Từ một vùng dân cư tập trung hầu hết làm nông nghiệp, thị trấn Thạnh Mỹ đang vươn lên thành một đô thị năng động của cả vùng kinh tế Đơn Dương.
Từ một vùng dân cư tập trung hầu hết làm nông nghiệp, thị trấn Thạnh Mỹ đang vươn lên thành một đô thị năng động của cả vùng kinh tế Đơn Dương.
Là “thủ phủ” của huyện Đơn Dương, Thạnh Mỹ có tổng diện tích gần 2.150ha, trong đó đất nông nghiệp 983ha, đất lâm nghiệp 873ha, đất chuyên dùng 148ha, đất ở 71ha còn lại là sông suối. Sinh sống tại đây có gần 2.600 hộ, khoảng 12.200 nhân khẩu, chia thành 11 tổ dân phố, trong đó có 1 tổ dân phố hầu hết là người K’Ho tại thôn M’Lọn với gần 300 hộ, khoảng 1.700 khẩu.
Với những người từng sinh sống lâu năm nơi đây, Thạnh Mỹ hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Từ một vùng dân cư tập trung, hầu hết làm nông nghiệp, Thạnh Mỹ đã dần vươn lên thành một thị trấn trong những năm 80 và đến nay đã là đô thị loại V của tỉnh với cơ cấu nông - lâm nghiệp giảm dần xuống chỉ còn khoảng 40%, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chế biến rau, quả dần phát triển.
|
Một trường học vừa được xây mới gần đây tại thị trấn Thạnh Mỹ |
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp của huyện Đơn Dương và của thị trấn Thạnh Mỹ với vai trò của mình lâu nay đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trấn. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Ủy ban MTTQViệt Nam phát động từ những năm 90; phong trào xây dựng “đời sống văn hóa” sau đó và gần đây là xây dựng “Đô thị văn minh” với các cuộc thi “Hộ gia đình có hàng rào, cổng nhà, sân nhà đẹp - kiểu mẫu”; cụm dân cư có “Đường phố xanh, sạch, đẹp” và mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp” do UB MTTQVN huyện Đơn Dương phát động đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo của một thị trấn trong rất nhiều mặt. Đã không còn hộ đói nơi đây, hộ nghèo thị trấn đang giảm nhanh. Năm 2008, Thạnh Mỹ còn 161 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 7,5% dân số); trong đó, người dân tộc thiểu số trên địa bàn còn 30 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ gần 18,7%) thì đến cuối năm 2013 vừa qua, số hộ nghèo chỉ còn 29 hộ (tỷ lệ 1,13%); trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 10 hộ (tỷ lệ 3,33%). Thông qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy; tệ nạn xã hội được ngăn ngừa, hủ tục lạc hậu dần xóa bỏ...
Theo ông Huỳnh Thái Thân - Chủ tịch UB MTTQ thị trấn Thạnh Mỹ, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo “Xây dựng đời sống văn hóa” thị trấn đã cùng ban vận động ở các tổ dân phố tổ chức họp dân và hầu hết người dân đều đăng ký thực hiện “gia đình văn hóa”. Các tổ dân phố cũng đăng ký “Tổ dân phố văn hóa”; trong quá trình thực hiện thường xuyên có sự đôn đốc của MTTQ thị trấn để làm cơ sở cho việc bình xét, công nhận và biểu dương, khen thưởng trong dịp cuối năm.
MTTQ thị trấn đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Xây dựng đời sống văn hóa thị trấn vận động người dân trên địa bàn đóng góp tài chính, công sức để xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Cụ thể, năm 2009, người dân tổ dân phố Nghĩa Lập đã đóng góp 95 triệu đồng cùng Nhà nước xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ. Trong năm 2010, tổ dân phố Nghĩa Thị cũng đóng góp 120 triệu đồng để xây nhà cộng đồng tổ dân phố mình. Trong năm 2012, người dân cả thị trấn đã đóng góp gần 400 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố (hay thôn) M’Lọn, thôn khó khăn nhất của thị trấn. Người dân cũng đóng góp tu sửa nâng cấp các đình làng như đình Nghĩa Lập, đình Thạnh Nghĩa. Hầu hết các tổ dân phố hiện nay đều có đội văn nghệ, đội TDTT sinh hoạt thường xuyên.
Theo MTTQ thị trấn, tính trong vài năm nay, người dân Thạnh Mỹ đã đóng góp trên 3,1 tỷ đồng, hiến 13.500m2 đất để làm các công trình công cộng cho thị trấn, góp sức gần 2.200 ngày công để làm trên 4,5km đường giao thông nội thị, tham gia xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình công cộng, phục vụ dân sinh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, người dân trong thị trấn đã đóng góp trên 1 tỷ đồng để làm 4 con đường bê tông trong nội thị theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng đó đóng góp trên 100 triệu đồng để lắp đèn chiếu sáng cho nhiều đoạn đường.
Thạnh Mỹ hôm nay đã được mở rộng ra rất nhiều. Để là một “đô thị văn minh”, thị trấn đã có một chương trình khá quy mô đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mình. Đáng kể nhất là thị trấn đang mở rộng và phủ nhựa trên 10km đường các con đường thị trấn, lắp đèn đường với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Thạnh Mỹ lâu nay đã có nước máy sinh hoạt với trên 1.000 hộ dân sử dụng; hệ thống trường học, bệnh viện cùng nhiều công trình công cộng được đầu tư khá bài bản. Hiện, thị trấn đang có kế hoạch mở rộng thêm khoảng 30ha về phía bắc cho các khu dân cư.
Và cuối cùng, để một Thạnh Mỹ phát triển đồng đều, thị trấn này đang nỗ lực tìm giải pháp để giảm khoảng cách giữa tổ dân phố M’Lọn cộng đồng K’Ho với các tổ dân phố người Kinh còn lại. Lâu nay cộng đồng bà con dân tộc thiểu số tại đây được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế hộ, giúp nhau làm ăn. Thị trấn cũng xây dựng các mô hình làm ăn để bà con noi theo; chuyển đổi 20ha lúa nước sang trồng rau thương phẩm, khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất... “Hy vọng nơi đây sẽ có những bước thay đổi lớn trong thời gian đến” - ông Thân chia sẻ.
VIẾT TRỌNG