Nhìn cô chân chất, giản dị, luôn chân luôn tay việc nhà, việc xóm, việc đoàn thể… khó mà tin được, hơn 20 năm trước cô Hồ Thị Đảm từng là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, rồi Giám đốc Xí nghiệp Lâm sản, Quản đốc nông trại của Công ty Nông sản thực phẩm…
Nhìn cô chân chất, giản dị, luôn chân luôn tay việc nhà, việc xóm, việc đoàn thể… khó mà tin được, hơn 20 năm trước cô Hồ Thị Đảm từng là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, rồi Giám đốc Xí nghiệp Lâm sản, Quản đốc nông trại của Công ty Nông sản thực phẩm…
Còn sức khỏe, còn làm việc…
Cô Đảm hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của Tổ dân phố 13, phường 4, thành phố Đà Lạt, với 117 hội viên/170 hộ gia đình. Chi hội phụ nữ tổ 13 tham gia nhiều phong trào, như: “Nuôi heo đất” - để cho vay với lãi suất thấp; “5 giúp 1” - thăm hỏi chị em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo… hàng tháng, hàng quý; “CLB phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” - sinh hoạt định kỳ gắn với các dịp lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10 lồng ghép với các nội dung sinh hoạt chuyên đề, cùng nhau học tập, trao đổi, hòa giải, thuyết phục, gỡ rối, vận động không sinh con thứ ba. Và,“Chi hội phụ nữ không có đơn thư vượt cấp” - các chị em trong tổ ký cam kết tham gia, nếu có bức xúc thì trao đổi trong chi hội trước khi viết đơn thư…
Cô Đảm tâm sự:“Ở mỗi trường hợp, phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, phân tích, khuyên giải, thẳng thắn, chân tình chia sẻ những khúc mắc và giúp đỡ chị em có những tư tưởng, nhận thức tiến bộ hơn, không để phải phân xử ở tòa, hay xích mích hàng xóm láng giềng…”. Có lẽ vì sự nhiệt tình và gần gũi của cô Đảm, mà các phong trào hoạt động phụ nữ của thành phố và phường đều chọn Tổ 13 làm điểm… Cô Đảm cho biết thêm: “Dù trước đây đã từng làm lãnh đạo, nhưng là làm công tác chuyên môn, nay làm phong trào mới thấy thiếu nhiệt tình không thể làm được. Bất cứ hoạt động nào, phong trào gì cũng phải đến từng nhà vận động, chứ đâu có ai rảnh rỗi mà đến với mình đâu. Việc cứ đến là đi thôi, mà như thế mới thấy mình vẫn còn ý chí làm việc. Từ tuổi 19, 20 bắt đầu ra đi làm đến bây giờ, chưa nản chí hay có tư tưởng gì khác”…
Tổ dân phố 13 chia nhỏ ra từng phần đường, cô được phụ trách đường Nguyễn Viết Xuân. Nên, dù làm Tổ trưởng Chi hội phụ nữ khu phố, nhưng “mâm nào cũng có vai”. Quan điểm của cô là tới giờ phút nào mà còn sức khỏe là còn làm việc. Cô cũng dự tính, nay cũng gần 70 rồi, hết nhiệm kỳ này sẽ để người khác làm, chỉ đứng sau ủng hộ họ và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Hoạt động phong trào bây giờ hay hơn trước nhiều, do kinh tế phát triển, cơ chế thoáng hơn, nên phong trào phong phú hơn. Với suy nghĩ như vậy, cô và các cán bộ Tổ dân phố 13 đã gây dựng các hoạt động phong trào đồng đều, được nhân dân hưởng ứng. Ví dụ, ngày 19/5 là ngày “phụ nữ vì người nghèo”, riêng Tổ 13 đã vận động được 21 triệu đồng trong tổng số hơn 100 triệu đồng của 23 tổ dân phố toàn phường 4 và là tổ có số tiền vận động được nhiều nhất.
Sống vì mọi người…
Ở cô Đảm, có những câu chuyện tưởng chừng như đi ra từ trong cổ tích.Đó là việc hằng ngày, cô đi nhặt củi ngoài đường (Tổ 13 ở khu vực còn rất nhiều cây thông ven đường) về nấu nước. Cô bảo, giờ không ai dùng củi đun nấu nữa. Nhưng, cành cây rớt ngoài đường, đằng nào cũng cần dọn, không dùng thì phí. Cô làm cái bếp ngoài trời, cẩn thận che chắn, có ống khói cao để không bay vào nhà ai, không làm khói ảnh hưởng tới hàng xóm. Thế là mỗi ngày cả chục cái bình thủy của hàng xóm để sẵn từ sớm mai, cô cứ túc tắc nấu nước, đổ đầy bình cho họ, rồi để sẵn một nồi nước sôi đấy, ai cần thì lấy… Hay chuyện từ ba chục năm trước, đến nay vẫn còn cái hồ Bà Đảm ở xã Tà Nung. Ấy là chuyện từ năm 1984, Nhà nước kêu gọi làm thủy lợi để lấy nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho vùng đồng bào dân tộc ở Tà Nung. Ông Chế Đặng (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND) chỉ đạo cô cùng mọi người (Phòng Thủy lợi Tp Đà Lạt) đi bộ từ Cam Ly vào tới Tà Nung để nghiên cứu, chọn vị trí làm hồ thủy lợi. Cô đã chọn địa điểm hồ là khu vực trung tâm, có nước từ nguồn về nhiều, rồi thiết kế làm nên con đập… Hiện nay, hồ Bà Đảm rộng chừng vài hecta, vừa là công trình thủy lợi, vừa là cảnh quan và còn được sử dụng để khai thác dịch vụ câu cá giải trí...
Cô Đảm về hưu từ năm 2000, nhưng phải thay chồng lo toan cuộc sống gia đình, rồi bị tai nạn phải chữa trị… Mãi đến năm 2012, cô mới tham gia công tác phụ nữ ở Tổ dân phố 13. Hiện giờ, cô còn chăm sóc hai đứa cháu nội, do bố mẹ cháu đi làm ở Lâm Hà… Nhưng, chẳng phải đến khi làm cán bộ tổ dân phố, mà từ xưa đến nay, cô Đảm không nề hà việc gì. Ra đường thấy rác vứt lung tung là mang bao tay ra nhặt gọn lại. Đoạn đường trước nhà cô sạch tinh tươm, thay vì để cỏ mọc là luống hoa dài tươi tốt. Cô cho biết thêm: Tổ dân phố 13 đang thực hiện công trình xanh - sạch - đẹp, Tổ Đảng đã họp và phân công xong xuôi, được bà con chung tay hưởng ứng...
Vâng, ở cô Đảm là vậy, sống vì mọi người, không tính toán thiệt hơn, làm được gì thì cứ làm… Đó là tư tưởng, là đức tính không phải ai cũng nghĩ và làm được trong xã hội, mà cuộc sống hiện đại với những lo toan bận rộn đã chiếm hết thời gian của mỗi người. Dành thời gian cho nhau, giữ gìn và làm đẹp đường thị, lối phố… là cách đơn giản để những người cán bộ về hưu như cô Đảm làm tấm gương cho con cháu. Cô chính là điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh” đáng trân trọng, đáng tôn vinh...
NHẬT QUÂN