Đường từ Ngã ba Tà In đi Phan Thiết rẽ vào xã Đà Loan, con đường trải nhựa tuy không rộng nhưng mặt đường khá tốt. Xe chạy êm ru xuyên qua xóm làng nhà cửa khang trang, những mái ngói đỏ nằm xen giữa những vườn cà phê xanh mát cho ta cảm giác một góc miền quê cao nguyên trù phú.
Trên con đường từ Ngã ba Tà In đi Phan Thiết, ngã rẽ vào xã Đà Loan (huyện Đức Trọng), con đường trải nhựa tuy không rộng nhưng mặt đường khá tốt. Xe chạy êm ru xuyên qua xóm làng nhà cửa khang trang, những mái ngói đỏ nằm xen giữa những vườn cà phê xanh mát cho ta cảm giác một góc miền quê cao nguyên trù phú. Ngồi trên xe, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) một thời xuyên rừng vượt suối vào đây khai khẩn đất hoang cảm thấy vui vì mồ hôi, công sức của mình đổ xuống vùng đất này từ những ngày đầu đã không uổng phí.
|
Các cháu học sinh của xã Đà Loan múa hát mừng ngày đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn VHNTM |
Cuối tháng 10/2014, sau 37 năm hình thành, Đà Loan đã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Với dân số trên 10.000 nhân khẩu trong gần 2.500 hộ, phần lớn là dân Đà Lạt đi xây dựng vùng kinh tế mới từ những ngày đầu cùng với 3 thôn đồng bào dân tộc tại chỗ và một số hộ dân từ các nơi khác hội tụ về vùng đất lành này. Hiện nay, ngoài 80% dân làm nông nghiệp mà chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày, toàn xã có 20% hộ dân sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Có 9 doanh nghiệp trên địa bàn bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vàng bạc, chế biến gỗ, xây dựng, vận tải, kinh doanh hàng hóa công nghiệp và hàng nông sản... Thu nhập bình quân của người dân trong năm 2014 là 35 triệu đồng/người. Nhiều hộ có thu nhập từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm, đời sống cư dân ổn định, không có hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo chỉ ở mức 2,03%. Xã có 4 trường học ở 4 cấp học từ mẫu giáo đến cấp III, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương; một trung tâm văn hóa thể thao, một nhà văn hóa xã, một trung tâm học tập cộng đồng đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động học tập, vui chơi, rèn luyện và thi đấu khá sôi nổi…
Các anh chị TNXP ngày xưa được Đảng ủy, Ủy ban xã Đà Loan mời về dự lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Họ được đi thăm lại chiến trường xưa, ngọn đồi TNXP đóng quân ngày nào, nay vẫn còn nguyên trạng rừng thông với những dãy giao thông hào, những hố chiến đấu, bãi tập họp điểm quân.... đã được chính quyền xã đưa vào bảo tồn như gìn giữ một kỷ niệm đầu tiên của những người đi mở đất, ngọn đồi được gọi tên “Đồi Thanh niên xung phong”.
Các anh chị cựu TNXP kể rằng do nhu cầu giải quyết những khó khăn về đời sống của người dân thành phố Đà Lạt trong những năm đầu giải phóng, thành phố chủ trương đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới như một trong nhiều biện pháp làm kinh tế lúc bấy giờ. Lực lượng mũi nhọn đầu tiên lãnh nhiệm vụ ra đi mở đường khai phá đó là TNXK và TNXP. Đã có hàng chục ngàn thanh niên Đà Lạt thời bấy giờ sôi nổi đăng ký gia nhập đội ngũ, đã có hàng chục đơn vị TNXK, TNXP được thành lập và họ đã in dấu chân trên khắp các vùng kinh tế mới, các công trình thủy lợi, các nông trường trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng chính qui nhất, bài bản nhất hoặc có thể nói mạnh nhất là liên đội TNXP Tà In và tiểu đoàn TNXK Tà In (Hồi đó cả vùng này chưa có những đơn vị hành chính như bây giờ mà chỉ có một tên chung là vùng Tà In). Cả 2 đơn vị cộng lại có lúc lên đến một nghìn quân đóng trên địa bàn rừng núi hoang vu, là nơi lực lượng Fulro đang hoạt động khá mạnh. Những người chỉ huy từng trải, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, quản lý từ các đơn vị được điều về 2 đơn vị Tà In, lập nên bộ khung chỉ huy từ liên đội, tiểu đoàn xuống đến cấp đại đội. Mỗi đơn vị đều tổ chức một trung đội vũ trang tự vệ chuyên trách được trang bị vũ khí nhẹ đứng chân bên cạnh một đơn vị bộ đội thuộc Thành đội Đà Lạt được trang bị hỏa lực mạnh có cả trung và đại liên cùng phối hợp chiến đấu bảo vệ lực lượng khai hoang và truy quét Fulro trên địa bàn. Hậu cần cho thanh niên xung phong, xung kích Tà In cũng tương đối bài bản, hàng tuần đều có xe chở rau xanh và các loại thực phẩm khác tiếp tế cho 2 đơn vị. Nhưng sự hy sinh mất mát của lực lượng thanh niên xung phong Tà In cũng lớn nhất so với các đơn vị khác trong tỉnh! Ngày 10/10/1977, một đại đội tiền trạm đã có mặt ở Tà In để chuẩn bị địa bàn đón quân, dự định ngày 19/10/1977 sẽ tổ chức lễ ra quân rầm rộ nhất tại Quảng trường Hòa Bình với tiếng kèn xuất quân của đội kèn đồng Don Bosco và tiếng còi kéo dài trên nóc Hòa Bình. Nhưng ngày 18/10/1977 đã xảy ra vụ nổ kho đạn ở Thành đội Đà Lạt làm cho trên 10 sĩ quan quân đội và đội viên TNXP làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí để trang bị cho đơn vị đã hy sinh và bị thương. Do vậy mà buổi sáng hôm sau lễ ra quân chỉ được tổ chức ngắn gọn, nhưng đủ trang trọng và trong một không khí bùi ngùi thương tiếc đồng đội. Sau này nhà nước đã công nhận liệt sĩ và thương binh cho những người bị nạn trong lúc làm nhiệm vụ, trong số đó lực lượng TNXP có 4 liệt sĩ và 2 thương binh. Tại hiện trường trong quá trình lao động khai hoang vùng Tà In đã có 2 đội viên chết vì tai nạn. Có thể nói thanh niên Đà Lạt đã góp mồ hôi, xương máu của mình mở ra một vùng quê mới yên vui ngày nay.
Ba mươi bảy năm có thể được so sánh với một nửa đời người, nhưng ba mươi bảy năm chỉ như là một khoảnh khắc định hình ban đầu của một vùng quê sẽ phát triển mãi mãi đến hàng trăm thế hệ cư dân tương lai. Những người dân của Đà Loan, của vùng Loan hôm nay đã mở đất và xây nền cho sự phát triển của con cháu trăm đời sau.
HOÀNG NGUYÊN