Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo "hồng thắm - chuyên sâu"

04:11, 18/11/2014

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người giáo viên nhân dân, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, CBQL giáo dục trong toàn tỉnh luôn ra sức phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, với tinh thần quyết tâm "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt", góp phần đắc lực vào sự nghiệp "trồng người".

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…”, các thế hệ nhà giáo của cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn, tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà giáo Việt Nam. 
 
Nhà Giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - TUV, Giám đốc Sở GD & ĐT tặng giấy khen cho các giáo viên giỏi năm học 2013-2014
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - TUV, Giám đốc Sở GD & ĐT tặng giấy khen cho các giáo viên giỏi năm học 2013-2014
 
Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo của Lâm Đồng phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành Giáo dục có hơn 22 ngàn CB, GV, CNV;  tỷ lệ đảng viên đạt 28,89%. Đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục. Có nhiều tấm gương, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tận tụy với nghề, vượt qua khó khăn, thiếu thốn để gắn bó với trường lớp. Nhiều thầy giáo, cô giáo phát huy năng lực trí tuệ, tài năng sư phạm, góp phần quan trọng trong việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình phát triển giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. 
 
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người giáo viên nhân dân, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, CBQL giáo dục trong toàn tỉnh luôn ra sức phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, với tinh thần quyết tâm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt”, góp phần đắc lực vào sự nghiệp “trồng người”. Những nỗ lực ấy đã đem lại những thành tựu nổi bật cho ngành Giáo dục Lâm Đồng, đó là sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn ổn định và phát triển, đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục được phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS có thêm điều kiện và cơ hội để học tập. Ngành GDĐT Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà; chất lượng mũi nhọn, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc ổn định. Toàn ngành triển khai mạnh mẽ đổi mới phương pháp dạy và học. Từ đó, chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định, có chuyển biến tích cực: việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non khá tốt; tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp khá cao; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được duy trì đẩy mạnh, học sinh giỏi quốc gia lớp 12 khá ổn định về số lượng và chất lượng giải; tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng bình quân hàng năm từ 19,6% đến 29%, có nhiều trường THPT có tỷ lệ học sinh đỗ đại học đứng trong tốp 50, 100 và 200 trong tổng số các trường THPT của cả nước. 
 
Hiện nay, Ngành Giáo dục Lâm Đồng đang tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu theo Chương trình hành động số 74 - CT – TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong đó, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức QLGD giỏi, tâm huyết, trách nhiệm, có lòng tự hào về nghề nghiệp và có đủ năng lực thực hiện những đổi mới của nền giáo dục tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế, đó cũng là điều kiện quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD toàn ngành. Đó là đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử… Đồng thời, chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và CBQLGD. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, có các biện pháp cụ thể chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo để CB, GV, CNV yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục. Từ đó, ngày càng bồi đắp thêm nghị lực và quyết tâm để đội ngũ nhà giáo Lâm Đồng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương.
 
Tuấn Hương