Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

08:11, 20/11/2014

Tiểu đoàn 810 sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường tỉnh Tuyên Đức (Quân khu 6), nay là tỉnh Lâm Đồng.

Tiểu đoàn 810 sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường tỉnh Tuyên Đức (Quân khu 6), nay là tỉnh Lâm Đồng. Tiền thân của Tiểu đoàn 810 là C2D36F338 (Đại đội 2, Tiểu đoàn 36, Lữ đoàn 338) trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập tại miền Bắc năm 1961. Đại đội có biên chế 104 cán bộ, chiến sỹ, là những đồng chí quê ở miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày 12/4/1962, đại đội được lệnh hành quân vào Nam. Sau 3 tháng hành quân bộ, vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, đơn vị đã đặt chân lên mảnh đất Đầm Ròn - căn cứ địa của tỉnh Tuyên Đức. Lúc này đơn vị được quân khu đặt phiên hiệu mới là Đại đội 143 và biên chế cho Tuyên Đức, trở thành đại đội tập trung đầu tiên của tỉnh.
 
Nhiều kỷ vật của Tiểu đoàn 810 đang được trưng bày tại Phòng Truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Nhiều kỷ vật của Tiểu đoàn 810 đang được trưng bày tại Phòng Truyền thống
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
 
Trận đánh đầu tiên đơn vị được tham gia là trận đánh cứ điểm Đầm Ròn vào tháng 11 năm 1962. Trong trận đánh này Đại đội 143 đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm đồi 4A (mật danh là cứ điểm “Chồn Con”). Đây là đồn tiền tiêu, bảo vệ cứ điểm Đầm Ròn nên được địch bố phòng cẩn mật. Tuy nhiên, với quyết tâm chiến đấu cao, sau 1 giờ chiến đấu đơn vị đã làm chủ hoàn toàn đồi 4A, tiêu diệt gọn đại đội bộ binh địch tại chốt tiền tiêu này, góp phần cùng các đơn vị tiêu diệt khoảng 300 tên địch, phá hủy 1 pháo 105, bắn rơi 1 máy bay, thu khoảng 200 súng các loại. Trận đánh thắng lợi đã gây tiếng vang lớn, tác động tốt đến phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, khích lệ quyết tâm chiến đấu của quân dân ta trên toàn miền Nam.
 
Tiếp sau chiến thắng Đầm Ròn là một thời kỳ đầy khó khăn gian khổ, lương thực thực phẩm cạn kiệt, đời sống thiếu thốn trăm bề. Hàng tháng trời phải ăn củ mì thay cơm, đốt cỏ tranh thay muối. Đơn vị phải chia thành hai trung đội hoạt động phân tán vừa tổ chức tăng gia sản xuất, vừa bảo vệ căn cứ, vừa đột ấp, diệt ác phá kềm, hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh. Trên các đường 11, 20, 21 kéo dài, các trung đội liên tục tổ chức các trận đánh giao thông tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều xe quân sự và phương tiện chiến tranh của địch. Đến năm 1965, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, hai trung đội độc lập 211, 212 của Đại đội 143 được sáp nhập lại thành Đại đội 810. Ngay sau sự kiện này, đơn vị cùng quân và dân Tuyên Đức bước vào một cuộc chiến đấu mới vô cùng ác liệt chống lại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy. Đặc biệt, trong Xuân Mậu Thân 1968, Đại đội 810 tham gia đánh vào thị xã Đà Lạt ở hướng Tây Bắc, với các mục tiêu chủ yếu là Dinh Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát, Trường Chiến tranh chính trị… Bằng phương thức tiến công kiên quyết, dũng mãnh, đơn vị đã đánh thiệt hại nặng các mục tiêu trên, tiêu diệt và làm bị thương 400 tên địch, phá hủy 25 xe quân sự, thu trên 100 súng các loại... Và quan trọng hơn, sau những chiến thắng của Đại đội 810 ở thị xã Đà Lạt đã thay đổi cục diện, quân và dân ta đã làm chủ chiến trường.
 
Sau cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968, các đơn vị được biên chế kiện toàn lại cho phù hợp với những thay đổi mới trên chiến trường. Sau khi nhận được lực lượng của Tiểu đoàn 240 từ hậu phương miền Bắc tăng cường, ngày 20/4/1968, Tiểu đoàn 810 chính thức được thành lập, nòng cốt là Đại đội 810 và Tiểu đoàn 240, trở thành tiểu đoàn tập trung đầu tiên của tỉnh. 
 
Trong suốt thời gian từ 1969 - 1973, các trận đánh đồn Dăm Pao, chi khu Đức Trọng, Sân bay Liên Khương, Sân bay Cam Ly, Trường Cảnh sát dã chiến… đã tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều máy bay, trọng pháo, lô cốt, hầm ngầm, đẩy địch vào thế bị động đối phó, củng cố thế làm chủ của ta trên cả địa bàn rừng núi, nông thôn và đô thị. Thắng lợi của đơn vị cùng với thắng lợi trong đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của các lực lượng, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng quân dân cả nước làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký kết hiệp định Pari, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta.
 
Bước sang đầu năm 1975, cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ, sau chiến thắng Phước Long, quân Ngụy không còn khả năng phản kích chiếm lại mục tiêu đã mất, Mỹ cũng không thể can thiệp trở lại miền Nam. Trong bối cảnh đó, Tiểu đoàn 810 được bổ sung lực lượng, trở lại thực hiện nhiệm vụ đánh địch dọc trục lộ 20 (đoạn Tùng Nghĩa đi Đà Lạt), cử 1 bộ phận áp sát Xuân Trường, Xuân Thọ phối hợp với lực lượng của trên sẵn sàng đánh chiếm Đà Lạt. Sau khi Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng được giải phóng, quân địch ở Tuyên Đức càng hoang mang lo sợ. Trong bối cảnh bị mất Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung liên tục bị quân cách mạng đánh chiếm làm chủ, Ngụy quyền quyết định rút quân ở Tuyên Đức về tăng cường phòng thủ Phan Rang - Tháp Chàm. Thời cơ thuận lợi đã đến, cùng Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 145 của Quân khu 6, Tiểu đoàn 810 phát triển tiêu diệt địch dọc đường 11 (Đà Lạt - Ninh Thuận), cùng với các đơn vị tiến vào tiếp quản Đà Lạt trong niềm hân hoan phấn khởi của các tầng lớp nhân dân. Ngày 3/4/1975 Đà Lạt được giải phóng.
 
Tuyên Đức được giải phóng, Tiểu đoàn 810 bước vào thực hiện nhiệm vụ quân quản, truy quét bọn tàn quân, cùng nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Giữa thời điểm bộn bề khó khăn sau giải phóng thì một lần nữa Tiểu đoàn 810 lại cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh bước vào cuộc chiến đấu mới chống bọn phản động Fulrô, một tổ chức phản cách mạng được các thế lực đế quốc nuôi dưỡng, giật dây, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề Fulrô vào năm 1984.
 
Từ 1962 - 1975, từ 1 đại đội phát triển thành tiểu đoàn, Tiểu đoàn 810 đã đánh hơn 600 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 7.950 tên địch, trong đó có 135 tên Mỹ và chư hầu, phá huỷ và bắn cháy 20 máy bay, 70 xe quân sự, phá huỷ 117 khẩu pháo 105mm và 155mm, thu 610 súng các loại, đánh sập 13 dãy nhà kho, 150 hầm ngầm và lô cốt, đốt cháy hơn 5 triệu lít xăng, 6 kho đạn, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh và quân trang quân dụng của địch. Cũng trong 13 năm, đơn vị đột ấp 200 lần để vũ trang tuyên truyền, làm tan rã hơn 300 tên tề ngụy và thanh niên chiến đấu, phá hàng chục ấp chiến lược, hỗ trợ tích cực phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân. 
 
Đến năm 1984, do yêu cầu biên chế sắp xếp lại lực lượng, Tiểu đoàn 810 chuyển thành Tiểu đoàn Dự bị động viên huyện Đức Trọng. Trong thời bình, Tiểu đoàn 810 tiếp tục phát huy truyền thống, làm tốt công tác đăng ký quản lý quân dự bị động viên, tham gia huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên đạt kết quả cao, góp phần cùng quân, dân toàn tỉnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng LLVT vững mạnh về mọi mặt.
 
Ghi nhận những thành tích nêu trên, năm 1972, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể Đại đội 810, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho liệt sỹ Trần Văn Côi (C5-810) và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho đồng chí Ngô Xuân Đệ. Đơn vị cũng đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Nhì và hạng Ba, 14 Huân chương Chiến công các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 23/2/2010, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 211/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 810 vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
LÊ HỮU TÚC