Hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật

08:01, 21/01/2015

Với sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, Lâm Đồng đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt từ năm 2013 Trong đó, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật là một trong những hoạt động nhằm giúp những đứa trẻ đặc biệt này có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Bắt đầu từ năm 2015 này, Lâm Đồng sẽ tiếp quản dự án và đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập và mở rộng dạy nghề cho những người khuyết tật có nhu cầu.

Với sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, Lâm Đồng đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt từ năm 2013 Trong đó, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật là một trong những hoạt động nhằm giúp những đứa trẻ đặc biệt này có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Bắt đầu từ năm 2015 này, Lâm Đồng sẽ tiếp quản dự án và đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập và mở rộng dạy nghề cho những người khuyết tật có nhu cầu.
 
Học sinh khuyết tật học làm bánh
Học sinh khuyết tật học làm bánh

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 trẻ khuyết tật. Số trẻ này được cắp sách đến trường chưa nhiều, đặc biệt là trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh các cơ sở giáo dục chuyên biệt với khoảng 300 học sinh, số học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh khoảng 500 học sinh. Số trẻ học hòa nhập tại các trường mầm non, phổ thông đa số không theo kịp chương trình và phương pháp dạy của giáo viên. Vì vậy, khả năng hòa nhập của các em còn nhiều hạn chế, gây nên sự mặc cảm, tự ti. 
 
Giáo dục trẻ khuyết tật tại Lâm Đồng đã được chính quyền và các đoàn thể địa phương quan tâm rất sớm với sự ra đời của cơ sở giáo dục chuyên biệt như Trường Khiếm thính Lâm Đồng (1980), Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan (1987) và sau này là các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Mai Anh Đà Lạt, Ánh Sao Bảo Lộc (1990). Hầu hết những cơ sở giáo dục chuyên biệt chỉ mới dừng lại ở việc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật chứ chưa chú trọng vào công tác hướng nghiệp, dạy nghề. Đó cũng là hạn chế sau khi các em rời trường trở về gia đình và hòa nhập xã hội. 
 
Được sự hỗ trợ của tổ chức KOICA, Trường Đại học Giáo dục Hàn Quốc và Hội Giáo dục học chương trình giáo dục đặc biệt Hàn Quốc, Trung tâm Hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập Lâm Đồng với nhiệm vụ đào tạo và nâng cao sự hiểu biết về giáo dục đặc biệt cho các giáo viên đảm trách giáo dục đặc biệt, sẽ mở rộng sự hỗ trợ cho các em học sinh khuyết tật. Bên cạnh việc hỗ trợ giáo dục, Trung tâm còn hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật thông qua các lớp dạy nghề. Đó là những nghề đơn giản nhưng thiết thực như chế biến cà phê, làm bánh, thủ công mỹ nghệ và làm xà bông. Mỗi lớp học sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau để phù hợp cho từng đối tượng học sinh khuyết tật. Như lớp dạy nghề chế biến cà phê sẽ dùng những phương pháp dạy học dễ hiểu kết hợp giữa phương pháp dạy của Việt Nam và Hàn Quốc, cùng với các trang thiết bị hiện đại được tài trợ bởi tổ chức KOICA giúp cho các em khuyết tật dễ dàng hiểu và thực hiện các bước pha cà phê. Lớp học này sẽ giúp đào tạo nghề pha chế cà phê, đây cũng là công việc phù hợp với khả năng của học sinh khuyết tật và phù hợp với địa phương mà các em đang sinh sống. 
 
Còn lớp dạy làm bánh và làm xà bông thì dùng phương pháp trực quan, đàm thoại, luyện tập - thực hành để giúp học sinh khuyết tật bước đầu làm quen, biết cách sử dụng các trang thiết bị, tên các nguyên liệu, dụng cụ làm bánh hay hương liệu làm xà bông. Riêng lớp dạy thủ công mỹ nghệ với phương pháp giảng giải lý thuyết, hướng dẫn trực quan cầm tay chỉ việc đối với từng học sinh, bước đầu dạy cho các em phát huy kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay, khâu được những sản phẩm đơn giản, làm thành những sản phẩm nhỏ, dễ tiêu thụ trên thị trường như chiếc móc khóa, giỏ xách hay chiếc ví (bóp) xinh xắn. 
 
Tuấn Hương