Sau gần 1 tháng triển khai qui định mới về bảo hiểm y tế cho người dân, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Đà Lạt cho biết số người tự nguyện đến mua bảo hiểm y tế đã giảm hơn một nửa so với cùng thời gian này năm ngoái.
Sau gần 1 tháng triển khai qui định mới về bảo hiểm y tế cho người dân, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Đà Lạt cho biết số người tự nguyện đến mua bảo hiểm y tế đã giảm hơn một nửa so với cùng thời gian này năm ngoái.
Tự nguyện hay bắt buộc?
Sáng 23/1, khi chúng tôi có mặt tại UBND Phường 6, quầy bán bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện cho người dân tương đối vắng lặng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, sinh 1987, người Thái Bình, tạm trú tại đường Mai Hắc Đế, Phường 6, Đà Lạt đang cầm giấy tờ để làm thủ tục mua BHYT cho chồng và bản thân chị trong nỗi thẫn thờ. “Gia đình tôi vào Đà Lạt tạm trú đã 10 năm, vợ chồng có 2 con đi học phổ thông tại đây nên mua BHYT ở trường rồi. Tôi cũng đi làm ở một doanh nghiệp nhiều năm trước, doanh nghiệp mua BHYT cho, nhưng năm ngoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, lương xuống thấp quá không đủ tiền gửi con nữa nên tôi quyết định nghỉ việc ở nhà, ai thuê gì làm nấy. Do chồng làm nghề điện nước tự do, đôi lúc gặp nguy hiểm nên mấy năm nay gia đình mua cho chồng. Riêng năm nay, phường yêu cầu cả nhà 4 người phải cùng mua, 2 con đã có thẻ nên cả 2 vợ chồng đều phải mua chứ thực ra tôi ở nhà nên không cần thiết. Để mua được BHYT cho 2 vợ chồng, chị Hạnh đã phải mang cả sổ tạm trú của gia đình mình, cả sổ hộ khẩu và một số giấy tờ của gia đình chủ nhà trọ theo qui định. “Cũng may là gia đình này là cán bộ công chức, cả nhà đều có thẻ, nếu không vợ chồng tôi cũng không mua được đâu” - chị Hạnh thở dài. Trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng, gia đình có 6 người, đến gia hạn BHYT cho cha mẹ mình nhưng cũng phải đành ra về vì nhân viên ở đây yêu cầu phải mua cho cả nhà. “Cả nhà tôi lao động tự do, người làm vườn, người làm thuê, thu nhập bấp bênh, lâu nay con cái chỉ mua BHYT cho cha mẹ lớn tuổi thôi, nay bắt buộc mua cho tất cả các thành viên trong gia đình, lại phải mua một lúc với số tiền quá lớn như thế làm sao chúng tôi lo được” - anh Hùng phân trần.
“Từ đầu tháng đến nay rất nhiều người đến đây để hỏi về chuyện này” - ông Mai Ngọc Hưng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Lạt cho biết. Mọi ý kiến thắc mắc đều tập trung vào chuyện tại sao lâu nay mua BHYT tự nguyện cho từng cá nhân nhưng giờ lại buộc mua cho cả nhà. Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội Đà Lạt, trong đó có ông Hưng, đã phải đứng ra trực tiếp giải thích. Tất cả theo ông là đã có sự thay đổi trong Luật BHYT sửa đổi cùng Thông tư liên tịch số 41 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện BHYT và Bảo hiểm xã hội Đà Lạt có trách nhiệm phải thực hiện.
Cụ thể, theo ông Hưng, BHYT theo hình thức tự nguyện trước đây, mỗi cá nhân có thể mua riêng lẻ, nay theo qui định buộc mua cả hộ gia đình. Như Luật BHYT sửa đổi, “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo qui định của luật này để chăm sóc sức khỏe không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước thực hiện”, nên theo ông Hưng, hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc số tạm trú, muốn tham gia thì tất cả các thành viên trong gia đình bắt buộc phải tham gia, trừ những người đã có thẻ. Ông nêu ví dụ, một hộ có 5 người, nếu trường hợp 2 con đi học, mua BHYT diện bắt buộc tại trường học rồi, 3 người còn lại trong nhà, một người muốn mua thì tất cả 3 người đều phải mua. Để khuyến khích tham gia cả hộ, BHYT có chính sách miễn giảm, với người thứ nhất khi mua phải đóng 100%, người thứ hai được miễn giảm còn 70% và lần lượt những người trong gia đình khi mua tiếp đều được miễn giảm xuống thấp dần. Khi một người đi mua BHYT nếu gia đình không có khả năng mua hết thẻ cho các thành viên còn lại thì cũng “đành chịu” vì luật đã qui định.
Với qui định mới này, ông Hưng cho biết, số người mua BHYT theo hình thức tự nguyện đang giảm rất nhanh trong tháng 1/2015. “Giảm hơn một nửa so với tháng 1 cùng kỳ năm ngoái” - ông nói.
|
Tiêm ngừa vắc xin cho người dân tại Viện Pasteur - Đà Lạt |
Có nên điều chỉnh lại?
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng cũng khẳng định rằng luật đã qui định rất rõ: từ ngày 1/1/2015, những người tham gia bảo hiểm tự nguyện trước đây nay muốn tiếp tục tham gia phải tham gia cả hộ, không được mua lẻ cá nhân. “Không thể làm khác được, cả nước như thế” - ông nói.
Giải pháp được Bảo hiểm xã hội Đà Lạt và Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng đưa ra để khuyến khích người mua là đẩy mạnh tuyên truyền. “Chúng tôi đã bắt đầu tuyên truyền từ tháng 11/2014 và sắp đến sẽ phải đẩy mạnh thêm công tác truyền thông để mọi người dân cùng hiểu và thực hiện”. Vướng mắc hiện nay, theo ông Sơn, chính là thời điểm mua. Theo qui định là mua đồng loạt nhưng trong gia đình có người mua trước người mua sau nên Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ có hướng dẫn về điều này. Một nỗi lo khác, theo ông Sơn, chính là BHYT cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Những năm về trước, những đối tượng này được nhà nước mua BHYT, nay không còn được bao cấp nữa nên buộc phải vận động các hộ dân mua.
Trước tình hình mua BHYT tự nguyện ở cơ sở đạt thấp, ông Sơn tự tin cho rằng, sắp đến, người dân sẽ hiểu và mua cả hộ. Theo lộ trình đến cuối năm 2015, Lâm Đồng sẽ nâng con số 64% dân số mua BHYT trong năm 2014 lên 70% trong năm 2015.
Nhưng theo rất nhiều người dân phản ánh, việc thay đổi BHYT tự nguyện một cách đột ngột từ mua cá nhân đơn lẻ sang bắt buộc mua cả hộ khiến nhiều người lo lắng. Lâu nay rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chỉ ưu tiên mua cho một số thành viên cần thiết trong nhà, nay với chính sách mới, nhiều người là lao động tự do, thu nhập thấp, có số nhân khẩu lớn, trong đó có những người lớn tuổi, người cần chăm sóc y tế sẽ cực kỳ khó khăn nếu muốn có một tấm thẻ BHYT trong tay.
VIẾT TRỌNG