Lộ trình của chúng tôi "băng qua" ĐT 723 tỉnh Lâm Đồng, ĐT 653B, TL 8 và đường liên xã, liên thôn tỉnh Khánh Hòa, gần 300km cả đi và về. Lưng chừng đèo, chúng tôi vạch rừng dò dẫm vào Hòn Giao. Trơn trượt, vắt bật nhảy. Chim muông thi nhau líu lo, khỉ hú gọi đàn…
Cuối năm 2013, sau hơn 100 năm mất tích, nhóm nghiên cứu của Thạc sĩ Lương Văn Dũng phát hiện loài trà mi Krempf (Camellia Krempfii (Gagnep.) Sealy) tại Hòn Giao và tôi chính thức công bố trên truyền thông đã trở thành sự kiện thứ 5 trong 10 sự kiện môi trường nổi bật nhất năm 2013 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng các nhà báo viết về môi trường bình chọn. Từ đó, trang web Google-google.com.vn chính thức có hình ảnh về hoa, quả trà mi Krempf. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục rời Đà Lạt xuôi theo hướng đông bắc truy tìm dấu vết loài trà mi này ở nơi có địa danh “Ton Ha, năm 1912” theo bút tích tiêu bản “Krempf. 1564” của nhà khoa học M.Krempf để lại tại bảo tàng nước Pháp.
|
Tác giả (bên trái) cùng ThS Lương Văn Dũng và niềm vui phát hiện ra trà mi |
Nổi da gà vì… trà mi
Lộ trình của chúng tôi “băng qua” ĐT 723 tỉnh Lâm Đồng, ĐT 653B, TL 8 và đường liên xã, liên thôn tỉnh Khánh Hòa, gần 300km cả đi và về. Lưng chừng đèo, chúng tôi vạch rừng dò dẫm vào Hòn Giao. Trơn trượt, vắt bật nhảy. Chim muông thi nhau líu lo, khỉ hú gọi đàn…ThS Lương Văn Dũng kêu to: “Đây rồi. Ôi, hoa nở nhiều lắm!”. Mọi người nhào tới. Quần thể trà mi Krempf phân bố khá dài, chen giữa rừng lá kín thường xanh. Hoa, nụ thắm sắc hồng, quả to đọng đầy những giọt nước mưa lóng lánh…ThS Võ Duẫn đặt GPS định vị, 802 mét so với mặt nước biển. Xác định được địa danh hành chính nhưng để bảo mật nên tôi không công bố. Tôi ngước mặt hút hồn chiêm ngưỡng và chụp ảnh trà mi thì anh Dũng nói nhanh: “Cẩn thận, có con rắn lục ngay chỗ chân anh đấy!”. Hoảng hốt, tôi khựng lại. Con rắn lục xanh lè cuộn mình trên cành cây sát cây trà mi tái sinh. Ngồi trên cây để hái quả, Trương Quang Cường trấn an: “Con này ban đêm nó mới tinh mắt, ban ngày nó như mù mà”. Nói vậy chứ nếu đụng vào chỗ nó nằm, độc tố của nó sẽ chuyển vào người trong tích tắc.
Những thân cây bị phát tước ra và cài ngang cành cây vào đó. Tôi hỏi Dũng: “Vì sao có người qua đây mà trà mi vẫn tồn tại nhỉ?”. Anh giải thích: “Đó là đánh dấu của người đi rừng. Người dân họ không biết nên trà mi vẫn còn, chứ nếu ai đó hỏi mua, sẽ sạch hết ngay khu rừng quý này”. Dũng và ThS Nguyễn Duy Chính say sưa thảo luận một số loài thực vật, trầm trồ “ồ… à”… làm tôi cũng mê mẩn. “Gã nghiền trà mi” Lương Văn Dũng chia sẻ hạnh phúc vỡ òa chưa nguôi trong anh: “Hôm phát hiện ra, nổi da gà lên, cảm giác trong người cứ ngỡ ngàng…!”. Tôi hỏi: “Đã xác định được chính vụ chưa?”. Gã say sưa: Quả này là hoa nở từ tháng 3 tháng 4 năm ngoái. Hoa kéo dài đến sau tết vẫn lác đác, kéo dài vụ nên không thể xác định được chính vụ.
Tôi lại hỏi: “Sao ông M. Krempf không ghi nhận được hoa và quả?”. Dũng lập luận: Tài liệu ông ghi “Aout, 1912”, nghĩa là thời điểm tháng 8 năm đó, khả năng ông không thấy được hoa và quả, chỉ thu được lá và nụ. Năm 1942, ông Ganepain dựa vào các tiêu bản khô của M.Krempf mô tả và công bố loài này. Vì vậy mà sự phát hiện của Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt Lương Văn Dũng cùng 2 cán bộ Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà Trương Quang Cường và Phạm Hữu Nhân lần đầu tiên xác định được hình ảnh thực tế về màu sắc và hình thái của hoa, quả. Hoa màu đỏ gạch, đường kính 5,5-7cm; quả hình cầu dẹt, đường kính 6-6,5cm. Phát hiện này khẳng định tính đa dạng cao của hệ thực vật tại dãy núi Hòn Giao và chính thức công bố với thế giới loài trà mi Krempf chưa bị tuyệt chủng.
Đâu là dấu chân Krempf?
Rời quần thể trà mi Hòn Giao, chúng tôi mang theo cảm xúc lâng lâng xuống Diên Khánh. Qua bãi Gò Sạn, đoàn tiếp cận được địa danh “thôn Hạ”, xã Diên Lâm. Đoàn mang hoa trà mi Krempf hỏi nhiều người dân, ai cũng lắc đầu không biết. Theo hướng dẫn của họ, chúng tôi rời vùng Đồng Dài tiến sâu vào rừng, nơi có “hòn Dữ”. Qua cầu Đồng Găng, sáp vào khu rừng tái sinh, không thấy trà mi, nhưng đụng phải con rắn hổ mang chì lừng lững phùng mang chực tấn công. Giữa ngã 3 Diên Lâm-Đất Sét đồng không mông quạnh, chưa biết đi hướng nào thì may mắn gặp cô gái chạy xe “như ma đuổi” vì cô “sợ bị cướp”. Cô là Nguyễn Bá Hoàng Hậu, sinh viên cao đẳng, ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Mang hoa, quả cùng hình ảnh trà mi Krempf hỏi Hoàng Hậu. Không ngờ cô trả lời ngay: “Có biết hoa này. Đây là hoa rừng, đi hái ươi và lấy lan ở rừng già sông Còi, con có thấy”. Hoàng Hậu cũng nhận xét nhiều đặc điểm về lá, thân và ngọn đúng như trà mi Krempf: “Lá của nó giống lá cây dầu, còn đọt non tim tím như ngạnh ngạnh”.
Theo hướng Hoàng Hậu chỉ, đoàn tiến sâu vào đỉnh núi trước mặt. Khu Căn cứ Hòn Dữ, xã Diên Lâm rừng không còn, tiếp tục lên cao, vào sâu. Tiếng chát chúa của thợ làm đá vang khắp nơi, dưới những tấm bạt trốn nắng núp mưa. Mưa đám mây bất chợt xuyên nắng rơi ào xuống. Chúng tôi núp vội dưới lùm cây, bên hốc đá. Bất chợt lù lù một chàng thợ rừng đánh trần mang sản vật rừng xuất hiện. Anh Dũng đội mưa vội ra và chìa hoa trà mi Krempf hỏi. Anh tên Hải, lật qua lật lại bông hoa ướt nước rồi khẳng định: “Ở chỗ kia kìa, có đấy…”. Cảm ơn anh, đoàn nhanh chóng men qua “cái cầu” đặc biệt được thợ rừng ghép lại bằng hàng trăm miếng ván bịt những hốc đá sâu hoắm. Mưa nặng hạt, trời xám xịt, khu rừng nhanh chóng âm u. Đoàn chia nhau dán mắt vào từng lùm cây lần nữa rồi quyết định quay lưng luyến tiếc. Đi tiếp đến nơi anh Hải chỉ phải leo ngược lên vách đá, không thể ra kịp sáng. Định vị được tọa độ, đoàn chính thức rời rừng…
Sau chuyến đi, tôi và anh Dũng dò địa danh “Ton Ha” ở Khánh Hòa qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn từ năm Gia Long thứ 4 (1805) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Không có làng, thôn, xã hay phủ, huyện nào tên “Ton Ha” hay đại loại Tôn Ha, Tồn Ha, Tồn Hạ, Tồn Hà,…chỉ có danh từ chung “Tổng Hạ”. Một tài liệu khác về lịch sử hình thành và phát triển Công giáo ở tỉnh này cho thấy, những năm cuối thế kỷ XIX, Đồng Dài - Hà Dừa - Ðất Sét là 3 địa danh quan hệ họ xứ với nhau. Với những đặc điểm địa lý, quan hệ xã hội cùng những thông tin khảo sát, chúng tôi đã có những chắp nối lý thú…
|
Hình ảnh trà mi Krempf tại Hòn Giao đầy đủ nhất |
Khẩn trương bảo tồn
Đứng giữa quần thể trà mi Krempf, Th.S Lương Văn Dũng nói: “Thế mà mấy người làm dự án bảo tồn bảo tìm không ra. Cứ bảo vệ rừng này cho tốt là bảo tồn được, cứ gì phải làm dự án này dự án kia. Vấn đề là bằng cách nào đó người dân được hưởng lợi để họ bảo vệ là an toàn nhất, cần gì nhân giống mang về nhà tốn kém”. Tôi đã nhiều lần làm việc với TS. Nguyễn Cử - người nghiên cứu hơn 50 khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam (trong đó có Biduop-Núi Bà) và bảo vệ sự đa dạng sinh học (ĐDSH) của rừng Việt Nam tại các hội thảo khoa học của 15 nước. TS. Cử cũng đồng quan điểm với anh Dũng: Cần tập trung những nơi có ĐDSH cao và xây dựng những hành lang ĐDSH để khoanh vùng bảo tồn; cần dựa vào cộng đồng, có sự tham gia của cộng đồng. “Quan trọng không phải là trồng mới mà khôi phục được rừng tự nhiên, bồi dưỡng phát huy độ giàu vốn có của nó”, TS. Cử nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Với Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3578/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 về phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008-2020. Hành lang pháp lý đã có, cần “hành động” thế nào đây khi ngày càng có nhiều thách thức. Đó là cơ chế, chính sách, luật pháp về quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập; năng lực bảo tồn còn hạn chế; nhận thức chưa đầy đủ về các giá trị của ĐDSH. Cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng trước hết ưu tiên đến nhóm giải pháp tăng cường nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước về ĐDSH, trong đó tính đến sự liên kết giữa các tỉnh...
Phóng sự: MINH ĐẠO