Theo Đề án 50 của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ cuối năm 2013, huyện Đam Rông được tăng cường 3 trí thức trẻ dưới 30 tuổi là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, có trình độ đại học về công tác tại 3 xã, gồm: Đạ R'sal, Đạ Tông và Đạ K'nàng là những xã đặc biệt khó khăn...
Theo Đề án 50 của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ cuối năm 2013, huyện Đam Rông được tăng cường 3 trí thức trẻ dưới 30 tuổi là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, có trình độ đại học về công tác tại 3 xã, gồm: Đạ R’sal, Đạ Tông và Đạ K’nàng là những xã đặc biệt khó khăn. Sau gần 1 năm nỗ lực công tác, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các trí thức trẻ đã góp phần không nhỏ vào công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng - an ninh tại địa phương.
|
Trí thức trẻ đoàn Khối Các cơ quan tỉnh giao lưu TDTT với đoàn viên thanh niên vùng sâu, vùng xa huyện Đam Rông. Ảnh: Ngọc Minh |
Cuối năm 2013, trí thức trẻ Siu H’Bing, 25 tuổi, là người đồng bào J’Rai đã được phân công về công tác tại Văn phòng UBND xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông theo Đề án 50 của UBND tỉnh Lâm Đồng - tăng cường trí thức trẻ dưới 30 tuổi là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, có trình độ đại học về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, chị Siu H’Bing đã tích cực bám sát cơ sở, tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội tại xã Đạ R’sal, nơi cách xa khoảng 20km so với địa phương gia đình chị đang sinh sống ở xã Đạ M’rông. Đặc biệt, chị H’Bing đã dành nhiều thời gian xuống gặp gỡ tìm hiểu đời sống cũng như nắm bắt tâm tư tình cảm của các hộ dân. Từ đó, với vốn kiến thức của một kỹ sư chăn nuôi thú y, chị đã tích cực tham mưu cho Chủ tịch UBND xã Đạ R’sal trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là nhiệm vụ phát triển vật nuôi một cách có hiệu quả. Trí thức trẻ Siu H’Bing bày tỏ: “Tôi xuống các thôn họp cùng bà con triển khai các chương trình dự án hỗ trợ về nông nghiệp như hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, rồi lấy nhu cầu của bà con ở các thôn. Qua đó, bản thân tham mưu với chính quyền xã xây dựng chương trình hỗ trợ cho bà con những vật nuôi tốt nhất để giúp bà con phát triển kinh tế”.
Cũng theo Đề án 50 của UBND tỉnh, cuối năm 2013, trí thức trẻ Cill Jong K’Grenny, 26 tuổi (ở xã Rô Men), là cử nhân Ngữ văn, là người đồng bào Cil, được phân công về công tác tại Văn phòng UBND xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Là người DTTS, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, nên chị K’Grenny dễ dàng trong việc tiếp xúc với đồng bào tại địa phương. Thông qua nhiều lần đến gặp gỡ trao đổi với người dân, chị đã hiểu hơn tâm tư, tình cảm của nhân dân gửi gắm tới cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, chị có thể chia sẻ, hướng dẫn người dân về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, thực hiện nếp sống văn hóa mới… Cũng từ đó, chị thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu chính quyền xã kịp thời có sự điều chỉnh các chương trình, kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển cho các hộ dân, nhất là giúp các hộ nghèo được thoát nghèo. Trí thức trẻ Cill Jong K’Grenny nói: “Tôi thấy nhận thức bà con ở đây còn hạn chế. Một số người chưa nói được tiếng phổ thông. Là người dân tộc địa phương, tôi luôn gặp gỡ nói chuyện cũng như hướng dẫn bà con trong hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống hàng ngày”.
Là trí thức trẻ nam giới duy nhất được tăng cường về công tác tại huyện Đam Rông theo Đề án 50 của UBND tỉnh, cuối năm 2013, trí thức trẻ Rơ Ông Ha Soel, 29 tuổi (ở xã Liêng S’rônh), là người đồng bào Cil, là Cử nhân công nghệ Sinh học được phân công về công tác tại Văn phòng UBND xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông. Bên cạnh việc tích cực đi cơ sở nắm bắt tình hình đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân ở địa phương, Ha Soel còn chú trọng tìm hiểu những vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, trong đó là những vụ tranh chấp đất đai. Bởi thực tế, xã Đạ K’nàng là địa phương được đánh giá là phát triển bậc nhất về kinh tế - xã hội tại huyện. Tuy nhiên, cùng với đó, những năm gần đây, ở địa phương này, tình trạng số vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai xảy ra nhiều. Do vậy, việc tiếp công dân đến văn phòng UBND xã gửi kiến nghị về các vụ tranh chấp, trong đó có tranh chấp đất đai đã chiếm nhiều thời gian của anh Ha Soel và các ban chức năng có liên quan. Bằng vốn kiến thức hiểu biết của mình, sự tận tâm với công việc, Ha Soel luôn niềm nở, tỏ thái độ đúng mực khi tiếp công dân, đồng thời, có sự tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vụ việc để nhận được sự đồng tình của nhân dân. Trí thức trẻ Rơ Ông Ha Soel cho biết: “Ở xã Đạ K’nàng, tình trạng tranh chấp đất đai là nhiều nhất. Người dân đến văn phòng UBND xã thường đem theo đơn kiến nghị hay trình bày về các vụ việc. Với kiến thức đã học, tôi vận dụng vào việc tiếp dân phối hợp cùng với đại diện lĩnh vực Tư pháp hay Địa chính để giải thích cho nhân dân hiểu rõ về các vụ việc”.
Thực tế, UBND tỉnh đã tăng cường những trí thức trẻ là con em đồng bào DTTS ở địa phương về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn theo đề nghị của UBND huyện Đam Rông thông qua Đề án 50. Qua đó, nhằm giải quyết việc làm cho con em ở địa phương đã tốt nghiệp đại học; đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các trí thức trẻ trong quá trình công tác. Hiện nay, UBND huyện Đam Rông cũng đang tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh để chuẩn bị bổ nhiệm các trí thức trẻ Đề án 50 làm phó chủ tịch UBND ở các xã đã được phân công công tác theo quy định.
Như vậy, đã gần 1 năm, 3 trí thức trẻ, gồm: Siu H’Bing, Cill Yong K’Grenny và Rơ Ông Ha Soel được tăng cường về công tác tại các xã: Đạ R’sal, Đạ Tông và Đạ K’nàng theo Đề án 50 của UBND tỉnh. Tuy mới chỉ là hiệu quả bước đầu, nhưng qua thời gian công tác, họ được đánh giá là những người có tri thức, tác phong, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt huyết trong công tác. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lãnh đạo triển khai phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Đam Trọng