Nghịch lý trong việc sử dụng đất!

09:11, 06/11/2014

Qua kiểm tra, giám sát tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, có một thực tế "đau lòng" là trong lúc người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào DTTS) đang bị thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, nhưng lại có một doanh nghiệp được giao đất, giao rừng trên 100ha lại "lén lút" chặt phá rừng, sang nhượng, chuyển nhượng lâm sản, đất đai trái phép, trục lợi bất chính.

Tại Hội nghị giao ban của Thường trực Tỉnh ủy với MTTQ và các đoàn thể ngày 16/10/2014, ông Phạm Kim Khang - UVBTVTU, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu: Qua kiểm tra, giám sát tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, có một thực tế “đau lòng” là trong lúc người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào DTTS) đang bị thiếu đất sản xuất nghiêm trọng, nhưng lại có một doanh nghiệp được giao đất, giao rừng trên 100ha lại “lén lút” chặt phá rừng, sang nhượng, chuyển nhượng lâm sản, đất đai trái phép, trục lợi bất chính.
 
Ý kiến của ông Phạm Kim Khang tạo ra sự quan tâm của đông đảo đại biểu dự hội nghị, bởi lẽ: Tình trạng này không chỉ xảy ra tại huyện Lạc Dương, mà còn xảy ra ở hầu hết các địa phương có dự án giao đất, giao rừng cho các chủ dự án. Đơn cử như ở huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm. Tại huyện Lâm Hà, nhiều doanh nghiệp được giao dự án trồng rừng, nhưng không tiến hành đầu tư, hoặc đầu tư “nửa vời”, buông lỏng công tác quản lý, bị lấn chiếm trái phép một phần, hoặc gần hết rừng, đất rừng. Kết cục, tỉnh phải ban hành quyết định thu hồi 100% dự án và một phần dự án của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mắt Đá, Công ty TNHH Đa Phú, Công ty TNHH Đa Dâng, Công ty TNHH Sơn Hoàng. Thậm chí, tại địa phương này, người dân còn có đơn tố cáo cán bộ lãnh đạo UBND xã Đông Thanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban đã ngang nhiên bán đất rừng để trục lợi bất chính tại Tiểu khu 265.
 
Tại huyện Bảo Lâm, qua kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện có đến 3 doanh nghiệp được giao đất, giao rừng, nhưng không thực hiện đúng dự án theo đúng giấy phép, chứng nhận đầu tư, buông lỏng công tác quản lý, khiến rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Công ty CP Hùng Lộc Tiến đã “lén lút” sang nhượng đất rừng bất hợp pháp và phá rừng trái phép. Trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đề nghị các cấp, các ngành có thẩm quyền cần kiên quyết xử lý 3 doanh nghiệp làm thiệt hại rừng, đất rừng gồm: Công ty CP Nam Nam, Công ty TNHH An Nguyễn, Công ty CP Hùng Lộc Tiến. Đây chắc chắn chỉ mới là số ít doanh nghiệp được giao đất, giao rừng có hành vi vi phạm bị phát hiện ở huyện Bảo Lâm nói riêng, trong toàn tỉnh nói chung.
 
Trong bối cảnh cả tỉnh có trên 3.000 hộ đồng bào DTTS và nhiều hộ người Kinh đang bị thiếu đất sản xuất để ổn định cuộc sống, thì việc các doanh nghiệp lợi dụng việc giao đất, giao rừng theo dự án được phê duyệt để sang nhượng, mua bán đất trái phép, hoặc trục lợi bất chính từ rừng là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, cần phải kiên quyết thu hồi dự án và xử lý đúng pháp luật những doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết khi được giao đất, giao rừng, thực hiện các dự án có liên quan đến rừng. Có như vậy, mới lập lại được trật tự trong công tác QLBV rừng và góp phần giải quyết vấn đề bức xúc thiếu đất sản xuất của người dân hiện nay.
 
Hoàng Kiến Giang