Nghề đan len, thêu tranh, cưa lộng, chạm bút lửa là những nghề thủ công tiêu biểu của Đà Lạt tuy thời gian ra đời và tồn tại chưa lâu (do đặc thù của Đà Lạt là một vùng đất mới) nhưng đã có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của người Đà Lạt.
Thực trạng các nghề thủ công tiêu biểu
Nghề đan len, thêu tranh, cưa lộng, chạm bút lửa là những nghề thủ công tiêu biểu của Đà Lạt tuy thời gian ra đời và tồn tại chưa lâu (do đặc thù của Đà Lạt là một vùng đất mới) nhưng đã có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của người Đà Lạt.
Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với sự giao lưu kinh tế - văn hóa với các vùng, miền trong nước và quốc tế, sản phẩm đan len, thêu tranh, cưa lộng, chạm bút lửa của Đà Lạt phải cạnh tranh với các mặt hàng này từ các nơi khác tới, đặc biệt là các đồ len và đồ lưu niệm của Trung Quốc, chúng vừa rẻ lại có màu sắc đẹp, mẫu mã phong phú. Do đó, những năm gần đây, các nghề thủ công của Đà Lạt nói trên gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu. Điều này đã làm cho quy mô sản xuất của các nghề thủ công đang dần bị thu hẹp và mai một. Các nghề đan len và thêu tranh đang trong xu hướng phát triển song không đều và khá thất thường, phụ thuộc vào đơn đặt hàng và chủ yếu phục vụ xuất khẩu và một số resort cao cấp để bán cho khách du lịch. Riêng đối với nghề cưa lộng, chạm bút lửa cũng đang trong tình trạng báo động với nguy cơ bị mai một và thất truyền. Hiện nay, Đà Lạt chỉ tồn tại một cơ sở sản xuất có đăng kí với Sở Công thương nhưng với số lượng công nhân rất khiêm tốn, đầu ra của sản phẩm không nhiều. Nhiều nghệ nhân bỏ nghề vì thu nhập thấp, không đủ mưu sinh.
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các nghề thủ công tiêu biểu tại Đà Lạt - Lâm Đồng là rất cần thiết và quan trọng.
|
Sản phẩm đan, móc len |
Một số giải pháp bảo tồn và phát huy
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành thống kê các làng nghề và nghề thủ công truyền thống. Toàn tỉnh có 22 làng nghề, trong đó có 6 nghề truyền thống và 16 làng nghề. Riêng Đà Lạt có 4 làng nghề. Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định số 50/2008/QĐ về việc công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, công nhận 8 làng nghề và 1 nghề truyền thống. Đặc biệt, thời gian gần đây, Sở Công thương vừa tổ chức cuộc thi tay nghề cho các nghệ nhân và làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định công nhận cho 2 nghệ nhân, nâng tổng số nghệ nhân được phong tặng lên 9 người. Được biết, trong thời gian tới, tỉnh đang có một số chương trình đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công và làng nghề truyền thống. Qua đó, sẽ bảo tồn và phát huy, khai thác các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống phục vụ cho việc phát triển kinh tế và giải quyết công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy các nghề thủ công tiêu biểu của Đà Lạt, thiết nghĩ chúng ta cần có những giải pháp cụ thể sau:
1. Bảo tồn tại chỗ và trong cộng đồng xã hội:
- Tổ chức các lớp dạy nghề đan, móc, thêu, cưa lộng, chạm bút lửa cho con em và bà con sinh sống tại các phường trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận. Mời các nghệ nhân giỏi nhất truyền dạy lại những kinh nghiệm và kỹ thuật, nghệ thuật các nghề thủ công tiêu biểu nói trên. Đồng thời, tổ chức cho các nghệ nhân và các lớp học đi tham quan học tập ở một số cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống có tiếng về các mặt hàng đan, móc, thêu, cưa lộng, chạm bút lửa để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với những mẫu mã, mặt hàng mới vận dụng sáng tạo trong sản xuất tại địa phương.
- Mở xưởng sản xuất, mời các nghệ nhân cùng cộng tác. Các nghệ nhân vừa sản xuất vừa truyền dạy nghề cho thanh niên và phụ nữ đang thiếu việc làm tại địa phương. Liên hệ với các khu du lịch, các bảo tàng, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt nhận đặt hàng và làm những mẫu đồ lưu niệm mang đậm nét văn hóa cũng như tính đặc thù riêng của từng bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh để bán cho du khách làm kỷ niệm.
2. Bảo tồn tại Bảo tàng:
- Tổ chức điền dã, nghiên cứu, quay phim, chụp ảnh về các quy trình của các nghề thủ công tiêu biểu của Đà Lạt nói trên. Sưu tầm các mẫu sản phẩm và tài liệu liên quan đến các nghề thêu tranh, cưa lộng, chạm bút lửa, đan, móc len để tổ chức trình chiếu, giới thiệu trong Bảo tàng.
- Tổ chức mời một nhóm nghệ nhân trình diễn thao tác giới thiệu với du khách về những công đoạn của các nghề nói trên, đồng thời bản thân các nghệ nhân có thể hướng dẫn cho các em học sinh và khách tham quan cùng trải nghiệm và khám phá các bí quyết tạo ra sản phẩm. Thông qua hoạt động này các nghệ nhân có thể trực tiếp quảng bá và bán sản phẩm cho du khách.
|
Thêu tay - một trong những nghề truyền thống của phụ nữ Đà Lạt. Ảnh: NGUYÊN THI |
3. Phát huy giá trị kinh tế - văn hóa của các nghề thủ công tiêu biểu trong giai đoạn hiện nay
Để bảo tồn và khai thác giá trị kinh tế - văn hóa của các nghề thủ công tiêu biểu ở Đà Lạt, chúng ta cần phát triển, bảo tồn các sản phẩm nghề đan len, cưa lộng, chạm bút lửa, thêu tranh theo hai hướng: vừa sản xuất các sản phẩm truyền thống vừa sản xuất các sản phẩm mới với chất liệu và mẫu mã hiện đại hợp thời trang nhằm làm phong phú, đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thị hiếu của du khách.
Tổ chức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đến các điểm du lịch (quầy bán lưu niệm), các nhà hàng, khách sạn tại Đà Lạt và một số tỉnh, thành trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Quy hoạch và mở tuyến tham quan làng nghề truyền thống kết hợp với việc tham quan các xưởng sản xuất các mặt hàng nói trên. Phối hợp với các công ty du lịch hướng dẫn khách tới tham quan để tạo điều kiện cho các nghệ nhân và bà con có dịp giới thiệu nghề, bán các sản phẩm tạo điều kiện tăng thu nhập cho người sản xuất trực tiếp.
Ngoài ra, để khuyến khích bà con theo nghề, hằng năm cần tổ chức nhiều cuộc thi tay nghề, thi thiết kế các mẫu trang phục bằng len, tranh thêu, cưa lộng, chạm bút lửa nhằm kích thích tính sáng tạo, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, áp dụng các chính sách ưu đãi, tôn vinh, khen thưởng cho các nghệ nhân và những người đi đầu trong việc sáng tạo thiết kế mẫu mã, tìm được thị trường cho các sản phẩm.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa cho việc bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, đặc biệt là các nghề tiêu biểu của Đà Lạt. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, mở các lớp dạy nghề cho bà con, cần có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ cho các nghệ nhân, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này. Có như vậy mới giúp bà con nâng cao nhận thức, tự hào trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Đồng thời, kích thích, động viên sự cố gắng và lòng đam mê sáng tạo của các nghệ nhân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ tiếp tục duy trì và dần thích ứng với kinh tế thị trường, ngày càng làm ra nhiều sản phẩm phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, đảm bảo tốt về chất lượng với giá cả hợp lý.
Đoàn Bích Ngọ