Huyền thoại nối tiếp những huyền thoại

08:01, 08/01/2015

 Trở lại xứ sở thần linh của người Mạ bên dòng sông Đồng Nai, xã anh hùng Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) để dự lễ nhô sar pu (uống ăn trâu) lần này, được tận mắt chứng kiến những đổi thay ở nơi đây, tôi thực sự bất ngờ, bất ngờ đến ngỡ ngàng. 

Lời nói đầu: Trở lại xứ sở thần linh của người Mạ bên dòng sông Đồng Nai, xã anh hùng Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) để dự lễ nhô sar pu (uống ăn trâu) lần này, được tận mắt chứng kiến những đổi thay ở nơi đây, tôi thực sự bất ngờ, bất ngờ đến ngỡ ngàng. Hóa ra từ trước đến giờ, tuy có khoảng một phần tư thế kỷ với nhiều lần đi đi về về với Đồng Nai Thượng, chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện vui buồn của xứ sở thần linh nhưng tôi chưa một lần đặt ra phép so sánh để nhận ra sự đi lên hoặc thậm chí là thụt lùi của đời sống kinh tế - xã hội của bà con người Mạ, người Stiêng Đồng Nai Thượng mà chỉ thấy rằng một lần đến là thêm một lần được tích tụ những yêu thương, thân thuộc, ruột rà. Nhưng ở lần này, thoáng một chút so sánh trong đầu, tôi chợt nhận ra sự đổi thay đến ngỡ ngàng, sự ngỡ ngàng ấy chính là một huyền thoại; và đó là một huyền thoại nay được viết tiếp huyền thoại xưa bởi những con người của xứ sở thần linh. 
 
Kỳ I: Thân thuộc xứ sở Mạ thần linh
 
Biết tôi có chút am hiểu về văn hóa dân tộc Mạ, anh Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên - động viên qua điện thoại: “Biết chú sức khỏe có xuống dốc nhưng lần này cố gắng đi Đồng Nai Thượng với anh. Cứ xuống đây, rồi có xe đưa vào. Từ trước đến giờ, lễ hội ăn trâu thì nhiều nơi tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên huyện Cát Tiên tổ chức lễ phục dựng chính thức lễ hội truyền thống này của người Mạ nói riêng và người thiểu số Tây Nguyên nói chung...”. Thú thật, với lễ hội phục dựng lần đầu này, không có lời mời của anh sáu Đẩu (cách gọi thân mật Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu), tôi vẫn tự động tìm mọi cách để đi; với lại, lễ hội lại được chính những người dân tộc thiểu số Đồng Nai Thượng quá đỗi thân thương thực hiện nên tôi không có bất kỳ lý do nào để vắng mặt.
 
Chếnh choáng men rừng
 
Buổi sáng, tôi tranh thủ ăn sáng ở thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh giáp ranh huyện Cát Tiên) để nhanh chóng lên xe máy chạy về phía Cát Tiên. Mùa này, xứ sở thần linh của người Mạ không hầm hập nắng nóng nên chẳng mấy chốc tôi đến được xã Tiên Hoàng. Con đường từ trung tâm thị trấn Cát Tiên đến Đồng Nai Thượng giờ đã “bon bon” nhờ một dự án giao thông khởi động từ vài năm trước và kết thúc cũng từ... vài năm trước. Nhưng khổ nỗi, chỉ còn khoảng 5km cuối cùng dẫn vào trung tâm xứ sở thần linh, con đường bỗng ổ gà ổ voi với cơ man nào là sỏi đá, dăm cuội. Cuối cùng, trước lúc bóng nắng làm tròn hình thằng người tôi, tôi cũng đã đến được xứ sở thần linh của người Mạ. Thật vui khi gặp lại những Điểu Thị Lôi, K’Lộc, K’Jắc, K’Độ...
 
Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu và Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Phạm Văn Quang nhu rnơm vui với dân làng
Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu và Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Phạm Văn Quang nhu rnơm vui với dân làng
 
Bữa cơm đón khách trước lúc nhu sar pu có mặt hầu như đông đủ mọi người từ dân làng đến cán bộ lãnh đạo xã Đồng Nai Thượng và lãnh đạo huyện Cát Tiên. Trên bàn tiệc đón khách, hầu hết là những món ăn được chế biến từ những thực phẩm nguyên liệu rừng: Đọt mây, cá suối, lá bép, gạo lúa rẫy... thành những món mà ở phố thị không mấy khi tìm thấy như cơm lam, cá suối nướng, canh lá bép, đọt mây nướng...; và, dĩ nhiên là không thể thiếu rượu cần. Chị năm Lôi (Điểu Thị Lôi), dũng sỹ diệt Mỹ trong chiến tranh trước bảy lăm, “lệnh” cho tôi: “Phải “hai cần” đầy mới xóa được cái tội nhiều năm rồi không vào xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng”. Thật vậy, ngay từ trong suy nghĩ của mình, tôi cũng tự thấy có lỗi vì cũng đã quá lâu rồi tôi mới đặt chân mình trở lại nơi này. Đúng hơn, những người như chị Điểu Thị Lôi, K’Đoi... thì tôi vẫn thường xuyên gặp, nhưng đó là những cuộc gặp ở thị trấn Cát Tiên, ở thành phố Đà Lạt hoặc cũng có thể là ở một tỉnh nào đó của Tây Nguyên chứ để gặp họ ở nơi xứ sở thần linh này thì xem ra cũng đã mấy cái mùa rẫy rồi. Vậy nên, như được “mở cờ” để giải tỏa “lỗi lầm” bằng kiểu ra lệnh của một lãnh đạo du kích thời chiến Điểu Thị Lôi, tôi cười vui: “Chị trụt đạ (rót nước) cho em nhé?”. Chị năm Lôi không trả lời, chỉ ánh nhìn tia vào ché rượu cần và cái cần trong tay tôi của chị là nghiêm nghị. Chỉ hai “sừng” đầy sau nước cốt của ché rượu là đủ để tôi chếnh choáng. Rượu ở xứ sở thần linh này sao mà ngon đến vậy! Đến lượt Mai - kỹ sư Đào Duy Mai: “Tưởng bộ anh quên em rồi chớ?”. Đó là cách nói khích của vị Bí thư Đảng bộ xã Đồng Nai Thượng còn khá trẻ này. Thực ra, chỉ vài tháng trước, tôi vừa gặp Mai ở thị trấn Cát Tiên, vậy nên làm sao mà quên được. Ý Mai nói, rằng thì là lâu lắm rồi anh chàng mới gặp lại tôi ở xứ sở thần linh của người Mạ. Tôi thêm một lần có lỗi với người “cộng cư” để lãnh đạo ở Đồng Nai Thượng. Bởi vậy, lại thêm hai sừng đầy - thêm chếnh choáng! Mấy ngày nhô sar pu, tôi gặp lại già làng Điểu K’Khen ở thôn 4, xã Phước Cát 2. Thôn 4 của già làng Điểu K’Khen ngày trước được gọi là buôn Nhing Tơng. Nhinh Tơng là một vùng đất rộng lớn của người Mạ và người Stiêng bên dòng sông Đồng Nai. Hôm đi vào hang Thoát Y Vũ (một câu chuyện huyền thoại đang... tồn tại của người thiểu số xứ sở thần linh) cách nay chỉ vài tháng, tôi có đến thăm già làng Điểu K’Khen. Nay gặp lại ở Đồng Nai Thượng, có quá nhiều lý do để già làng “bắt” tôi hai sừng đầy. Lại thêm một lần chếnh choáng nữa!
 
Quả thực, đồng ý rằng chếnh choáng là điều không thể phủ nhận nhưng tại sao không cần phải nghĩ đến cái mặt trời nó mọc lặn như thế nào, không cần phải nghĩ đến cái cán rựa nó ngắn xa bao nhiêu, không cần phải hiểu cái trăng tròn trăng khuyết đi qua đời người mất những bao nhiêu mùa rẫy... để mở toang cái bụng trước các yàng trong đêm huyền thoại của xứ sở thần linh này? Đến lúc này, thời gian và cả không gian trong tôi không còn là một khái niệm... để suốt đêm say với men rừng, say với những dấu chân trần, say với những người con của xứ sở thần linh...
 
Năm lôi - ma nữ xứ sở thần linh
 
Buổi trưa, lúc dân làng làm lễ đón khách nhu sar pu, chị năm Lôi mặc bộ quân phục với trên ngực áo lấp lánh những tấm huân huy chương. Chiếc áo với những tấm huân huy chương đó tôi biết chị năm Lôi chỉ mặc trong những buổi lễ trọng. Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tiên gặp chị, tôi chỉ được chị mở tủ lấy chiếc áo ra... khoe chứ không mặc. Bữa đó, chị bảo: “Mình là du kích nữ, theo kháng chiến từ hồi còn con gái vừa mới lớn, chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi thôi. Ở xã Năm, nhiều người cũng như mình làm cách mạng để đánh đuổi Mỹ để dân làng bình yên. Chuyện cũng bình thường thôi mà. Có điều, thằng Mỹ thằng ngụy lại gọi mình là “ma nữ”...”. Rồi, đến năm 2005, khi lễ đón danh hiệu cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức tại Gia Lai, tôi được dịp cùng chị năm Lôi đi cùng một chuyến xe từ Đà Lạt sang Gia Lai. Lần ấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị năm Lôi mặc quân phục với những tấm huân huy chương lấp lánh trên ngực áo. Và đến tận nay, sau gần mười năm, tôi mới thấy chị mặc lại bộ quân phục này. 
 
Chị Điểu Thị Lôi dự lễ trọng bằng bộ quân phục với những huân huy chương lấp lánh trên ngực áo
Chị Điểu Thị Lôi dự lễ trọng bằng bộ quân phục với những huân huy chương lấp lánh trên ngực áo
Trong bữa tiệc đón khách nhu sar pu, chị năm Lôi ngồi kề bên Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu và nguyên Bí thư Đồng Nai Thượng Nguyễn Văn Quy (anh hai Quy, “già làng” K’Quy). Tôi ngồi ở bàn kế bên. Chị năm Lôi đứng dậy sang bàn bên cạnh, đặt tay lên vai tôi và hỏi han nhiều thứ, rồi bảo tôi chuyển lời thăm hỏi của chị đến một vài người là dân báo chí đã từng đến với Đồng Nai Thượng. Tôi cất lời: “Trông chị mặc bộ quân phục lúc này chẳng khác nào lúc hai chị em mình đi Gia Lai. Chị chẳng già đi chút nào hết!”. Chị cười và vung tay đập mạnh lên vai tôi: “Nhưng mà hồi con gái mười sáu cái mùa rẫy thì khác đấy!”. Tôi hiểu, ý chị muốn nói cái thời lặn lội giữa rừng sâu ở xứ sở thần linh của người Mạ Đồng Nai Thượng để nuôi cán bộ, để cùng với cán bộ đánh Mỹ. Câu chuyện về chị năm Lôi cùng du kích Điểu K’Lôi lọt vào ổ phục kích của địch hồi gần năm mươi năm về trước cứ như là một huyền thoại vậy! Bữa đó, năm Lôi cùng Điểu K’Lôi từ rừng về buôn tổ chức dân đưa gạo tiếp tế, xong nhiệm vụ, cả hai cùng về thì lọt thẳng vào ổ phục kích của địch. Ngay khi tiếng súng đầu tiên phát ra từ một chiếc súng AR15, cả hai du kích năm Lôi và Điểu K’Lôi nhanh như hai con sóc rừng lặn xuống bên một tảng đá lớn rồi nhanh chân luồn qua một triền đồi và bọc lên trên, phía sau toán biệt kích. Kẻ địch mất dấu mục tiêu, nổ vu vơ vài tiếng M16. Bỗng từ phía sau của kẻ địch, đồng loạt hai họng súng AK nổ giòn. Mấy tên giặc ngã khụy. Rồi, bỗng im bặt. Mấy tên địch còn sống xông lên, men theo hướng vừa phát ra tiếng súng. Mùi thuốc súng AK vẫn còn vương vất nhưng không thấy cộng sản đâu cả, toán địch ngơ ngác nhìn quanh. Đúng vào lúc ấy, bỗng đồng loạt hai họng súng AK nhả đạn từ hai phía chênh chếch theo thế gọng kìm. Dăm tên địch lại gục xuống. Và sau đó là im bặt! Năm Lôi và Điểu K’Lôi đã nhanh chân rút xa lên núi. 
 
Về sau, kẻ địch nhiều lần tổ chức hành quân với mục đích “tiêu diệt trọn ổ nhóm Việt Cộng Đồng Nai Thượng nhưng không thành công. Lúc thì dân làng “tiêu thổ kháng chiến”, lúc thì chỉ có người già và trẻ nhỏ nên kẻ địch không làm gì được. Cũng có lúc địch huy động cả máy bay từ Đồng Nai, Bình Phước sang để tìm diệt nhưng núi rừng Đồng Nai Thượng, xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng chở che một cách chắc chắn những dấu chân trần của những du kích xứ này. Và, nữ du kích Điểu Thị Lôi ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng được phong dũng sỹ diệt Mỹ tự những năm đó! Và, chị năm Lôi của xứ sở Mạ thần linh trở thành “ma nữ” giữa rừng già trong mắt kẻ thù là vậy!
 
(Kỳ II: Ngồi trên vai người khổng lồ)
 
Phóng sự: Khắc Dũng