Sau khi nghiên cứu, chắt lọc những vấn đề trọng tâm được dư luận quan tâm, trên cơ sở lấy ý kiến từ nhân dân, UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay vào thực hiện giám sát và phản biện nhiều nội dung quan trọng mang tính chiến lược, gắn với quyền và lợi ích của nhân dân.
Sau khi nghiên cứu, chắt lọc những vấn đề trọng tâm được dư luận quan tâm, trên cơ sở lấy ý kiến từ nhân dân, UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay vào thực hiện giám sát và phản biện nhiều nội dung quan trọng mang tính chiến lược, gắn với quyền và lợi ích của nhân dân.
Năm 2014, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ban Thường trực MTTQ tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy lên kế hoạch giám sát về việc thực hiện chính sách người có công; việc quản lý các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; việc quản lý, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giám sát thực hiện nghị Quyết số 11 - NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; và Nghị định 56/2012/NĐ - CP ngày 16/7/2012 về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước… Trên thực tế, những nội dung này đã được triển khai, nhưng còn nhiều bất cập, tồn tại chưa được khắc phục.
Hiện nay, các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban Thường trực MTTQ đang rốt ráo triển khai việc giám sát thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó đã thực hiện khảo sát tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh); xã Đạm Ri (thành phố Bảo Lộc); xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai)… là những địa phương có đông đối tượng chính sách người có công sinh sống. Đoàn khảo sát sẽ trực tiếp làm việc với cán bộ chủ chốt và nhân dân tại các thôn, buôn thuộc các xã nói trên để báo cáo kết quả, tham mưu Ban Thường trực MTTQ tỉnh, các ngành liên quan.
Vừa qua, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã triển khai hội nghị phản biện dự thảo quy định về quản lý đất đai đối với các hộ gia đình là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh với sự tham gia góp ý sôi nổi của các thành viên Hội đồng Tư vấn, các tổ chức thành viên và trước đó đã lấy ý kiến đóng góp từ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, dự báo trong năm 2015 và những năm tới tình hình chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất được phép đối với các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gia tăng khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Tình hình chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất không thông qua chính quyền của các hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS tiếp tục diễn ra. Vì vậy, việc ban hành quy định mới về quản lý đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS thực sự cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay. Đòi hỏi các cấp trong tỉnh cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, trong dự thảo quy định của UBND tỉnh nói trên, nhiều ý kiến cho rằng thiếu nội dung quan trọng quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Phạm vi điều chỉnh chỉ đề cập đến các trường hợp được phép chuyển nhượng chứ chưa quy định chi tiết về tổ chức, cá nhân nào không đủ điều kiện, không được phép chuyển nhượng, cho, tặng QSD đất. Quy định mức bình quân tại địa phương là 0,25ha/nhân khẩu, nếu trên mức này thì hộ gia đình đó mới được chuyển nhượng, tặng, cho QSD đất. Quy định này cần cân nhắc, tính toán kỹ hơn vì trên thực tế đồng bào DTTS trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như điều, cà phê, chè, rau thương phẩm, lúa… mỗi loại cây trồng sẽ cho năng suất, thu nhập khác nhau, nên quy định phù hợp để đảm bảo thu nhập và đời sống của nhân dân, chống tái nghèo.
Thực hiện nhiệm vụ phản biện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tập trung vào những nội dung: phản biện quy định các tiêu chuẩn, đối tượng, điều kiện được thuê, mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; quy định về quản lý sử dụng, cho thuê, mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quy định về chuyển nhượng cho thuê đất vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… là những vấn đề trọng tâm được Ban Thường trực MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện theo Quyết định 217 - QĐ/TW ngày 22/12/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội trong năm 2014. Ông Phạm Kim Khang - UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ cho biết: đây là vấn đề khó, đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ, sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, tôi tin những khởi đầu về giám sát, phản biện trong năm 2014 sẽ đạt kết quả.
Nguyệt Thu