Người thầy giáo

08:11, 19/11/2014

Trong sâu thẳm đạo lý dân tộc, có hai nhân vật được tôn vinh làm "thầy". Đó là thầy giáo và thầy thuốc. Đối với nghề dạy học, nhân dân ta luôn coi trọng truyền thống "tôn sư trọng đạo", luôn giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ, tình cảm giữa thầy và trò.

Trong sâu thẳm đạo lý dân tộc, có hai nhân vật được tôn vinh làm “thầy”. Đó là thầy giáo và thầy thuốc. Đối với nghề dạy học, nhân dân ta luôn coi trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”, luôn giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ, tình cảm giữa thầy và trò.
 
Một tiết học ngoại ngữ ở Trường THPT Chuyên Thăng Long. Ảnh: Văn Báu
Một tiết học ngoại ngữ ở Trường THPT Chuyên Thăng Long. Ảnh: Văn Báu
 
Từ bao đời nay, câu ca “Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy” đã ăn sâu tâm khảm người Việt Nam. Vẫn biết rằng sinh con và nuôi dưỡng con cái là công ơn trời bể của cha mẹ, nhưng dạy đứa trẻ lớn lên để trở thành con người không chỉ biết chữ mà còn có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, gắn tình thương yêu trong gia đình, yêu thương con người với tình yêu nước là công lao to lớn của người thầy. Bởi vậy, xã hội xưa, trong bậc thang giá trị, ông cha ta đặt vị trí người thầy giáo đứng sau nhà vua, đứng trước người cha theo trật tự quân-sư-phụ. Phải chăng, đặt trước cha là biểu thị sự coi trọng tính người của con người. Trong xã hội Việt Nam, người thầy có một vị trí rất đặc biệt, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Triết lý ấy thấm sâu trong tâm lý dân gian: “Không thầy đố mày làm nên”. Người ta tôn trọng thầy là vì trọng đạo lý làm người. Cho nên, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của dân tộc đã có từ lâu đời, nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng chính vì biết coi trọng đạo lý làm người mà dân tộc ta tồn tại và phát triển đến ngày nay, vượt qua được tai họa “đồng hóa” cứ rình rập, thường xuyên đe dọa sự nghiệp độc lập, tự chủ của dân tộc. 
 
Vì quý trọng nghề dạy học, nhân dân ta, xã hội ta luôn đặt ra những yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực của nhà giáo. Người thầy giáo chân chính dạy học trò không chỉ bằng vốn tri thức mà còn bằng cả chính nhân cách trong sáng của mình. Có gia đình nào mà lại không trải qua những ngày tháng gắn bó, nuôi dưỡng hạnh phúc đặt kỳ vọng vào người thầy có mặt trên khắp đất nước này từ chốn phồn hoa đô hội đến các vùng quê, các buôn làng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa đang nghèo khó. Chỉ có lòng say mê nghề nghiệp, có lòng thương yêu con người mới trở thành thầy giáo. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” - nghề thầy. Những thầy giáo có học vấn và đạo đức cao là những người thầy được đông đảo học sinh và xã hội nể trọng. Người học không chỉ học chữ của thầy mà còn học đạo đức của thầy trong đời tư, trong quan hệ tốt đẹp của thầy với gia đình, xã hội. Mục đích của việc học đã được UNESCO khái quát: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Trong lời ghi ở trang đầu sổ vàng truyền thống Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (tháng 9-1949), Bác Hồ viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Để làm được người thầy phải khổ công học tập và rèn luyện. Khổng Tử đã chỉ rõ muốn làm người thầy trước tiên phải làm trò (Thủy ư vi sĩ, chung ư vi thánh nhân) và ông đưa ra lời răn: “nhân bất học bất tri lý”. Có thể coi đó như sự đúc kết kinh nghiệm sống của loài người.
 
Chúng ta tự hào với hàng triệu chiến sĩ đã lập nên những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc; hàng triệu người đạt các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đều được học tập và rèn luyện từ các mái trường dưới chế độ mới. Họ không chỉ bày tỏ lòng tri ân đối với các thầy giáo, cô giáo đã truyền cho họ tri thức, mà còn nhớ mãi hình ảnh tận tâm, nhiệt tình, mẫu mực trong lối sống, tinh thần trách nhiệm cao đối với các thế hệ học trò của đại đa số thầy, cô. Tình cảm cao đẹp của học sinh, của các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội được thể hiện khá sinh động trong các dịp khai giảng, tổng kết năm học; nhất là dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đã và đang cổ vũ, động viên đội ngũ các cô giáo, thầy giáo các cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu chung cũng như tình cảm và nguyện vọng của nhân dân ta.
 
Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước ta ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu càng đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách giáo dục theo hướng toàn diện và căn bản. Ngày nay, quốc gia nào phát triển cũng xây dựng nguồn nhân lực và dựa vào ba loại vốn: vốn cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, bất động sản), vốn tự nhiên (rừng, biển, hầm mỏ…) và vốn người (kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, phần mềm máy tính). Trong ba loại vốn đó thì vốn người là quan trọng nhất. Nước Nhật tài nguyên nghèo, nhưng họ có vốn người rất giàu có, nên đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững, sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập quốc dân cao. Đó là nhờ kỹ thuật hiện đại + đạo lý Nhật Bản (trong đó hạt nhân là nhân cách). Người nước ngoài thường tôn vinh người Nhật là dân tộc có tính tự trọng cao. Ở Singapo, khi tuyển người vào bộ máy nhà nước, người ta đưa ra ba tiêu chuẩn: thông thái, nhân cách và kỷ luật. Vậy, muốn quan tâm đến nguồn vốn con người, không thể không quan tâm đến giáo dục. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người mới có kiến thức, phẩm chất đạo đức, có kỹ năng xây dựng và bảo vệ đất nước. Với sứ mệnh thiêng liêng trong sự nghiệp “trồng người” đã đặt lên vai đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, những người được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn” những nhiệm vụ nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang. Có thể nói, giáo dục là sản phẩm tiêu biểu của một chế độ, không phải là sản phẩm của riêng nó. Vì thế, nếu trút toàn bộ những thiếu sót, khuyết điểm cho riêng ngành còn lại thì vô can, e rằng không thỏa đáng. Mặc dù thực tế có những việc do sai phạm đạo đức từ một phía nào đó, nhưng chúng ta không vơ đũa cả nắm. Nói gì thì nói, người thầy vẫn là, cần là và phải là những nhân vật xã hội được kính trọng, không được tùy tiện xúc phạm cái nghề đáng kính này.
 
Nếu như trước đây, hằng năm cứ đến ngày 20-11, chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo thì từ năm 1982, Việt Nam kế tục và lấy ngày này là Ngày Nhà giáo Việt Nam, được tiến hành kỷ niệm trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày để lớp lớp các thế hệ thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng với thầy giáo, cô giáo - những người có nhiều công sức trong sự nghiệp trồng người và đào tạo nhân tài cho đất nước.
 
Khuất Minh Phương