Năm học 2014 - 2015 là năm học thứ ba của thầy và trò Trường THPT Phan Đình Phùng, ngôi trường mới thành lập ở huyện nghèo Đam Rông. Vượt qua những nhọc nhằn của buổi đầu thiếu thốn trăm bề, thầy và trò nơi mảnh đất còn nhiều khó khăn ấy đã tạo dấu ấn mang tên "THPT Phan Đình Phùng" trong nền giáo dục của tỉnh.
Năm học 2014 - 2015 là năm học thứ ba của thầy và trò Trường THPT Phan Đình Phùng, ngôi trường mới thành lập ở huyện nghèo Đam Rông. Vượt qua những nhọc nhằn của buổi đầu thiếu thốn trăm bề, thầy và trò nơi mảnh đất còn nhiều khó khăn ấy đã tạo dấu ấn mang tên “THPT Phan Đình Phùng” trong nền giáo dục của tỉnh. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trường là một trong những trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100% của tỉnh.
Hơn cả một tấm lòng “trồng người”
Đã gần 3 năm từ ngày nhận quyết định về làm hiệu trưởng ngôi trường mới thành lập tại xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng vẫn nhớ như in cái buổi đầu “khó khăn chồng chất khó khăn” ấy. Đó là năm học 2012- 2013, chỉ 3 tháng sau khi UBND tỉnh quyết định thành lập Trường THPT Phan Đình Phùng với địa bàn tuyển sinh ở 3 xã: Đạ R’sal, Liêng Srônh và Rô Men. Thầy Dũng nhớ lại “Ngày đó trường mới thành lập 3 tháng, phải vật lộn với những khó khăn bước đầu đầy thách thức. Phòng học và nơi làm việc phải mượn tạm Văn phòng Ban Quản lý rừng Sêrêpôk và Hội trường thôn Tân Tiến, thiếu thốn lắm, đến tháng 12 trường mới xây xong”. Vậy mà năm học ấy vẫn có 91% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá trở lên, 41% học sinh học lực khá trở lên, 4 học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Trái ngọt” đầu tiên ấy chính là thành quả của những ngày nỗ lực của tập thể giáo viên và học sinh của trường. Được vun xới bởi những tấm lòng của những người chọn nghề “trồng người” nơi đây và người đi đầu chính là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng. Ở những tháng đầu tiên trường đi vào hoạt động, một số thủ tục chưa hoàn thành nên thiếu thốn kinh phí, thầy Dũng đứng ra tạm ứng tiền để các giáo viên và nhà trường chi tiêu. Rồi khi trường mới xây hoàn thành (tháng 12/2012) với 5 phòng học và 3 văn phòng, thầy Hiệu trưởng lại tự bỏ tiền xây dựng 2 phòng trọ và một phòng học cho trường sử dụng miễn phí, cũng chỉ vì “thầy lo cho chỗ ở bước đầu của các giáo viên và muốn các em có thêm phòng phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi” - thầy Dũng bộc bạch.
Khi hoạt động của trường dần ổn định, để phát triển cơ sở vật chất, thầy Nguyễn Văn Dũng lại hiến mảnh đất rộng 675m2 của gia đình để xây dựng dãy nhà công vụ cho giáo viên từ nguồn hỗ trợ xây dựng của công đoàn ngành giáo dục. Tháng 5/2014 một công trình với “5 phòng ở đủ tiêu chuẩn, hệ thống công trình phụ, giếng đào và nhà để xe, tường rào chính thức đi vào hoạt động, ai cũng mừng cả” - thầy Dũng kể lại. Cũng từ những nghĩa cử cao đẹp ấy của thầy hiệu trưởng mà tập thể giáo viên ở đây thêm vững lòng bước tiếp chặng đường đầy thử thách nhưng cũng đầy hy vọng phía trước. Bởi: “Thầy thực sự là tấm gương cho chúng tôi noi theo, thầy làm tất cả vì học sinh, vì sự phát triển của nhà trường và chúng tôi thấy mình cũng cần cùng thầy để cố gắng đưa trường đi lên hơn nữa. Với tôi đây như là gia đình thứ 2 của mình” - cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ.
Không ngừng vươn lên
Trường THPT Phan Đình Phùng thành lập theo Quyết định số 1114/QĐUB ngày 21/5/2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trường nằm trên địa bàn thôn Tân Tiến, xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông.
|
Đất không phụ lòng người, cây không phụ công người chăm sóc, cũng chính từ những tấm lòng và tâm huyết của tập thể giáo viên nhà trường mà các em học sinh cũng gắng học chăm, vâng lời. Kết quả, Trường THPT Phan Đình Phùng là một trong những trường có tỷ lệ 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014.
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng: Năm học 2013- 2014, quy mô của trường được nâng lên đáng kể, tổng số học sinh đầu năm học là 314 em với 4 lớp 10, 3 lớp 11 và 2 lớp 12, tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 98,08%; tổng số giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường là 28 người. Với sự nỗ lực của cả thầy và trò, năm học 2013 - 2014, trường có trên 92% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, 37,4% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi, 32 học sinh đạt giỏi toàn diện; có 3 học sinh đoạt giải nhì, ba cấp tỉnh môn văn, địa lý, toán và 2 học sinh đoạt giải nhì giải toán qua mạng. Tất cả các kết quả đều vượt chỉ tiêu được đề ra. Không những vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường cũng không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm học 2013-2014, trường có 18 cán bộ, giáo viên, công nhân viên là lao động tiên tiến, 5 giáo viên giỏi cấp trường, 5 giáo viên đạt nghiệp vụ sư phạm trẻ.
Với những kết quả bước đầu đạt được ấy, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường THPT Phan Đình Phùng vẫn không ngừng nhắc nhở nhau cùng tiếp tục cố gắng, từng bước hoàn thiện và ổn định cả cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Trong mọi điều kiện, chúng tôi luôn nhắc nhở và cùng nhau quyết tâm cố gắng, đưa giáo dục huyện và tỉnh nhà đi lên, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh vùng sâu cùng xa”.
Nhận xét về Trường THPT Phan Đình Phùng, ông Đặng Trọng Giang - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết: “Tuy thành lập chưa lâu và nằm ở vùng xa, đời sống tương đối khó khăn nhưng tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng đã thật sự nỗ lực và đáng được tuyên dương. Vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ năm học mà ngành giáo dục đề ra và tích cực tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ mới là thành quả đáng ghi nhận của trường”.
Con đường “trồng người” của các thầy cô giáo Trường THPT Phan Đình Phùng nơi huyện xa Đam Rông sẽ vẫn còn nhiều thử thách. Nhưng những “trái thơm” đầu mùa mà các giáo viên nơi đây có được sẽ là động lực và hy vọng để họ bước tiếp, các nhà giáo đang “trồng” bằng chính những tấm lòng chân thành mà cao cả.
Diễm Thương