Người vận động cộng đồng cùng giữ gìn môi trường

08:11, 10/11/2014

Đó là linh mục Phạm Công Phương, Quản xứ Xứ đạo Lạc Viên - Đơn Dương. Trong nhiều năm nay, ông là người nhiệt thành vận động người dân trong vùng cùng chung tay bảo vệ môi trường sống. 

Đó là linh mục Phạm Công Phương, Quản xứ Xứ đạo Lạc Viên - Đơn Dương. Trong nhiều năm nay, ông là người nhiệt thành vận động người dân trong vùng cùng chung tay bảo vệ môi trường sống. 
 
Linh mục Phạm Công Phương
Linh mục Phạm Công Phương
Những năm đầu khi tôi về đây chung quanh rất nhiều rác. Nhiều người cứ thản nhiên đổ rác ra đường, bỏ rác vào túi ni lông rồi mang ra vứt chỗ vắng, ném xuống suối, xuống sông làm tắc nước chảy, làm hỏng cả môi trường sống” - cha Phạm Công Phương bắt đầu câu chuyện của mình về sự vận động bảo vệ môi trường trong rất nhiều năm nay ở giáo xứ của ông tại Đơn Dương.
 
Đó là năm 2004, khi ông được điều về phụ trách quản hạt giáo xứ Lạc Viên, xã Lạc Xuân, Đơn Dương. Thời điểm đó, Đơn Dương đã là một vùng rau đang phát triển, nhu cầu lao động lớn, hằng nghìn người lao động mọi nơi đổ về đây tìm việc làm, lượng rác thải phát sinh trong vùng hằng ngày rất lớn. Giáo xứ nơi ông làm việc chẳng có dịch vụ thu gom rác, người dân tự tìm cách giải quyết cho mình. Thấy rác thải nhiều quá, ông đã đến nhiều nhà dân trong vùng vận động xử lý rác thải trong vườn nhà. Nhưng quả thật rất khó vì nhiều nhà chật chội, đất được dùng cho xây dựng hầu hết, chẳng còn vườn tược gì, không còn chỗ để đào hố xử lý rác, đốt rác trong vườn. Rồi những dãy nhà trọ trong vùng mọc lên cũng thế, chật chội, rác thải cứ thế được người ở tuồn ra môi trường, chỗ trống nào cũng thấy túi ni lông, bao tải chứa rác lung tung. Vừa vận động dân, ông vừa đứng ra thành lập một nhóm thanh niên thiện nguyện trong giáo xứ hằng tháng tổ chức các đợt đi thu gom rác nơi công cộng. Nhưng rác càng ngày càng nhiều, nhóm này tiến đến hoạt động hằng tuần nhưng vẫn không thu gom hết được. Thế là ông nghĩ ra một cách khác: thành lập hẳn một đội môi trường của giáo xứ để lo chuyện vệ sinh. Đội môi trường này lúc đầu bao gồm những người tích cực trong giáo xứ, chịu trách nhiệm đi thu gom rác thải tại các nhà dân vào buổi chiều. Những gia đình có rác được thu gom phải đóng một mức phí để đội thuê xe ngựa vận chuyển đến bãi thải. Nhưng cả vùng này lúc đó chẳng có bãi chứa rác thải nào. Thế là ông bàn cùng đội môi trường thuê một khu đất hoang chừng vài sào gần núi, thuê máy múc đến đào hố sâu để vùi rác xuống. Tại bãi rác này, đội có một người chịu trách nhiệm quản lý, phân loại rác, loại nào thu hồi được để tái chế, loại nào phơi nắng khô để đốt trước khi chôn lấp. Ban đầu chỉ có một số hộ dân trong giáo xứ Lạc Viên tham gia vào việc thu gom rác thải này nhưng dần thấy lợi ích nên số nhà tham gia tăng dần, lan sang các vùng lân cận. Đích thân Linh mục Phương cũng đi đến từng xóm trong vùng để vận động, đặc biệt là các vựa rau với lượng rác thải lớn và những dãy nhà trọ ông cũng kiên trì vận động để đừng vứt rác thải ra chỗ công cộng. Cho đến nay, hầu hết nhà dân tại Lạc Viên, bất kể đạo hay không đạo đều đã tham gia thu gom rác thải tại nhà, chi phí 25 nghìn đồng/nhà/tháng. Và không chỉ Lạc Viên mà nay còn thêm các vùng chung quanh như La Bui, Lạc Bình... với gần nghìn gia đình trong vùng đăng ký tham gia.
 
Sau một thời gian vận hành, việc thu gom rác nơi đây nay đã đi vào qui củ. Để “chuyên nghiệp hóa” đội môi trường, cha Phương đã giao hẳn cho một người trong vùng phụ trách, đó là ông Nguyễn Thành Chương. Khi số hộ dân tham gia tăng lên, đồng nghĩa với phí vệ sinh thu được cũng nhiều hơn nên đội đã đủ sức để thay thế từ xe ngựa sang thuê ô tô để vận chuyển rác, trả lương cho những người đi thu gom. Gần đây, đội đã mua hẳn một chiếc ô tô 1,4 tấn dùng cho việc gom rác. “Phải nói rằng môi trường đã cải thiện được rất nhiều” - linh mục Phương vui cười khi nói với chúng tôi. Theo ông, nay đã không còn thấy cái cảnh người dân trong vùng vứt rác ra đường, sông suối, chỗ vắng nay cũng sạch sẽ nhiều. Thỉnh thoảng những lúc rảnh, ông lại đi dạo một vòng trong vùng, chỗ công cộng nào có rác ông sẽ nhờ đội môi trường đến thu dọn. “Tôi cố gắng làm được đến đâu thì làm. Cũng cần sự đồng lòng của mọi người dân cho ích lợi chung thôi mà” - cha Phương nói. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng chỉ là một giải pháp tình huống: “Chúng tôi làm đây chỉ là tạm thời, bãi rác chúng tôi đang thuê là bãi rác tự phát, mặc dù quản lý tốt nhưng đất hẹp, chỉ chừng vài năm đến là đầy nên rất mong Nhà nước cùng vào cuộc, thu gom rác cho người dân, đưa rác đến các bãi thải được quy hoạch, giải quyết vấn đề triệt để hơn”.
 
Cũng cần nói thêm, không chỉ là người luôn đi đầu trong bảo vệ môi trường tại nơi mình làm việc, linh mục Phạm Công Phương còn là người khởi xướng phong trào “thắp sáng vùng quê” tại Đơn Dương. Ông đã vận động trên 500 triệu đồng để bắc trên 400 bóng đèn tiết kiệm U-50 cho khoảng 16 cây số đường trong vùng, dọc theo Quốc lộ 20 đoạn qua Lạc Xuân, đường liên huyện phía nam sông Đa Nhim và hầu như gần hết các tuyến đường nông thôn trong vùng. Khi lắp xong hệ thống chiếu sáng này, ông giao lại cho các tổ dân trong khu vực quản lý, mỗi xóm có một đồng hồ đo điện riêng, trung bình mỗi nhà trong tổ đóng góp chừng 10 nghìn đồng/tháng để trả tiền điện thắp sáng, nếu còn dư dùng để tu bổ đường dây, thay thế bóng hỏng. Cha Phương còn là người đi đầu trong vận động “bê tông hóa” các con đường nông thôn trong vùng. Cho đến nay, ông đã vận động tiền để cùng người dân làm khoảng 40 con đường trong vùng, đường ngắn nhất chừng vài mét, dài nhất cũng hơn cây số, có đường rộng chừng 1 mét, có đường rộng 6 mét, ô tô đi lại thoải mái. Số tiền vận động làm đường này đến nay đã lên khoảng vài tỷ đồng. Hiện, ông đang cùng người dân thi công một con đường trong vùng khoảng 170 triệu đồng. Năm ngoái, ông đã cho xây dựng 2 cây cầu vượt lũ qua sông Đa Nhim trên 2 tỷ đồng. 
 
Còn rất nhiều điều linh mục Phạm Công Phương làm cho người dân nơi đây. Lo việc đạo nhưng ông còn làm rất tốt những việc đời. Năm 2013, cha Phương chính là 1 trong những tấm gương được tỉnh tuyên dương, được chọn đi dự hội nghị cấp toàn quốc biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
 VIẾT TRỌNG