Đó là ý chí, quyết tâm của người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cảm thấy gánh nặng đông con là khổ nên sẵn sàng chấp nhận hành trình vượt đường xa để đến trạm y tế áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Đó là ý chí, quyết tâm của người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cảm thấy gánh nặng đông con là khổ nên sẵn sàng chấp nhận hành trình vượt đường xa để đến trạm y tế áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
|
Vợ chồng chị Kơ Să K’Đôn ở thôn Đưng Trang áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại tại Trạm Y tế xã Đưng K’Nớh |
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Kơ Să K’Đôn (sinh năm 1975) tại Trạm Y tế xã Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương) và hết sức khâm phục nghị lực của đôi vợ chồng này. Hôm đó, chồng chị K’Đôn đã dành thời gian chạy xe máy chở vợ từ thôn Đưng Trang đến trạm để áp dụng thuốc tiêm tránh thai. Người phụ nữ vẫn còn nét xuân trên khuôn mặt khắc khổ cho biết: “Vợ chồng mình đã có 7 con rồi, con lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi. Mình đẻ nhiều vì không biết kế hoạch hóa gia đình, không biết thuốc men gì”. Cha mẹ mất sớm, đất đai sản xuất không có, chị K’Đôn đã trải qua cuộc sống khó khăn thiếu thốn ngay từ thuở bé. Khi lập gia đình, hai vợ chồng cố gắng làm lụng nên ruộng cũng có được 2 sào và 5 sào cà phê, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng vì có nhiều con đang tuổi ăn tuổi lớn, tất cả 2 trai 5 gái mà chỉ có 3 đứa đi học. Nhờ chiến dịch “Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng đông dân, vùng có mức sinh cao”, gia đình chị K’Đôn đã biết được các biện pháp tránh thai hiện đại. Vợ chồng cùng bàn bạc thống nhất cho chị áp dụng thuốc tiêm tránh thai tại trạm y tế xã cách nhà 10 cây số. Thuốc tiêm chỉ có tác dụng tránh thai trong 3 tháng. Cho nên, đều đặn 3 tháng, chị K’Đôn lại đến trạm y tế để tiêm mũi tiếp theo.
67,89% áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 170.300 cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt 75,35%. Trong đó, có 67,89% cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, gần 83.000 trường hợp mới áp dụng. Cơ cấu áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại bao gồm: triệt sản 268 ca, đặt vòng 10.035 ca, thuốc uống 27.862 trường hợp, thuốc tiêm 9.266 ca, thuốc cấy 802 ca, bao cao su 34.762 trường hợp. Trong đó 3 biện pháp: triệt sản, đặt vòng và thuốc tiêm thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.
|
Chị K’Đôn phân trần: “Lúc nào chồng rảnh việc thì mới tranh thủ chở mình đi lên trạm, còn nhiều lần mình phải đi bộ có khi mất cả ngày đường”. Bác sĩ Lơ Mu Daly - Trưởng Trạm Y tế xã Đưng K’Nớh, cho hay: Thôn Đưng Trang là nơi xa nhất, khó khăn nhất của xã, cách trung tâm xã 10km, đường sá đi lại rất khó khăn. Mùa mưa, vùng này biệt lập với bên ngoài vì không thể vào được, người bệnh cấp cứu phải khiêng cáng lên. Điều kiện khó khăn như thế nhưng chị K’Đôn vẫn đều đặn 3 tháng đến trạm; tính đến nay, chị đã trải qua 33 tháng áp dụng biện pháp thuốc tiêm tránh thai. Chị K’Đôn cho biết: “Mình đã tiêm mũi thứ 11, thấy sức khỏe bình thường. Bây giờ mình không muốn cho con sinh nhiều, chỉ 1-2 đứa con thôi. Mình không cho con đẻ nhiều, bởi vì mình khổ nhiều rồi, thấy đông con mệt mỏi lắm, lúc nào cũng hộ nghèo!”.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động về dân số - KHHGĐ, nhiều gia đình đông con ở xã Đưng K’Nớh đã biết đến việc tránh thai và tự nguyện áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Chị Cil Múp K’Liên (30 tuổi) ở thôn 1 xã Đưng K’Nớh có 5 con độ tuổi từ 2 -13 tuổi cho biết: “Mình đã áp dụng thuốc cấy tránh thai từ chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ tháng 4/2012. Trước kia mình chưa biết KHHGĐ, khi biết rồi thì mình sợ áp dụng trong bản thân mình xảy ra cái gì không tốt. Sinh con nhiều không có thời gian chăm sóc cho bản thân mình, không ai trông con để đi làm, khó khăn lắm, vừa lo quần áo vừa lo cơm ăn cho con, nhiều đợt thiếu ăn. Cả nhà chỉ trông vào 1 mẫu cà phê mà gạo, thức ăn, quần áo, phân bón đều lấy ở quán, đến mùa thu hoạch cà phê thì mình trả nợ cho chủ quán, gia đình thuộc hộ cận nghèo”.
Chị Bon Niêng K’Pớt, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Đưng K’Nớh cho biết: Xã có 415 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, 95% là người dân tộc thiểu số. Có 332 phụ nữ có chồng trong tổng số 495 phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Năm 2014, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên toàn xã chiếm 18,1%, bình quân mỗi phụ nữ có 2,7 con. Nhận thức của người dân về việc KHHGĐ còn hạn chế. Hàng tháng đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên dân số và y tế thôn bản tuyên truyền, vận động bà con đến tận nhà. Qua quá trình vận động nhiều năm, mưa dầm thấm lâu, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Những năm trước đây, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của xã chiếm 50%, bây giờ đã giảm đáng kể. Thế hệ phụ nữ trẻ nhận thức tốt hơn về việc KHHGĐ, phần lớn lựa chọn biện pháp tránh thai hiện đại.
DIỆU HIỀN