Mười năm "trồng người" của ngôi trường tiểu học

02:11, 24/11/2014

Bên con đường Quang Trung, thành phố Đà Lạt, Trường Tiểu học (TH) Phan Như Thạch đứng chân đến nay tròn 10 năm thành lập. Những thành tựu về chất lượng và hiệu quả giáo dục cùng các hoạt động xã hội của nhà trường ngày một khẳng định vị thế đây là trường tốp đầu trong ngành giáo dục TH của tỉnh Lâm Đồng. 

Bên con đường Quang Trung, thành phố Đà Lạt, Trường Tiểu học (TH) Phan Như Thạch đứng chân đến nay tròn 10 năm thành lập. Những thành tựu về chất lượng và hiệu quả giáo dục cùng các hoạt động xã hội của nhà trường ngày một khẳng định vị thế đây là trường tốp đầu trong ngành giáo dục TH của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Quả ngọt dâng đời 
 
Năm 2004, Trường TH Phan Như Thạch tách ra từ Trường TH và THCS Phan Chu Trinh. “Sinh sau” nên diện tích TH Phan Như Thạch hẹp, chỉ hơn 2,3 nghìn m2. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, tập thể nhà trường đồng lòng theo đuổi chí hướng: dù không thể trở thành trường chuẩn quốc gia vì diện tích không đủ nhưng phải “chung lưng đấu cật” phấn đấu thành địa chỉ giáo dục có chất lượng của ngành. Mùa “quả ngọt” đậu ngay năm học đầu tiên (2004-2005) đến với 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) và 708 học sinh (HS): đạt danh hiệu “Trường tiên tiến”. Cùng đó, 93,7% HS thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ; 90,7% HS đạt danh hiệu HS giỏi và HS tiên tiến; 142/142 HS lớp 5 hoàn thành chương trình bậc TH. Chất lượng ấy trở thành sức hút và tạo nên áp lực quá tải về tuyển sinh đối với TH Phan Như Thạch theo từng năm: 753 HS, 815 HS, 855 HS... Năm học 2009 - 2010, trường có 40 CB, GV, NV và 906 HS/24 lớp; năm học 2014 - 2015 này có 1.120 HS. Trong tổng số HS hàng năm, nhà trường có 60-70 em thuộc đối tượng gia đình hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt 10-15 HS khuyết tật. Thế nhưng, Trường TH Phan Như Thạch thường xuyên có 95% trở lên HS giỏi và khá, trong đó 84 - 90% HS giỏi. Không chỉ 100% HS lớp 5 hoàn thành Chương trình TH mà từ 86,7 - 100% em đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào lớp 6 hệ công lập. Thành tích này trong nhiều năm đã đưa Trường TH Phan Như Thạch đứng tốp đầu và dẫn đầu các trường TH trên toàn thành phố. 
 
Thành quả dĩ nhiên bắt đầu từ đội ngũ CB, GV, CNV của trường. Hàng năm, từ 60 - 70% người lao động đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, 15-24% đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp… Chi hội Chữ thập đỏ liên tục đạt “Tiên tiến xuất sắc”; Liên chi Đội Thiếu niên Tiền phong 2 năm học gần đây đạt danh hiệu “Liên Đội mạnh cấp tỉnh”. Rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng các tập thể, các cá nhân là những sự ghi nhận xứng đáng đối với Trường TH Phan Như Thạch. Phó Phòng GD&ĐT Đà Lạt Mai Thị Xuân Nhơn đánh giá: “Trường TH Phan Như Thạch nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Tập thể tiên tiến”, các đoàn thể đều đạt “vững mạnh”. Hàng năm, nhà trường đều có “Chiến sĩ thi đua” và giáo viên giỏi các cấp… Ngoài hoạt động giáo dục, nhà trường còn tích cực hưởng ứng tốt các phong trào thi đua của ngành giáo dục, Liên đoàn Lao động thành phố và địa phương tổ chức như phong trào văn hóa - văn nghệ, xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực; phong trào xây dựng trường học có đời sống văn hóa tốt”. 
 
Chương trình văn nghệ của HS là hoạt động gây quỹ giúp HS nghèo vô cùng nhân văn
Chương trình văn nghệ của HS là hoạt động gây quỹ giúp HS nghèo vô cùng nhân văn

Nền tảng thành công 
 
Hiệu trưởng đương nhiệm Trần Thị Công Nga chia sẻ: Ngoài sự quan tâm của các cấp, các tổ chức thì Ban Giám hiệu cần có nhiệt tâm, trách nhiệm cao và thực sự đồng cảm, sẻ chia với đồng nghiệp; công tâm, dân chủ trong điều hành. Mỗi thành viên trong hội đồng phải thường xuyên trau dồi đạo đức nhà giáo và nghiệp vụ sư phạm; nghiêm túc và tự giác chấp hành các quy định của các cấp. Tôi hiểu, có hun đúc được những yếu tố này thì mới xây dựng được môi trường giáo dục tích cực và nhân ái, trong đó, rường cột là tinh thần đoàn kết và đồng lòng, trách nhiệm và lương tâm. Theo cô Công Nga, “Đạo đức là tiên quyết; tâm huyết phải đưa lên hàng đầu. Coi việc trường như việc nhà, thậm chí hơn cả việc nhà. Có vậy tập thể mới xây dựng được lòng tin yêu của nhân dân và các cấp lãnh đạo; tạo được sự đồng thuận trong đại đa số cha mẹ HS”.
 
Anh Nguyễn Ngọc Hùng là người hơn 15 năm làm đại diện cha mẹ (CM) HS các trường học, hiện là Trưởng Ban đại diện CMHS Trường TH Phan Như Thạch nói: Để được đa số CMHS đồng tình ủng hộ chủ trương xã hội hóa giáo dục và thành công, phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, tự nguyện, minh bạch và tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, đòi hỏi phía nhà trường phải thể hiện được cái tâm vì giáo dục. Nhờ tạo được lòng tin của CMHS, 3 năm học gần đây, phụ huynh đóng góp được khoảng 700 triệu đồng, riêng năm học 2014-2015 đã huy động gần 300 triệu đồng. Thành quả đó giúp họ xây dựng 2 phòng học bộ môn Tin học và tiếng Anh hiện đại; tạo cảnh quan trường học; khích lệ học tập của HS… “Nhờ vậy mà con em chúng tôi, đặc biệt là những gia đình khó khăn được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt; nhà trường và phụ huynh càng gắn bó chia sẻ đồng hành”, anh Hùng nói.
 
Xin dẫn thêm nhận xét của Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Đà Lạt, nay là Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng. Theo cô, Chi hội Khuyến học Trường TH Phan Như Thạch được thành lập rất sớm, có quan hệ chặt chẽ với phường 9, đặc biệt trường rất quan tâm đến đối tượng HS hòa nhập và trở thành đơn vị điển hình của tỉnh về công tác đưa HS khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Mặt khác, nhà trường có phong trào làm từ thiện rất nổi bật, hàng năm Chi hội tổ chức văn nghệ gây quỹ khuyến học được 50, 60 triệu đồng. “Tôi đánh giá rất cao việc làm đầy tính nhân văn sâu sắc này. Nó đưa lại kết quả quý báu là không để bất cứ HS nào thiệt thòi, trong đó có HS khuyết tật. Hơn thế, việc làm mang ý nghĩa rèn kỹ năng sống cho HS như Nghị quyết 29 của Trung ương đề ra. Nó bồi đắp ý thức biết yêu thương, sẻ chia trong mỗi HS, làm ấm lòng cộng đồng xã hội. Đồng thời, góp phần xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời, trong đó có HS khuyết tật”, cô Thái Thị Hạnh bày tỏ cảm kích.
 
ĐẠO PHAN