Lên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa, có không ít tàu thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu. Tại đây, hoạt động mua bán, trao đổi, sửa chữa tàu thuyền diễn ra sôi động. Âu thuyền trên đảo Đá Tây được xem như điểm tựa an toàn khi ngư dân vươn khơi, bởi nơi này có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác Hải sản biển Đông...
Lên đảo Đá Tây - quần đảo Trường Sa, có không ít tàu thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu. Tại đây, hoạt động mua bán, trao đổi, sửa chữa tàu thuyền diễn ra sôi động. Âu thuyền trên đảo Đá Tây được xem như điểm tựa an toàn khi ngư dân vươn khơi, bởi nơi này có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác Hải sản biển Đông (thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Sôi động giữa biển khơi
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá nằm trên đảo Đá Tây với chức năng cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân Việt Nam như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu; sửa chữa tàu thuyền hư hỏng; cung ứng nước ngọt; tiếp nhận và sắp xếp chỗ ở cho bà con ngư dân khi đau ốm, gặp tai nạn. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp với bộ đội hải quân tuần tra, hỗ trợ bà con ngư dân vào lòng hồ của đảo tránh trú mùa mưa bão. Cùng với hải quân và ngư dân, trung tâm đang đóng góp cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển cũng như xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Anh Nguyễn Văn Hát (46 tuổi), cán bộ trung tâm chuẩn bị sẵn nước ngọt cung cấp cho ngư dân |
Trường Sa là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung trở vào như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Với nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, ngư dân tham gia đánh bắt với các nghề chủ lực như: lưới vây, lưới rút, câu mực, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Những năm qua, ngư dân các địa phương đã từng bước đầu tư, đóng mới tàu thuyền với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình đánh bắt dài ngày trên biển. Tuy nhiên, cũng còn không ít tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên ngư trường này vẫn chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Thực tế, trong thời gian qua, đã có nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh gặp nhiều sự cố ngoài ý muốn như: hỏng máy, gãy chân vịt, va đá ngầm, vỡ ống dầu. Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, bà con đã có sự chuẩn bị sẵn về lương thực, nhiên liệu và những điều kiện cần thiết khác. Song giữa khơi xa không ai lường trước được điều gì, có thể mưa to sóng lớn làm ướt lương thực… nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ mất an toàn xảy ra với ngư dân rất cao. Năm 2005, khi Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên Đảo Đá Tây hình thành và đi vào hoạt động, đây thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ông Chu Minh Sơn - Trưởng Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Hiện Trung tâm có 8 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và luân phiên trực canh trong lòng hồ đảo Đá Tây sẵn sàng nhận lệnh tuần tra, cứu hộ hàng hải, đồng thời làm nhiệm vụ bán hàng lưu động trên biển, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn; dẫn luồng tàu thuyền ngư dân gặp nạn vào trú ẩn trong lòng hồ đảo Đá Tây; thu mua hải sản lưu động, đồng thời làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Năm 2014, Trung tâm đã dẫn luồng gần 300 lượt tàu vào lòng hồ đảo trú ẩn khi mưa bão; cấp hơn 1.000m3 nước ngọt; bán hơn 24 tấn lương thực thực phẩm và 200.000 lít dầu. Nhờ trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, thiết bị lặn, trạm thông tin liên lạc máy ICOM hoạt động liên tục đảm bảo nhận thông tin cứu hộ 24/24, trong năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin và tổ chức cứu hộ 8 tàu và sửa chữa 12 tàu của ngư dân. Tất cả các trường hợp cứu hộ tàu thuyền trên ngư trường này thời gian qua đều được tiến hành thành công.
Anh Nguyễn Văn Hát (46 tuổi), cán bộ Trung tâm vẫn chưa thể quên lần cứu hộ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số hiệu QNG 98804 do ông Huỳnh Toàn làm chủ tàu. Vào ngày 22/4/2014, Trung tâm nhận được thông tin tàu này gặp nạn tại điểm B đảo Đá Tây vào lúc 5h chiều, tàu sắp va vào bãi đá, có nguy cơ chìm tàu, đe dọa tính mạng ngư dân. Mặc dù trời sắp tối, việc đi vào bãi đá cứu hộ rất nguy hiểm, song trước tình hình cấp bách, cán bộ Trung tâm vẫn quyết định tìm mọi cách cứu hộ trong đêm. Đến 8h tối, tàu cứu hộ mới tìm thấy và tiếp cận được tàu của ngư dân và dẫn luồng về lòng hồ lúc 11h đêm. Ngay ngày hôm sau, cán bộ Trung tâm tiến hành khắc phục nhanh sự cố vỡ ống dầu để ngư dân tiến hành kịp theo lộ trình trên biển.
Tất cả để ngư dân vươn khơi bám biển
Đến thăm Khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây những ngày đầu năm 2015, tuy chưa vào cao điểm vụ đánh bắt chính trong năm, nhưng hoạt động cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây khá sôi động. Lượng hàng hóa cung cấp cho ngư dân đánh bắt hiện tại trong kho đã vơi đi một nửa. Ông Chu Minh Sơn cho biết, cách đây vài ngày, có gần chục tàu cá vào lấy lương thực, thực phẩm. Dù ở khơi xa, nhưng tất cả các nhu yếu phẩm, nhiên liệu mà trung tâm cung ứng cho bà con ngư dân đều ngang bằng với giá ở đất liền. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có đủ hệ thống máy móc thiết bị được trang bị trong xưởng cơ khí hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân.Với việc đầu tư, xây dựng bồn chứa nước ngọt có dung lượng trên 900m3, bồn chứa nhiên liệu dầu có dung tích gần 400m3 nên nước ngọt và việc cứu nạn cũng như khám chữa bệnh cho ngư dân khi đi biển được trung tâm thực hiện hoàn toàn miễn phí. Ông Sơn thực sự vui mừng và cho biết niềm tự hào khi Trung tâm hình thành và đi vào hoạt động đã trở thành ngôi nhà thứ hai của ngư dân đánh bắt xa bờ trên vùng biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung úy Ngô Thúc Ninh công tác tại đảo Đá Tây A chia sẻ: Cùng với lực lượng hải quân, cán bộ nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đang có nhiều nỗ lực để ngư dân yên tâm bám biển. Đá Tây có thể xem như là thủ phủ đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, nơi đây có đông tàu thuyền neo đậu. Vào mùa đánh bắt, Đá Tây vui như hội, tàu thuyền mua bán trao đổi hàng hóa ngay trên biển, cờ tổ quốc rợp trời tung bay trên lòng hồ của đảo, quân và dân thân thiết nghĩa tình.
Hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thực sự đã là phao cứu sinh, là điểm tựa đáng tin cậy cho ngư dân giữa muôn trùng sóng gió. Trung tâm đang góp phần cùng với Hải quân Việt Nam hỗ trợ đắc lực để tàu thuyền ngư dân vươn khơi, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Đông Tổ quốc.
Ngọc Ngà