Thứ 4, 19/02/2025, 13:48

Văn hóa và việc đọc sách ngày nay

09:12, 25/12/2014

Thời gian gần đây, thuật ngữ "Văn hóa đọc" được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản hành chính cũng như trong các bài viết trên báo chí. Tuy nhiên, theo chúng tôi thuật ngữ này nếu chỉ để áp dụng cho việc đọc sách là chưa chính xác. Bởi trong thực tế ngày nay, việc đọc trên mạng internet là khá phổ biến, nhất là đối với lớp trẻ...

Thời gian gần đây, thuật ngữ “Văn hóa đọc” được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản hành chính cũng như trong các bài viết trên báo chí. Tuy nhiên, theo chúng tôi thuật ngữ này nếu chỉ để áp dụng cho việc đọc sách là chưa chính xác. Bởi trong thực tế ngày nay, việc đọc trên mạng internet là khá phổ biến, nhất là đối với lớp trẻ. Vì vậy, để tránh sự ngộ nhận không cần thiết, chúng tôi sử dụng thuật ngữ Văn hóa đọc sách trong bài viết này.
 
Niềm say mê của bé. Ảnh: Thanh Toàn
Niềm say mê của bé. Ảnh: Thanh Toàn
Vậy, phải làm gì để phát triển văn hóa đọc sách trong thời buổi mà công nghệ thông tin với nhiều loại hình nghe - nhìn hấp dẫn đã và đang có những sự cạnh tranh rất quyết liệt.
 
Dựa theo báo cáo tổng kết hàng năm của hệ thống thư viện công cộng gửi về Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thì mỗi năm trung bình người Việt Nam đọc được 0,8 cuốn sách, và ngay tại các thư viện công cộng thì tỷ lệ này chỉ là 0,38 cuốn sách.
 
Nhiều người đã giật mình trước thông tin này. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và Vụ trưởng Vụ Thư viện Nguyễn Thị Thanh Mai cũng xác nhận con số này đã phản ánh đúng thực tế, bởi lâu nay, người ta đã nói nhiều đến văn hóa đọc sách ở nước ta đã và đang ngày một đi xuống. Trong nhịp sống ngày nay, với quá nhiều các phương tiện giải trí, nghe nhìn khác nhau thì văn hóa đọc sách đã và đang giảm đi một cách rõ rệt. Mặt khác, cũng phải công nhận một thực tế rằng, đến nay, ở nước ta vẫn chưa xây dựng được một nền tảng vững chắc cho việc đọc sách. Vì vậy mà người Việt đọc không nổi 1 cuốn sách/ năm, xem ra cũng không có gì lạ. Trong khi đó, hai đối tượng có ảnh hưởng quan trọng nhất, lớn nhất đến việc đọc sách của con trẻ là gia đình và nhà trường thì hầu như họ cũng không quan tâm đến công việc này, bởi bản thân phụ huynh cũng như các thầy, cô giáo đều đang ngày càng lười đọc sách. Trong gia đình, thì cha mẹ suốt ngày phải lo toan với cuộc sống để mưu sinh. Còn trong nhà trường thì giáo viên còn phải vật lộn với các giáo án… Trong khi đó thì phần lớn các học sinh cũng chỉ biết chăm chú vào việc đọc những kiến thức trong sách giáo khoa, các em hầu như không được các thầy, cô giáo khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn phương pháp để chọn cho mình một cuốn sách phù hợp.
 
Từ rất lâu, chúng ta đã từng khẳng định và thực tiễn cũng đã từng minh định rằng, sách chính là cầu nối giữa tri thức của nhân loại đối với con người. Nhưng tựu trung lại, đọc sách hay nói rộng ra, văn hóa đọc sách vẫn là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nó góp phần xây dựng nên nền tảng tri thức và nhân cách của con người. Mỗi một cuốn sách là một nguồn tri thức và là một thế giới rộng lớn, mở ra chân trời mới. Biết vậy, nhưng sách vẫn chưa có sức thu hút mãnh liệt đối với mọi người. Nếu trước kia, dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chật chội, nhưng mỗi ngày đều có từ 100 - 200 lượt bạn đọc đến với thư viện thì bây giờ bạn đọc chỉ đến để lướt web, một số ít đọc sách điện tử, còn số bạn đọc sử dụng tài liệu thư viện chỉ khoảng 40 - 50 người. Các phòng đọc đều vắng vẻ, sách buồn ngủ, lặng im trên giá. Hiện nay, bình quân mỗi thư viện công cộng trong cả nước có khoảng hơn 200.000 bản sách, báo; hàng năm, nó còn được bổ sung trên dưới 10.000 bản sách, báo. Đó là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng hẳn trong số đó, có rất nhiều cuốn sách chưa từng được độc giả ngó ngàng gì tới…
 
Ngày nay, có nhiều lý do để người ta không đến với thư viện. Cuộc sống với biết bao bộn bề, lo toan đã làm cho con người còn quá ít thời gian để dành cho việc đọc sách. Nhưng theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự phát triển ồ ạt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Vô tuyến truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh… với sự bùng nổ của internet đã làm cho người ta dễ dàng quên đi thói quen đọc sách để thay vào đó là lướt web, nghe nhạc, xem phim, chơi game, facebook… mà tất cả những việc hấp dẫn này thì lại quá đơn giản, bởi chỉ cần những ngón tay lướt nhẹ trên màn hình hoặc bàn phím là người ta đã có thể mở ra cả một thế giới rộng lớn, với biết bao điều thú vị. 
 
Vậy thì chẳng lẽ văn hóa đọc sẽ không thể phát triển trong xã hội hiện đại? Câu trả lời là: Không! Ngược lại, nó sẽ phát triển nếu chúng ta có cách tiếp cận cũng như phương pháp thực hiện một cách đúng đắn để sách trở nên gần gũi, dễ đọc, và dễ dàng tìm kiếm hơn với người đọc. Hay nói cách khác là chúng ta phải xây dựng lại phong trào đọc sách phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, trước hết là ở các em học sinh. Phải chăng đã đến lúc giữa hai ngành văn hóa và giáo dục cần ban hành một văn bản quy định rõ trách nhiệm của các thầy cô giáo trong việc hướng dẫn cũng như khuyến khích các em học sinh đọc sách. 
 
Cũng cần phải khẳng định rằng, có một thực tế ảnh hưởng khá lớn đến việc đọc sách của các em. Đó là do chương trình học đang bị quá tải, các em chỉ cần đọc cho hết sách giáo khoa và vô số các sách tham khảo có liên quan cũng đã mỏi mệt lắm rồi còn đâu hứng thú để mà đọc sách nữa. Mặt khác, các trường chỉ biết chăm chú ép cho học sinh học để đi thi chứ đâu có quan tâm nhiều đến việc hình thành nên tâm hồn các em, nên các hoạt động ngoại khóa (trong đó, có cả việc hướng dẫn, cũng như giới thiệu sách để các em đọc) hầu như chưa được chú ý. Nhớ lại ngày còn là những học sinh cấp 1, rồi cấp 2, (tiểu học và trung học cơ sở bây giờ), chúng tôi đã được các thầy, cô giáo giới thiệu những cuốn sách hay, sách cần đọc, hay là kể lại nội dung những cuốn sách mà các thầy, cô vừa đọc. Ngày nay, điều kiện vật chất tốt hơn và đầy đủ hơn thời cách đây 40-50 năm, nhưng cái quan trọng nhất là sự quan tâm đến việc đọc sách của thầy, cô giáo đối với học trò cũng như của cha mẹ đối với con cái lại hời hợt hơn rất nhiều.
 
Vì vậy, muốn cho văn hóa đọc sách được chấn hưng và phát triển thì theo chúng tôi, khâu đột phá phải bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi. Cả một kho tàng các cuốn sách nổi tiếng trong và ngoài nước viết cho thiếu nhi cần phải được gia đình và nhà trường, đặc biệt là trong hệ thống các thư viện công cộng và thư viện trường học giới thiệu một cách hệ thống và tạo điều kiện tối đa cho các em đến với sách. Đây là một công việc khó khăn vì phải tạo ra được một sự kết hợp (chứ không phải là hình thức) giữa cơ quan văn hóa với giáo dục, một công việc đòi hỏi phải hết sức kiên nhẫn, tâm huyết và phải có tấm lòng đối với thế hệ trẻ. Nếu không thì các truyện tranh nhảm nhí, game online sẽ giật các em khỏi vòng tay của các thầy cô và cha mẹ học sinh.
 
Có một thực tế đáng buồn khác là hiện nay một số nhà xuất bản cho ra những quyển sách với tiêu đề thật hấp dẫn như: “Hỏi đáp thông minh dành cho học sinh tiểu học”, “Trắc nghiệm IQ”, “99 truyện kể trước lúc đi ngủ”… chỉ nhìn qua nhan đề sách không ai biết được trong đó lại chứa đựng những nội dung thiếu tính giáo dục cho trẻ. Vì vậy những người có trách nhiệm cần phải nghiêm túc xem lại mình tại sao lại xuất bản ra những tài liệu thiếu tính giáo dục đến thế. Chúng ta kỳ công đem tới cho người đọc một món ăn mà ngay chính bản thân mình cũng không muốn ăn, thế mà cứ bảo mọi người: “ăn đi!” thì hiệu quả không cao cũng là điều dễ hiểu.
 
Sách không phải là một vật dụng để trưng bày, trang trí, càng không phải là sản phẩm sinh ra để cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện của cuộc đời giăng kín. Đó là sản phẩm đặc biệt của nhân loại và nó sẽ còn tồn tại cùng lịch sử loài người. Nhà văn M. Gorki  đã từng nói “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để đi tới gần con người”.
 
HOÀNG KIM NGỌC