Bỏ qua những cơ hội ở thành phố, vì biến cố gia đình, vì trăn trở với quê hương, người thầy giáo ấy đã chọn con đường trở về để cùng những nốt nhạc nâng tài năng, ước mơ của những đứa trẻ nơi buôn làng.
Bỏ qua những cơ hội ở thành phố, vì biến cố gia đình, vì trăn trở với quê hương, người thầy giáo ấy đã chọn con đường trở về để cùng những nốt nhạc nâng tài năng, ước mơ của những đứa trẻ nơi buôn làng.
Được sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, chúng tôi tham dự một tiết học nhạc của học sinh lớp 8A do thầy giáo Cil Pa Me Ra By (36 tuổi), người dân tộc Cil đứng lớp. Lớp học phần đông là con em dân tộc thiểu số. Không hiểu gì về nhạc lý nhưng giọng ca cao vút của những cô cậu học trò này đã thực sự cuốn hút chúng tôi.
|
Những cô cậu học trò người dân tộc Cil say mê cất cao lời hát trong tiếng nhạc của người thầy |
Con đường đến âm nhạc
Đã gặp nhiều người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành công trên con đường ca hát, nhưng quyết định gắn bó với âm nhạc dưới mái trường như Ra By thì đây là lần đầu tôi biết.
Ở cái thời của anh Ra By khi cuộc sống vẫn còn đói cái ăn, thiếu cái mặc, cái chữ đối với họ như một thứ xa xỉ. Và những đứa trẻ vẫn “bỏ vở” về nhà, với nương, rẫy, với bắp, khoai. Nhưng Ra By, anh vẫn đắm say không lý do với con chữ.
Anh kể: “Từ ấu thơ, những bản tình ca bỏng cháy của mảnh đất Tây Nguyên, những khúc hát ru của người Cil mà mẹ hát từ tấm bé đã làm mình yêu thích vô cùng những lời ca, giai điệu. Rồi tới năm học lớp 6, một dịp tình cờ thấy người ta chơi đàn organ, mình như bị hút hồn vào tiết tấu. Mỗi lần có cơ hội thấy cây đàn khiến mình không khỏi sung sướng và tranh thủ học ké đôi điều. Rồi cứ thế, cây đàn dần trở thành niềm đam mê tự lúc nào”.
Năm 1999, khi thi đại học, Ra By đậu vào Trường Đại học Y Tây Nguyên và Khoa nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau bao ngày trăn trở, anh đã quyết định liều lĩnh chọn Khoa nhạc trong khi cả gia đình đều muốn anh học trường Y. “Với vốn kiến thức đã có cộng với sự đam mê và có lẽ cả khả năng trời phú nên khi là sinh viên năm 2, mình thường xuyên chơi đàn phục vụ khách nước ngoài ở Khách sạn Palace - Đà Lạt. Công việc này mang lại cho mình khoản thu không nhỏ”, Ra By cười vui kể.
Khi ra trường, anh từng được Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt giữ lại làm giảng viên và cử đi học tiếp tại Học viện Âm nhạc quốc gia nhưng vì biến cố gia đình, đồng thời từ mong muốn về giảng dạy cho những đứa trẻ nơi buôn làng, đã “kéo” Ra By rời phố về buôn.
Thầy giáo của buôn làng
12 năm công tác trong ngành sư phạm, Ra By đã đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ gửi vào từng trang giáo án để truyền cho các em học sinh tình yêu âm nhạc, để từ đó phát hiện và bồi dưỡng cho những em có năng khiếu. Em Jane - cậu học sinh lớp 8, người Cill nói với tôi rằng, “Cháu cũng ước được như thầy Ra By, được học, được hát vậy”.
Được biết, vào năm 2002, năm đầu tiên ra trường và công tác tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Quảng Lập), Ra By đã đăng ký thi giáo viên giỏi cấp huyện và đạt kết quả tốt; đạt Huy chương Đồng trong hội thi nghiệp vụ sư phạm âm nhạc các trường sư phạm toàn quốc. Giọng hát của người thầy giáo này từng đạt giải vàng cuộc thi tiếng hát Hoa phượng tím do Tỉnh Đoàn và Đài PT-TH Lâm Đồng tổ chức; giải Ba Tiếng hát truyền hình Lâm Đồng lần thứ 3.
Và thời gian làm thầy giáo đã cho anh cảm xúc sáng tác những ca khúc cho thiếu nhi. Năm 2009, tác phẩm “Thân thiện và yêu thương” của Ra By được Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng chọn tham dự thi Liên hoan Búp sen hồng toàn quốc đã đem giải nhì về cho tỉnh. Hơn nữa, trong tháng 5 vừa qua, anh đã giành giải nhất tại cuộc thi Liên hoan Tiếng hát dân ca và đàn Piano kỹ thuật số 2014 do Bộ GD & ĐT tổ chức”.
Ra By tâm sự “Từ sự trải nghiệm của bản thân nên mình rất hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi cùng những ước mơ của những đứa trẻ nơi này. Mong muốn bù đắp, mang lại niềm vui và nhất là khích lệ động viên phát huy khả năng thiên phú của các em là động lực lớn nhất giúp mình giảng dạy”. Có lẽ chính vì thế mà anh khẳng định rằng “không yêu học trò, không thể trở thành thầy giáo giỏi được”.
Được biết vào những ngày hè anh mở lớp dạy nhạc miễn phí cho các em thiếu nhi trong thôn. Chị Kon Sa Phim (50 tuổi) trú tại thôn Suối Thông A (xã Đạ Ròn) cho biết, hè về mấy đứa trẻ thường đi chơi sông suối nguy hiểm nhưng từ ngày thầy Ra By dạy đàn cho các cháu, đứa nào cũng thích đi học, thích hát, thích đàn nên chúng tôi cũng yên tâm đi làm rẫy.
Thông qua dạy nhạc, thầy Ra By còn dạy cho học trò những bài học về đạo đức, ứng xử và pháp luật giúp các em sự tự tin, bồi dưỡng kỹ năng sống để các em vững vàng hòa nhập trong trường học cũng như khi ra đời. Không chỉ thế, anh cũng là giáo viên phụ đạo cho nhiều học sinh muốn theo đuổi âm nhạc lâu dài và hiện giờ không ít trong số đó đang theo học ngành âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và các trường đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Đạ Ròn cho biết: Thầy giáo Ra By đã là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trong ngành sư phạm. Những năm công tác tại Trường THCS Đạ Ròn, dạy môn nhạc và kiêm Tổng phụ trách Đội, Ra By có cách dạy sáng tạo, hấp dẫn và nhiệt tâm đã tạo được niềm tin yêu trong Ban giám hiệu và nhiều thế hệ học trò.
Trên con đường đất ngoằn ngoèo đầy sỏi đá bên Trường THCS Đạ Ròn, nhiều đứa trẻ túm tụm, thấp thỏm sau những bụi dã quỳ xanh lá, mắt chăm chú hướng về khung cửa sổ tầng hai của dãy sau nhà trường, nơi phát ra tiếng đàn Organ, bóng lưng và giọng ca cao vút của một người thầy.
Ngọc Ngà