Phối hợp chặt để có trách nhiệm với người làm thuê

08:11, 12/11/2014

Những ngày đầu tháng 11, ở xã Chư H'reng, xã Đăk Rơ Wa thuộc thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum dáo dác việc một số lao động bị đối tượng "cò" lạ mặt đưa đi lao động ở tỉnh Lâm Đồng đang bặt vô âm tín...

Những ngày đầu tháng 11, ở xã Chư H’reng, xã Đăk Rơ Wa thuộc thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum dáo dác việc một số lao động bị đối tượng “cò” lạ mặt đưa đi lao động ở tỉnh Lâm Đồng đang bặt vô âm tín. Thông tin từ đồng nghiệp báo Kon Tum cho biết: Đối tượng xe ôm “cò” tập hợp được 21 thanh niên (gồm 9 nữ và 12 nam, độ tuổi từ 16 đến 22) đưa lên ô tô và nhận tiền từ chủ xe rồi biến mất. Một số lao động trốn thoát trở về cho báo giới Kon Tum biết: Đến Lâm Đồng, họ được dẫn vào trang trại trồng hoa, chế biến hoa quả, không phải hái cà phê như lời hứa ban đầu. “Họ bị ép buộc lao động cực khổ, bị thu điện thoại, bị các chủ cơ sở giam lỏng và tuyên bố không ai có thể rời khỏi trang trại vì tất cả đã nợ tiền từ 1,8-2 triệu đồng” (báo Kon Tum đưa tin). Chủ tịch UBND xã Chư Hreng (Kon Tum) Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết: “Do nắm được tâm lý cần việc làm, nên người môi giới, cò mồi lợi dụng, dụ dỗ với mức thu nhập cao và đưa những lao động này đi qua Lâm Đồng làm việc không đúng với lời hứa ban đầu, vì vậy, hiện tâm lý người dân đang rất bất an”. Công an thành phố Kon Tum đang phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, tìm kiếm những lao động chưa trở về địa phương. Được biết, số lao động bị “cò” dẫn đến trung tâm môi giới việc làm không chỉ làm thuê ở Lâm Đồng mà còn có cả ở tỉnh Đăk Lăk. 
 
Địa phương có người lao động đi làm thuê dĩ nhiên phải tích cực công tác tuyên truyền để người dân phòng ngừa, tránh được thủ đoạn lừa đảo. Đối với địa phương người lao động đến làm thuê (Lâm Đồng chẳng hạn) cũng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền các địa phương để tăng cường kiểm tra, quản lý chặt; đồng thời tuyên truyền giáo dục những chủ sử dụng lao động cần nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm pháp luật. Trước đây, chúng tôi đã có loạt bài điều tra về thực trạng này, trong đó đã nêu những đề xuất giải pháp. Nay, có sự việc mới và đang vào vụ thu hoạch cà phê, chúng tôi xin nêu thêm ý kiến đề nghị của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh trong một dịp công tác gần đây. Đó là: Việc để cho người lao động nơi khác đến làm việc ở địa phương tỉnh Lâm Đồng phải chịu cảnh xử sự bất công như đối xử, trả không đúng công sức bỏ ra… của các chủ sử dụng lao động là không thể chấp nhận được. Phải kiểm tra, xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi, công khai những cơ sở giới thiệu việc làm sai phạm pháp luật lao động cho mọi người dân biết để phòng tránh. Thiết nghĩ, việc làm này vừa bảo vệ người lao động, đồng thời nhằm giữ hình ảnh thân thiện của thị trường lao động Lâm Đồng.  
 
MINH ĐẠO