cũng "đặc biệt" và đã 10 năm nay, UBND Phường 2, Đà Lạt cùng những người hảo tâm nơi đây tìm cách duy trì.
Không phải là một lớp học bình thường như mọi lớp học khác; đây là những lớp“đặc biệt” trong một ngôi trường cũng “đặc biệt” và đã 10 năm nay, UBND Phường 2, Đà Lạt cùng những người hảo tâm nơi đây tìm cách duy trì.
Những lớp học đặc biệt
Vẫn là những bộ đồng phục áo trắng quần xanh, áo khoác cùng màu, vẫn chuông báo giờ lên lớp, vẫn bạn học cùng sách vở bút mực, vẫn phấn trắng bảng đen cùng thầy cô cặm cụi bên bàn… nhưng trong những lớp học này có chút gì không như một lớp học bình thường ở một ngôi trường phổ thông bình thường. Mỗi lớp học không đông lắm, chừng 15 đến 20 học sinh và nếu nhìn kỹ sẽ không khó để thấy những học sinh lớn tuổi lại ngồi học chung với những bạn nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều.
|
Một lớp học tại nhà dòng Don Bosco |
Đó chính là những lớp học, như tên gọi của nó “lớp linh hoạt”, cho mọi lứa tuổi cùng vào một lớp và học sinh của nó vốn là những học sinh “đặc biệt”. Đặc biệt vì nơi đây quy tụ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó; những trẻ không thể đến được một ngôi trường bình thường như tất cả những bạn đồng lứa khác vì muôn nghìn lý do. Có em phải bỏ học dở dang vì gia đình ly tán; có em chưa bao giờ đến được một ngôi trường nào vì phải theo người thân lang bạt trong cuộc mưu sinh. Rất nhiều giọng nói từ mọi nơi: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Phan Rang, TP HCM.., các huyện trong tỉnh Lâm Đồng, có cả từ Campuchia về theo cha mẹ lên Đà Lạt kiếm sống. Rồi có cả những học sinh thiểu năng, khiếm thị, người dân tộc thiểu số…Sau giờ học, rất nhiều em lại trở về với công việc thường nhật của mình: đánh giày, bán vé số, bán bánh kẹo, giúp việc cho quán ăn, nhà hàng…
Tiền thân của lớp học này chính là lớp “tình thương” của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Lâm Đồng, năm 1998 được chuyển về cho UBND Phường 2, Đà Lạt quản lý, năm 2003 lại được giao về nhà dòng Don Bosco nằm trên địa bàn Phường 2. Tên lớp sau đó được chuyển thành “lớp linh hoạt”. Mục tiêu của lớp được đặt ra từ đầu chính là việc trang bị kiến thức cơ bản cho những trẻ lang thang, cơ nhỡ chưa có điều kiện đến trường theo chương trình phổ cập tiểu học, từng bước chuyển các em ra trường phổ thông học bình thường nhất là sau khi các em đã học hết lớp 5 tại đây. Thông qua các lớp học tạo điều kiện cho các em hội nhập cộng đồng; những trẻ lang thang được tạo điều kiện trở về đoàn tụ với gia đình.
Tính từ niên học 2003-2004, sau khi chuyển về tại nhà dòng Don Bosco cho đến nay, mỗi năm học trung bình có khoảng 70 học sinh cho tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Năm học trước có 79 em theo học, niên học này có 60 học sinh. Nhà dòng Don Bosco phân công một linh mục trực tiếp phụ trách; đứng lớp chủ yếu là các giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương - Đà Lạt nghỉ hưu đi dạy cho các em; chương trình thực hiện theo bậc tiểu học hiện hành. Lớp học được tổ chức mỗi buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, riêng sáng thứ bảy được dành cho các hoạt động ngoại khóa, các môn Anh văn, vẽ, các hoạt động thể thao.
Như mọi lớp học bình thường, các lớp học nơi đây cũng có hồ sơ, sổ sách, có hội phụ huynh hoạt động, có khai giảng, tổng kết năm, tuyên dương, khen thưởng cho các em học giỏi. Đã có một bộ phận học sinh (111/968 học sinh, chiếm gần 12%) của lớp sau khi hoàn thành lớp 5 ở đây tiếp tục theo học ở các trường học trên địa bàn Đà Lạt như Phù Đổng, Nguyễn Du, Tây Sơn, Bùi Thị Xuân; có học sinh vào bậc đại học.
Khi cộng đồng chung tay
Để ổn định và duy trì được các lớp học này qua từng năm là một nỗ lực rất lớn của UBND Phường 2, của nhà dòng Don Bosco cùng sự đóng góp công sức tiền bạc rất lớn của nhiều tổ chức, đoàn thể đóng trên địa bàn phường, của những nhà hảo tâm tại Đà Lạt.
Là đơn vị trực tiếp quản lý, UBND Phường 2, Đà Lạt đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lớp học hoạt động, từ cấp giấy khai sinh, ký giới thiệu miễn giảm học phí khi học sinh học tiếp lên bậc THCS, THPT; ký hợp đồng giáo viên với Phòng Giáo dục Đà Lạt hằng năm; đến trích ngân sách để tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh, tặng quà cho thầy cô giáo trong những dịp lễ tết, đầu năm học. Nhà dòng Don Bosco khi tiếp nhận lớp về đây đã dành một số phòng rất đẹp làm lớp học và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất như đóng mới bàn ghế cho học sinh, mua bảng đen, hỗ trợ kinh phí dạy học và duy trì lớp (mỗi năm học khoảng 100 triệu đồng), may đồng phục cho giáo viên và học sinh, mời bác sỹ về khám sức khỏe, tổ chức các chuyến dã ngoại, tham quan, tổ chức các sân chơi thể thao, rèn luyện kỹ năng sống cho các em… Hội Chữ thập đỏ Phường 2 và Công an Phường 2 cũng có những đóng góp hết sức tích cực trong việc duy trì lớp. Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong phường làm cầu nối tìm kiếm các nhà tài trợ để duy trì lớp. Còn Công an Phường 2 đã thành lập Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm để hỗ trợ các em đánh giày, bán báo, bán vé số… trong lớp không để kẻ khác lợi dụng, xâm hại cá nhân; hỗ trợ gia đình các em đăng ký các thủ tục hành chính, tạm trú với địa phương. Riêng Trường Tiểu học Trưng Vương nằm trên địa bàn Phường 2 cũng tích cực hỗ trợ về mặt chuyên môn để các lớp hoạt động; ủng hộ sách giáo khoa, sách vở, khám răng định kỳ 2 lần trong năm cho học sinh; theo dõi hồ sơ giảng dạy theo quy trình, giới thiệu các giáo viên của mình sang dạy tại đây. Phòng Giáo dục Đà Lạt hỗ trợ thêm kinh phí cho lớp hằng năm, tổ chức các kỳ thi, giúp quản lý hồ sơ sổ sách, thi chuyển lớp và chuyển cấp, tổ chức tập huấn cho giáo viên…
Và còn rất nhiều những tấm lòng hảo tâm khác tại Đà Lạt đã đóng góp rất nhiều cho sự tồn tại của lớp. Đặc biệt là công sức của rất nhiều giáo viên đứng lớp từ lúc mới hình thành đến nay. Với tất cả tâm huyết, họ đến đây không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho các em làm người, góp phần không nhỏ để đưa sự nhân ái của cuộc sống và niềm hy vọng vào ngày mai đến với các em.
VIẾT TRỌNG