Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam"

08:01, 05/01/2015

Ngành Y tế Lâm Đồng đã đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" do Bộ Y tế phát động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Chính phủ. 

Ngành Y tế Lâm Đồng đã đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế phát động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ. 
 
Cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu
Cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu
 
Tại 17 đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng gồm 5 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện, thành phố đã tổ chức phát động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, xây dựng kế hoạch và tiêu chí phấn đấu. Các hội đồng thuốc và điều trị trong các bệnh viện tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu điều trị hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế. Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế (ban hành ngày 3/12/2012) đề ra mục tiêu tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trên tổng số tiền thuốc sử dụng tại các bệnh viện tăng từ 2-4%/năm; phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trên tổng số tiền thuốc sử dụng tại các bệnh viện tỉnh đạt trên 50%, bệnh viện huyện trên 80%. 
 
Ý kiến của chuyên gia về dùng thuốc nội
 
* Ông Shin Young Soo - Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO khi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về chính sách Bảo hiểm Y tế cho rằng: Kinh nghiệm tăng phí dịch vụ y tế là phải xem xét chi phí giá thuốc, xem xét việc kê đơn của bác sĩ để làm sao giá thuốc không đổi nhưng dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên. 
 
* GS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Y tế Việt Nam, chi phí giá thuốc ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Lâm Đồng giảm từ 20%-40% kể từ khi thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. 
 
* PGS-TSKH Dương Quý Sỹ nổi tiếng chữa bệnh xơ phổi ở Đà Lạt cho biết: 80% thuốc sử dụng để chữa bệnh xơ phổi cho bệnh nhân là thuốc sản xuất trong nước. Không phải cứ thuốc đắt tiền, thuốc ngoại mới chữa hết bệnh mà hiệu quả điều trị đến từ sự phối hợp thuốc tài tình của bác sĩ.                               
DIỆU HIỀN (lược ghi)

Để thực hiện có hiệu quả việc sử dụng thuốc nội, chống tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng hoa hồng từ các công ty dược, ngành y tế đã triển khai các giải pháp thực hiện cuộc vận động: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của giám đốc bệnh viện trong việc chỉ đạo hội đồng thuốc và điều trị chú trọng tỉ lệ cung ứng thuốc, sử dụng thuốc sản xuất trong nước từ khâu xây dựng danh mục thuốc để đấu thầu, nhập thuốc đến kê đơn sử dụng thuốc. Quán triệt, nhắc nhở và kiểm soát các bác sĩ kê đơn điều trị lựa chọn ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Phát huy vai trò của hội đồng thuốc và điều trị trong việc tham mưu lựa chọn thuốc, chú trọng việc xây dựng danh mục thuốc chủ yếu hàng năm sử dụng ưu tiên thuốc nội, kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng thuốc, kê đơn theo danh mục thuốc trúng thầu. Thực hiện nghiêm túc việc thông tin và quảng cáo thuốc. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn: các cơ sở điều trị thường xuyên tổ chức bình đơn thuốc, bình bệnh án, kiểm tra giám sát việc kê đơn. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các Trưởng khoa Dược trong việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và thay thế thuốc nhằm ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong tổng lượng thuốc sử dụng.

Qua quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, ngành y tế đánh giá kết quả bước đầu tại các đơn vị y tế công lập tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước (thuốc nội) đã đạt hơn 50% trên tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong toàn tỉnh. Cụ thể: Tổng tiền thuốc (thuốc tân dược, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu) sử dụng trong toàn tỉnh năm 2013 là gần 207 tỷ đồng, trong đó có khoảng 134 tỷ đồng thuốc sản xuất trong nước, tỉ lệ tiền thuốc nội sử dụng chiếm gần 60%. Danh mục thuốc nội dùng nhiều nhất trong các bệnh viện trong tỉnh bao gồm: Thuốc đông y và thuốc từ dược liệu (chiếm 93%), Vitamin và khoáng chất (87%), Corticoid (76,5%), kháng sinh (65,9%). 
 
Các bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng 123,8 tỷ đồng tiền thuốc, trong đó thuốc ngoại nhập chiếm 75 tỷ đồng và thuốc sản xuất trong nước 48,7 tỷ đồng. Tỉ lệ tiền thuốc nội chiếm 39,4% trong tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của các bệnh viện tuyến tỉnh. Thuốc nội dùng nhiều ở các bệnh viện tuyến tỉnh là: Thuốc đông y và thuốc từ dược liệu (90%), Corticoid (63%), Vitamin và khoáng chất (62%), kháng sinh (45%). 
 
Kỷ lục dùng nhiều thuốc nội thuộc về hệ thống các bệnh viện tuyến huyện. Tại 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã sử dụng 83 tỷ đồng tiền thuốc, trong đó có hơn 75 tỷ đồng thuốc sản xuất trong nước, tỉ lệ tiền sử dụng thuốc nội đạt 90,6% trên tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong các bệnh viện tuyến huyện. Danh mục các thuốc sản xuất trong nước được sử dụng phổ biến ở các Trung tâm Y tế huyện, thành phố: Vitamin và kháng chất (99,8%), Corticoid (98,7%), thuốc đông y và thuốc từ dược liệu (95%), kháng sinh (94,4%), dịch truyền (87%), thuốc phiến (81,5%).
 
BS Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Một bộ phận nhỏ người dân và cán bộ công chức còn có tư tưởng sính ngoại, chưa tin tưởng vào các thuốc sản xuất trong nước đạt chất lượng cao. Vì vậy, định hướng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc, để việc dùng thuốc nội dần trở thành nếp sống, nét văn hóa trong sử dụng thuốc phòng chữa bệnh của người dân và các thầy thuốc.
 
AN NHIÊN