Chỉ vì thương những đứa trẻ ăn xin, thất học, những đứa trẻ bán vé số không nơi nương tựa mà bà Thanh đã miệt mài vẽ tranh, lao động cật lực, chắt chiu từng khoản tiền nhỏ để nuôi, dạy 8 đứa trẻ lang thang được học hành tử tế. Đó cũng là một cách để người họa sĩ giàu lòng nhân ái này học và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Mặc dù nằm sâu trong con hẻm nhưng ngôi nhà của bà Võ Thị Ngọc Thanh tại tổ 55, khu phố 11, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng lại được nhiều người biết đến. Mới nhìn từ bên ngoài thì ngôi nhà của bà Thanh cũng giống như bao ngôi nhà khác. Tuy nhiên, nét đặc biệt chính là tấm lòng chan chứa yêu thương như một huyền thoại của người chủ nhà nơi đây. Chỉ vì thương những đứa trẻ ăn xin, thất học, những đứa trẻ bán vé số không nơi nương tựa mà bà Thanh đã miệt mài vẽ tranh, lao động cật lực, chắt chiu từng khoản tiền nhỏ để nuôi, dạy 8 đứa trẻ lang thang được học hành tử tế. Đó cũng là một cách để người họa sĩ giàu lòng nhân ái này học và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
“Cô giáo” bất đắc dĩ...
|
Bà Thanh “đưa chữ” đến với các trẻ lang thang |
Đến thăm họa sĩ Võ Thị Ngọc Thanh trong buổi chiều mưa nặng hạt, cơn mưa chiều không hẹn trước đã làm cho không khí của ngôi nhà nhỏ ven thị trấn Liên Nghĩa dường như lắng đọng bởi những xúc cảm đan xen của người chủ nhà đã gần chạm đến tuổi 60. Với nét phong trần, bà Thanh chia sẻ: Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, từng là giáo viên Trường Nông - Lâm súc tại thị xã Bảo Lộc cũ, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời, bà Thanh đến với hội họa như một món ăn tinh thần và kết quả của niềm đam mê hội họa ấy là phòng tranh mang tên Phấn Thông Vàng được ra đời trên mảnh đất ngàn hoa Đà Lạt cách đây hơn 10 năm. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2009, bà Thanh chọn thị trấn Liên Nghĩa viết tiếp ước mơ hội họa của mình và cũng tại đây mối lương duyên của người họa sĩ già với những phận đời cơ nhỡ được nảy sinh.Trong một lần ngồi vẽ tranh tại số nhà 15 Lý Thường Kiệt - thị trấn Liên Nghĩa, bà Thanh đã gặp một đứa trẻ bán vé số tên là Trần Thị Anh Thư đến xin học vẽ. Sở thích học vẽ của cô bé Thư đã thôi thúc bà Thanh truyền đạt kinh nghiệm hội họa của mình cho đứa trẻ bán vé số này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của bà Thanh là đứa trẻ nghèo ấy gần 10 tuổi đầu nhưng chưa hề biết viết, biết đọc. Vì vậy, ngoài việc dạy vẽ, bà Thanh còn kiêm luôn dạy chữ cho bé Thư. Tiếng lành đồn xa, việc được học vẽ, học chữ đã được nhiều đứa trẻ lang thang cơ nhỡ khác tại địa phương biết đến và chúng lại tìm đến phòng tranh của bà xin được học. Lúc đầu chỉ có 1 em, tiếp đến là 3 em, 5 em, đến giờ là 8 em và bà Thanh đã trở thành “cô giáo” của những đứa trẻ có chung phận đời lang thang cơ nhỡ ấy. Một việc làm, nghĩa cử cao đẹp mà khi được hỏi bà Thanh đã nói rằng: “Ước mơ và cũng là trăn trở lớn nhất của tui là làm một điều gì đó để giúp tụi nhỏ trong điều kiện có thể. Với hiểu biết của mình tui muốn truyền đạt cho những đứa trẻ chút kiến thức để chúng không bị mù chữ khi lớn lên”.
Dưới mái nhà chung
Hàng ngày, sau khi vẽ tranh xong, “lớp học” của “cô giáo” Thanh lại rộn ràng với những bài toán và tiếng học vần của những đứa trẻ. Cứ thuận tiện khoảng trống nào tại phòng tranh thì bà Thanh cho “học trò” học ở đó. Đơn giản vậy thôi mà những học trò ấy lần lượt đã biết đọc, biết viết. Điều thương tâm nhất là tối đến, lũ trẻ nghèo không có nơi ở và bị cha dượng hoặc dì ghẻ bạo hành khi không bán hết vé số và không xin được tiền. Trước tình cảnh đó, bà Thanh một lần nữa làm điều không ai nghĩ tới là dùng phòng tranh của mình làm nhà ở cho 8 đứa trẻ nghèo và lo cho chúng có cơm ăn ngày 3 bữa. Như vậy, không chỉ dạy vẽ, dạy chữ, giờ đây bà Thanh lại kiêm thêm vai trò làm “mẹ” để dạy cho những đứa trẻ những điều nhân nghĩa và đạo đức làm người. Để nuôi được 8 đứa con, bà Thanh đã phải lao động cật lực, những đêm thức trắng vẽ tranh đối với bà Thanh diễn ra thường xuyên hơn và những khoản tiền tích góp từ việc bán tranh của bà giờ đây cũng lần lượt “đội nón ra đi” để lo từng miếng cơm, manh áo cho những “đứa con” của mình.
Chuỗi hoạt động thiện nguyện của bà được tiếp nối bằng việc bà trích một khoản kinh phí từ bán tranh, viết báo và thư pháp để mua một căn nhà làm nơi ở riêng cho những đứa trẻ. Tiếp đó “cũng chỉ vì thương những đứa trẻ bất hạnh” mà bà Thanh đã khăn gói một mình đi đến các tỉnh như: Bình Phước, Tp Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Phan Rang - quê hương của những đứa trẻ nghèo được bà cưu mang để tìm người thân và làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ. Hiện nay, tất cả những đứa trẻ ở cùng bà Thanh đã được làm giấy khai sinh và được đi học, không đứa trẻ nào phải đi bán vé số hoặc ăn xin như ngày trước. 8 đứa trẻ không cùng cha mẹ, không cùng máu mủ ấy giờ đây đã sống cùng một mái nhà và xem nhau như ruột thịt. Và trong số đó có 6 em học tiểu học ở Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Trường Tiểu học Trung Sơn, 2 em học tại Trường Mầm non Vành Khuyên thị trấn Liên Nghĩa.
“Sống là cho đâu chỉ nhận bao giờ” nhưng điều bà Thanh nhận được là những đứa trẻ đều ngoan hiền, lễ phép, đã có 4 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học vừa qua và hơn thế là tình cảm của những đứa trẻ dành cho bà: “Ở với cô Thanh, con được đi học, được đi chơi, không còn phải đi bán vé số, ăn xin như ngày trước nữa. Cô Thanh dạy cho chúng con tính trung thực, thật thà. Con thích ở với cô Thanh và rất cảm ơn cô đã nuôi dạy con”. Đó là những chia sẻ chân thành của em Trần Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi khi nói về người “cô”, người “mẹ” của mình - bà Võ Thị Ngọc Thanh.
Với bà Thanh, lòng nhân ái, tình thương mà bà dành cho lũ trẻ nghèo cơ nhỡ đâu phải đợi ngày chúng đền đáp cho mình. Cũng chính vì suy nghĩ ấy mà bà đã tự bỏ một phần kinh phí của mình và vận động các mạnh thường quân, bạn bè các nơi quyên góp tiền để mổ tim cho 8 trường hợp bị bệnh tim dưới 15 tuổi ở địa phương. Bà đã góp tiền để giúp những người dân không có việc làm mua chiếc xe máy để kiếm kế sinh nhai, những bà mẹ nghèo có ít vốn để bán trái cây dạo hàng ngày… Khi chúng tôi hỏi bà Thanh về việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà cười hồn hậu nói: “Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình học cả đời không hết nhưng cái cốt lõi của tôi trong việc học theo Bác chính là yêu thương con người, sống có nghĩa có tình. Mình phải biết bao dung, độ lượng, giúp những đứa trẻ lang thang bất hạnh có cuộc sống tốt hơn”. Những việc làm thầm lặng của bà Thanh đã được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao “Chúng tôi rất cảm phục trước những việc làm đầy tình người của bà Thanh và xem đây là một trong những nghĩa cử cao đẹp rất đáng được biểu dương và nhân rộng. Trước mắt, về phía chính quyền, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bà Thanh xúc tiến thành lập Mái ấm Nhân Ái như ước nguyện của bà” - ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Liên Nghĩa - huyện Đức Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi nói về bà Thanh.
Như bao người phụ nữ khác, bà Thanh phải vất vả mưu sinh, làm đủ nghề để kiếm sống nhưng cái đọng lại ở người phụ nữ này là lòng yêu thương, cưu mang và chia sẻ. Đâu phải những việc “cao siêu” mà chính những việc làm cụ thể, thấm đẫm tình người như vậy cũng là cách để hoàn thiện chân - thiện - mỹ trong một con người và đó là minh chứng rõ nhất để bà Thanh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như lời bà đã nói.
THÀNH NAM