Theo thổ ngữ K'Ho, Đạ Trịa là dòng suối Tía. Con suối này phát nguyên từ rặng Rowas (núi Voi) với đỉnh Pin Hatt cao 1.756m. Nơi đây là mật khu của Thị ủy Đà Lạt và cũng là căn cứ tiền phương của Tỉnh ủy Tuyên Đức và khu VI trong thời kỳ kháng chiến...
Theo thổ ngữ K’Ho, Đạ Trịa là dòng suối Tía. Con suối này phát nguyên từ rặng Rowas (núi Voi) với đỉnh Pin Hatt cao 1.756m. Nơi đây là mật khu của Thị ủy Đà Lạt và cũng là căn cứ tiền phương của Tỉnh ủy Tuyên Đức và khu VI trong thời kỳ kháng chiến. Bây giờ Rowas và Đạ Trịa là cụm du lịch sinh thái liên hoàn với hồ Tuyền Lâm, núi Voi, làng Darahoa, nhà hàng Đá Tiên. Nơi ấy đầy hoa Cẩm Tú và những chú voi đưa du khách đi xuyên rừng già.
Về lại với rừng
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn cựu chiến binh của Hội VH-NT Lâm Đồng về lại núi Voi, chiến khu Đà Lạt cũ. Con đường dẫn đến căn cứ đèo dốc chạy ngoằn ngoèo dọc theo thung lũng đã được tráng nhựa cách đây vài năm. Ven đường là rừng thông với những bóng cây cao vút như chiếc dù thiên nhiên lộng gió. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là hồ Tuyền Lâm, lúc ấy đã 4 giờ chiều, ánh tà dương bắt đầu trải lên rừng già, chập chờn trên mặt nước như tranh thủy mạc. Hồ Tuyền Lâm ngày nay diện tích hơn 350ha, có nơi sâu trên 30m. Theo tư liệu cũ, vào năm 1930, một người Pháp tên là Farraut đã thuê gần 3.000ha ở khu vực này để làm nông trại nuôi heo, gà, bò, cừu cung cấp nguồn thực phẩm cho Đà Lạt và các vùng lân cận.
Sau ngày đất nước thống nhất, hồ Đạ Trịa (tên cũ Tuyền Lâm) được nâng cấp, xây thêm một hệ thống đập ngăn, dài 235m gồm có 6 bậc trên dòng suối Tía. Chuyện đặt tên hồ, có người kể rằng: Năm 1987, sau khi Đạ Trịa hoàn thành, một ông cán bộ văn hóa tỉnh đêm trước đọc “Cung oán ngâm khúc” của Đặng Trần Côn có đoạn “Phong hỏa ảnh chiếu cam tuyền vân”. Nên khi đến suối Tía nhìn khói bốc lên từ gốc thông già đang cháy, ông đề nghị đổi tên là Tuyền Lâm, vì theo chữ Hán: Tuyền là suối, còn Lâm là rừng.
Đoàn tiếp tục đi xa hơn, trước mặt chúng tôi là một dãy núi mang hình con voi đứng hiên ngang quay đầu ra biển. Khi đến chân núi, một cựu chiến binh cao niên chỉ tay lên đỉnh giải thích “Trong thời chiến ai làm chủ được núi Voi có thể khống chế cả một vùng rộng lớn”. Ở tỉnh mình, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khu vực suối Tía và núi Voi là căn cứ quan trọng của Đà Lạt. Nơi đây là tổng hành dinh trực tiếp chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang của quân dân thị xã Đà Lạt, cũng là nơi dừng chân tập kết các đội công tác ở mặt trận Tuyên Đức.
|
Du lịch sinh thái dưới tán rừng hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn |
Ông già giữ rừng núi Voi
Cựu trung tá, chính trị viên tiểu đoàn đặc công 200C anh hùng của khu VI thời kháng chiến chống Mỹ là ông Nguyễn Đức Phúc. Nay là lãnh đạo Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam. Ông Phúc 73 tuổi, nguyên quán Bình Định nhưng ông sống và hoạt động tại khu VI cũ trên dưới 50 năm. Là một sĩ quan đặc công, ông thuộc rừng này như lòng bàn tay của mình. Ông chính trị viên có gương mặt “đức phúc” sở hữu vầng trán cao, lối dẫn chuyện theo phong cách đại ngàn làm cho những ai vào rừng trò chuyện với ông đều thích thú đến mức tò mò.
Có dịp được đi song hành với một sĩ quan già kháng chiến giữa rừng già heo hút không có gì thú bằng. Đối với ông Phúc, trước đám đông là chủ thể của những tiếng cười, câu chuyện dí dỏm, nhưng khi đi vào tâm thức ông trở nên lặng lẽ. Người có tuổi, tài năng và sắc đẹp ẩn vào bên trong, khi đi với ông, tôi mới nhận ra điều ấy. Lúc dừng lại ở khe suối, nhìn dòng nước róc rách từ kẽ đá, ông trải lòng: “Được nhà nước giao mấy trăm hecta rừng để bảo vệ và làm du lịch sinh thái không phải như đi mua cái bánh mì ngoài chợ. Trước năm 1990, dạo ấy rừng ở chiến khu xưa bị phá và đốt, nhiều lúc đêm về thấy những đóm lửa như ma trơi ở rừng núi Voi, tao cũng quặn lòng. Đang làm việc ở Văn phòng Ủy ban tỉnh, tao xin nghỉ hưu non và làm đơn tình nguyện giữ rừng. Lúc đầu chỉ vài hécta rồi dần dần được cấp nhiều hơn. Thật ra tao trở lại núi Voi là để trả nghĩa cho rừng”. “Làm kinh doanh thời nay không còn cảnh “tay không bắt giặc” nữa. Thế vốn liếng của bác bắt đầu từ đâu?”, tôi chân thành hỏi. “Lúc ấy, tao thế chấp ngân hàng cái nhà cấp bốn và bán cái xe đạp cà tàng vừa tròn 6 triệu đồng, để thành lập công ty “cò con” dựa vào các nhà sàn, nhà rông trong rừng. Ban ngày hướng dẫn khách du lịch, ban đêm chong đèn đọc sách để tìm kiếm mô hình sinh thái”. “Nghe nói, bác nổi tiếng là nhờ một kênh truyền hình Pháp, chuyện hư thực như thế nào?”, tôi tiếp tục hỏi. “Không hoàn toàn là như vậy, trước nhất mình phải có cái gì trong tay và cách làm của mình, tiếng Anh gọi là “Know How” người ta mới tìm đến. Chuyện bắt đầu từ mấy ông làm văn hóa ở Đà Lạt. Số là có một hãng truyền hình Pháp đi tìm đối tác làm phim tài liệu khoa học về trâu rừng ở Tây Nguyên. Không biết mấy ông nhà mình nói gì với tay đạo diễn da trắng mà ông ấy tìm tao nhờ làm tư vấn. Là lính đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếng tăm lừng lẫy mà không làm được vụ này thì còn mặt mũi gì với thiên hạ. Lúc ấy tao lo lắm. Nhà nước mình cấm săn bắt thú rừng mà mình “chơi” kiểu này chắc không ổn, mà nếu không làm được thì mình hèn quá. Tao mới nghĩ ra cách mua trâu nhà, tìm con trâu lông móc, da dầy, sừng cong,... rồi mời kiểm lâm đến chứng kiến, quay phim chụp ảnh xác nhận. Thế rồi những thước phim của mấy “cha da trắng” hoàn thành. Sau vụ này, tao mới nhận ra: Người Phương Tây đến xứ mình đâu phải tắm biển, ngủ khách sạn 5 sao. Tao làm tua du lịch hoang dã, có chút ít tiền, tiếp tục đầu tư vào rừng, để rừng xanh hơn, rừng nuôi mình lại”.
Sau chuyến thành công về trâu, ông Phúc còn tham gia đạo diễn cảnh săn voi Tây Nguyên ly kỳ nhiều tập với hãng truyền hình Pháp. Thời gian đó ông cựu trung tá đặc công nổi danh như cồn. Có được tiền, ông tập họp các gia đình K’Ho, Mạ, Chu Ru và các hộ người Kinh nghèo quanh làng Đarahoa (tiếng K’Ho có nghĩa là Suối trên ngàn) để chung tay bảo vệ và kiếm ăn từ nghề du lịch sinh thái rừng. Ông xác tín rằng những người phá rừng đều xuất thân từ dân địa phương nghèo khổ, họ chỉ là người làm thuê cho kẻ khác. Nếu mình biết tập trung rồi giao “cần câu cơm” thì chính họ là người giữ rừng bền vững. Rồi để người dân gắn bó với rừng có thêm thu nhập, ông Phúc vận động bà con làng Đarahoa thành lập các gian hàng thổ cẩm, khuyến khích nghề thủ công mỹ nghệ, mở lớp dạy chữ, hình thành các đội cồng chiêng múa hát để phục vụ du khách. Ông cũng hướng dẫn người dân cách thể hiện sự thân thiện, niềm nở với khách. Vì thế khách tây, ta ba lô đến Đà Lạt thường xuống làng Đarahoa tham quan, thăm tượng chú gà trống 9 cựa cao 3,2 m, nặng đến 8 tấn ở giữa làng, biểu tượng cho truyền thuyết về chuyện tình bi thảm của các bộ tộc thời trước.
Sau này được tỉnh ủng hộ, ông nhận thêm một số diện tích của rừng Đam Rông, Lâm Hà để chăm sóc bảo vệ làm du lịch sinh thái, rồi mua thêm 4 con voi để chở khách xuyên rừng qua tận Đăk Lăk.
* * *
Ngày rời Đạ Trịa, Rowas, đoàn chúng tôi đi dạo vườn hoa Cẩm Tú của nhà hàng Đá Tiên. Trong khu vườn này hàng ngàn hoa tím tròn như quả bóng trải lên căn cứ ngày nào. Chảo lửa chiến khu Đà Lạt ngày xưa bây giờ đầy hoa thắm, và cứ mỗi độ xuân về núi Voi lại xanh hơn.
Ký sự: Trần Đại