Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách "đền ơn, đáp nghĩa", trong đó có chính sách cho người trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc con em của họ, thậm chí cả những người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng chất độc Dioxin cũng được hưởng chế độ chất độc da cam...
Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách “đền ơn, đáp nghĩa”, trong đó có chính sách cho người trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc con em của họ, thậm chí cả những người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng chất độc Dioxin cũng được hưởng chế độ chất độc da cam. Thế nhưng, lại có kẻ “táng tận lương tâm” lợi dụng chính sách của Nhà nước, lừa đảo hàng trăm người nhẹ dạ cả tin làm hồ sơ giả để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Một trong những trường hợp điển hình đã xảy ra tại TP Bảo Lộc.
Đại tá Nguyễn Đức Phó - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Bảo Lộc cho biết, Công an TP Bảo Lộc vừa gửi công văn cho CCB TP Bảo Lộc thông báo về việc đã điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chính sách của đối tượng Nguyễn Viết Chuẩn (1950), thường trú tại Tổ dân phố (TDP) 13, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc. Theo đó, vào khoảng năm 2007, Nguyễn Viết Chuẩn đã làm hồ sơ gửi các ngành chức năng xin được hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng không được trả lời kết quả. Đến năm 2009, Chuẩn trực tiếp đến Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng hỏi về hồ sơ hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tại đây, Chuẩn được cán bộ chính sách cung cấp tài liệu hướng dẫn về đối tượng, trình tự, thủ tục có liên quan đến việc lập hồ sơ xin hưởng chế độ chất độc hóa học. Sau khi có tài liệu trong tay, trong những lần đi thu mua phế liệu trên các địa bàn dân cư của TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Chuẩn khoe mình “lo” được thủ tục cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ trợ cấp. Tin theo lời của Chuẩn, nhiều người đã nhờ Chuẩn đứng ra tổ chức đi khám bệnh tại Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Bảo Lâm và lập hồ sơ giao cho Chuẩn “lo” chế độ hưởng trợ cấp chất độc da cam. Bằng cách làm đó, Nguyễn Viết Chuẩn đã nhận 258 hồ sơ của 258 trường hợp có nguyện vọng được hưởng chế độ chất độc da cam, với điều kiện: Mỗi trường hợp phải bồi dưỡng cho Chuẩn 3.000.000 đồng (ba triệu đồng), khi nhận hồ sơ ứng trước 1/2 là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng), số còn lại khi được hưởng chế độ sẽ thanh toán hết. Với thủ đoạn này, Nguyễn Viết Chuẩn đã nhận tiền của 258 trường hợp ở TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh khoảng 450 triệu đồng và khi thu tiền Chuẩn đều viết giấy vay mượn.
Điều đáng nói là: Toàn bộ 258 hồ sơ đã nhận, Nguyễn Viết Chuẩn không hề nộp cho các ngành chức năng, mà cất giấu tại nhà riêng, nên đến nay chưa có trường hợp nào đưa tiền cho Chuẩn được hưởng chế độ. Tại cơ quan điều tra, Công an TP Bảo Lộc, Nguyễn Viết Chuẩn khai báo: Trong tổng số tiền thu bất chính khoảng 450 triệu đồng của 258 trường hợp, Chuẩn đã trả lại cho 122 trường hợp với số tiền khoảng 230 triệu đồng, còn lại số tiền 220 triệu đồng của 136 trường hợp Chuẩn đã tiêu xài hết. Như vậy, hành vi của Nguyễn Viết Chuẩn đã phạm vào tội lừa đảo, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nên sẽ bị khởi tố, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo dư luận tại TP Bảo Lộc, Nguyễn Viết Chuẩn chỉ mới là kẻ đã lộ diện lừa đảo chính sách, chắc chắn sẽ còn nhiều kẻ khác chưa lộ diện, nhưng nếu các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan pháp luật quyết liệt trong điều tra, rà soát sẽ còn những kẻ khác cũng phải ra “hầu tòa” về tội lừa đảo như Nguyễn Viết Chuẩn. Ông Vũ Trung Chân, sỹ quan quân đội về hưu, thương binh 2/4 ở phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc cho biết: Bản thân ông cũng đã được ông Đ. - cán bộ LĐTBXH phường Lộc Tiến (nay đã chuyển sang công tác khác) đến đặt vấn đề: Nếu muốn được hưởng chế độ chất độc da cam phải đưa cho ông Đ. 15 triệu đồng để ông này lo thủ tục. Nhưng vì nghĩ: bản thân chiến đấu ở những chiến trường khốc liệt, đã từng bị ảnh hưởng các loại bom sinh học của Mỹ, thì trước sau gì cũng sẽ được hưởng chế độ chất độc da cam, nên ông Chân không đồng ý đưa tiền cho ông Đ. Không như ông Vũ Trung Chân, ông Hoàng Tiến Nhân, cũng là quân đội về hưu, hưởng chế độ thương binh 3/4, nhưng nhẹ dạ cả tin đưa cho ông Đ. 25 triệu đồng (trong đó có 2 triệu đồng lo thủ tục cấp sổ đỏ) nhằm nâng cao chế độ chất độc da cam. Điều oái oăm là sau khi đưa tiền cho ông Đ., ông Nhân được yêu cầu đi giám định lại, thì bị tụt hạng từ loại 2 xuống còn loại 3 (Trước đây ông Nhân hưởng chế độ chất độc da cam loại 2) và nay ông Đ. vẫn tiếp tục hứa sẽ đưa ông Nhân lên hưởng loại 1. Trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng là bộ đội chuyển ngành lâm bệnh nặng, đang trên giường bệnh mà ông Đ. vẫn đến đặt vấn đề đưa 7 triệu đồng cho ông, để ông lo cho chế độ chất độc da cam. Vợ ông Hùng trả lời ông Đ. “Tiền lo thuốc thang cho chồng còn chưa có, lấy đâu ra tiền “chạy” chế độ”. Rút cuộc, ông Hùng qua đời và “phi vụ” của ông Đ. cũng không thành.
Qua những trường hợp nói trên có thể thấy rằng: Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ chất độc da cam trên địa bàn cả nước còn nhiều kẻ hở, nên đã có những kẻ “táng tận lương tâm” lợi dụng làm “cò” chạy chính sách, chế độ. Vì vậy, theo đại tá Nguyễn Đức Phó, hiện Nhà nước đã có chủ trương tổng rà soát các đối tượng đã được hưởng và chưa được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam. Đây là một chủ trương đúng đắn và Hội CCB TP Bảo Lộc được giao nhiệm vụ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành công việc nói trên tại địa bàn Bảo Lộc. Mong rằng, qua đợt rà soát này, những trường hợp đáng ra được hưởng chế độ, nhưng chưa được hưởng, thì nay sẽ được hưởng. Ngược lại, những trường hợp “hưởng nhầm” thì sẽ bị thu hồi. Đặc biệt, những kẻ “cò” chính sách sẽ bị nghiêm trị thích đáng theo đúng quy định của pháp luật, nhằm củng cố lòng tin của xã hội vào chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Nhà nước!
Hoàng Kiến Giang