Thiên chức của nhà giáo là không chỉ "dạy chữ" mà quan trọng hơn là "dạy người", dạy cho học trò đạo lý làm người; là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tri thức, tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại.
Thiên chức của nhà giáo là không chỉ “dạy chữ” mà quan trọng hơn là “dạy người”, dạy cho học trò đạo lý làm người; là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tri thức, tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại.
Việt Nam là một đất nước hiếu học, đã hun đúc truyền thống tôn sư trọng đạo “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Sự quý trọng, đề cao vị trí nhà giáo đã đi vào thơ ca "Qua sông phải bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", hoặc “Không thầy đố mày làm nên, trọng thầy mới được làm thầy” và còn rất nhiều lời hay ý đẹp ca ngợi nghề dạy học và người dạy học. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo". Chính truyền thống tôn sư trọng đạo nên người thầy giáo được nhân dân tôn kính và xếp ở thứ bậc cao trong xã hội: Quân - Sư - Phụ, chỉ sau vua và ba ngày quan trọng nhất trong năm (Tết Nguyên Đán), bổn phận người học trò cũng đã dành riêng cho thầy giáo của mình một ngày: Mồng một cho cha, mồng hai cho mẹ, mồng ba cho thầy... Sở dĩ nhân dân ta tôn trọng, đề cao, vinh danh nhà giáo và nghề dạy học ngoài truyền thống hiếu học của dân tộc như đã nêu trên, còn có nguyên nhân chủ yếu là do thiên chức của nghề dạy học, người dạy học đã được các thế hệ nhà giáo Việt Nam chân chính dày công xây đắp nên. Thiên chức của nhà giáo là không chỉ “dạy chữ” mà quan trọng hơn là “dạy người”, dạy học trò đạo lý làm người; là phát huy và truyền lại cho học sinh những tri thức, tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại, góp phần hun đúc tâm hồn Việt Nam; là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Dân tộc ta hết sức trân trọng, tự hào về truyền thống vẻ vang của Nhà giáo Việt Nam; tự hào về những nhà giáo nổi tiếng “đức trọng”, “hay chữ”, tài cao, yêu nước, thương dân…
Đội ngũ Nhà giáo Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau viết nên trang sử vẻ vang của giáo giới với những truyền thống nổi bật, đó là: (1) Nhà giáo Việt Nam chân chính luôn gắn bó và quan hệ mật thiết với nhân dân, sống cuộc sống của người dân nên rất thấu hiểu lòng dân, được dân tin, dân quý. (2) Bao giờ cũng giàu lòng nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước; luôn tự thấy mình có trách nhiệm dạy người chưa biết chữ, dạy hết chữ của mình, không ngừng tự học, tự hoàn thiện nhân cách để nêu gương cho học trò, để giáo dục - đào tạo nhân tài cho đất nước. (3) Là người yêu nước, thương dân; trong thời phong kiến, họ không tự ràng buộc mình bởi luật lệ “tôi trung”, bao giờ cũng chọn đúng hướng đi cho mình; luôn đứng về phía nhân dân, mang tính nhân dân và hành xử theo tư tưởng của dân; không hợp tác với giặc, không sống thỏa hiệp với những kẻ gian thần, bất nhân, bất nghĩa; khi gặp điều ngang trái, không ra làm quan hoặc sẵn sàng từ quan về ở ẩn, lấy đạo học làm niềm vui. (4) Có cuộc sống đạm bạc, giản dị, nhưng thanh cao, mẫu mực, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh; luôn nêu cao tấm gương tiết tháo, giàu sang không thay lòng đổi dạ, uy vũ, cường quyền không khuất phục. (5) Cần cù, sáng tạo trong dạy học; bởi dạy học là một nghề không chỉ đòi hỏi phải yêu người, yêu nghề mà còn phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, tự học, tự tu dưỡng…
Hiện nay, tuyệt đại bộ phận nhà giáo đều có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; kiên trì vượt qua khó khăn thử thách, luôn xứng đáng là “một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo. Nhiều nhà giáo đã miệt mài lao động sáng tạo; tham gia nghiên cứu khoa học vừa phục vụ quá trình đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học, vừa phục vụ sản xuất và chiến đấu góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiêu biểu rất đáng tự hào, đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Mặc dù số lượng đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo rất cao, nhưng năng lực thực tiễn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều giáo viên còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn còn có những giáo viên xếp loại yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; còn một bộ phận không nhỏ chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm, trình độ tin học, ngoại ngữ, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, hạn chế khả năng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; một số ít giáo viên do chạy theo vật chất đơn thuần, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và học sinh... Đúng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã đánh giá: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Đó là những điều trái với truyền thống của Nhà giáo Việt Nam, trái với đạo đức, thiên chức và danh vị cao quý mà nhân dân đã giành cho nhà giáo. Hi vọng trong một thời gian không xa những hạn chế, bất cập sẽ được ngành giáo dục - đào tạo và bản thân các giáo viên khắc phục có hiệu quả.
Để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp, xứng đáng với danh hiệu cao quý cũng như niềm tin yêu mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã dành cho, trước hết đội ngũ nhà giáo, cán bộ giáo dục phải thiết tha yêu nghề, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực; thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình. Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” (Bài nói với CB, HS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 21/10/1964). Đồng thời qua đó, cũng nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi nhằm góp sức cùng ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
BAN BIÊN TẬP