Huyền thoại nối tiếp những huyền thoại (Kỳ cuối)

09:01, 22/01/2015

Suốt đêm bên cọc knưng, nơi con trâu chuẩn bị được hóa kiếp, lửa rừng già xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng luôn rừng rực cháy đỏ. Bà con giữ ngọn lửa rừng rực như giữ chính thứ men rừng đang chảy trong lồng ngực căng tràn sức sống của chính mình...

Kỳ cuối: Lúa đã đầy bồ
 
[links(right)] Suốt đêm bên cọc knưng, nơi con trâu chuẩn bị được hóa kiếp, lửa rừng già xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng luôn rừng rực cháy đỏ. Bà con giữ ngọn lửa rừng rực như giữ chính thứ men rừng đang chảy trong lồng ngực căng tràn sức sống của chính mình. Mấy anh bạn trẻ tuổi người Mạ và người Stiêng cùng anh em thanh niên người Kinh làm thịt vài con gà nấu cháo ăn khuya mời tôi nhu rnơm (uống rượu cần) và cả nhu lắc (uống rượu đế). Men rừng chảy vào huyết quản làm ngả nghiêng những cánh rừng ở xứ sở thần linh, ngả nghiêng cả đàn ông lẫn đàn bà, cả người già đến trẻ nhỏ. Bên ngoài, mặt trời vẫn đang còn ngủ kỹ ở đâu đó tận phía sâu dưới đỉnh núi Chân Mây. Ấy vậy mà anh chàng Bí thư kỹ sư Đào Duy Mai đã thức và lọ mọ đến chỗ chúng tôi đang ngồi. 
 
Chờ bình minh trên đỉnh chân mây 
 
Chân Mây là đỉnh núi phải vượt qua trước khi vào làng Đồng Nai Thượng. Đứng trên đỉnh Chân Mây nhìn xuống, buôn làng của người Mạ, người Stiêng nép mình bên những triền núi quanh co, nhấp nhô. Những quả đồi thấp bây giờ đã phủ kín màu xanh của cây điều. Mấy chục năm rồi, cây điều xóa đói bây giờ đã già cỗi. Một cuộc cách mạng thành công rực rỡ vừa bước sang trang. Nói cách khác, cuộc cách mạng cây điều ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng đã kết thúc, nhường chỗ cho một cuộc cách mạng mới.
 
Tổng già làng Điểu K’Lộc thức dậy thật sớm. Sáng nay, ông lãnh trọng trách điều hành toàn bộ lễ tach năng nhu sar pu dùn rbô xạ koi. Tôi tiếp cận với tổng già làng để tìm hiểu thêm về cây lúa của người Mạ. Già làng Điểu K’Lộc nói: “Bây giờ, những ngọn đồi xa ngọn đồi gần đều phủ kín màu xanh của cây điều. Nhưng, trong những khoảng rừng ấy, bà con vẫn giữ lại cho mình một khoảnh đất rộng để canh tác nương rẫy. Nương rẫy của bà con được trồng cây lúa mẹ (yang koi) là chính. Cùng với cây lúa là bầu bí, rau đậu...”. Tôi ngước nhìn lên đỉnh Chân Mây, dấu hiệu của bình minh chưa hiện hữu, nó như đang nằm ở đâu đó thật sâu trong lòng núi. Xem đồng hồ, chỉ mới 3 giờ sáng. Tổng già làng Điểu K’Lộc mời tôi hai sừng đầy. Già bảo: “Muốn hiểu cái mir (rẫy), cái yang koi (lúa mẹ) của người Mạ thì kon Duôn phải hai cái sừng đầy trước đã!”. Tôi không “ngại” hai cái sừng đầy mà “ngại” rằng mình không đủ khả năng để “thẩm thấu” cái triết lý “giữ sự trong sạch, trinh trắng của yang koi”. Cái núi lừng lững Chân Mây đứng tựa ở chân trời như một nhân chứng của tấm lòng kiên trung người Mạ phía thượng nguồn Đồng Nai trong kháng chiến, của sự đổi thay hằng ngày hằng giờ của cộng đồng người gắn với xứ sở thần linh nơi đây. Theo tổng già làng Điểu K’Lộc, vùng cư trú của người Mạ, người Stiêng xứ này chủ yếu là canh tác lúa rẫy (mir), nhưng cũng có những vùng thấp quanh năm có nước thuận tiện cho yang koi srê trổ bông. Vùng yang koi trổ bông dưới nước ấy gọi là vùng srê (khái niệm này giống như từ “ruộng” của người Việt). Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là yang koi của mir hay yang koi của srê đều phải được giữ cho trong sạch. Hồi hơn hai mươi năm trước vào đây, tôi cùng một anh cán bộ người Kinh bứt trái bầu trồng trên phân trâu bên góc nhà vào luộc, mời mấy anh thanh niên người Mạ đến nhu lắc, mấy anh chàng chỉ nhu chứ không sar. Hỏi sao vậy, mấy thanh niên bảo trái bầu ấy bẩn lắm(!). Với koi me cũng vậy, hễ “cho ăn” cái phân là hạt thóc ấy “dơ”, nên không ăn được. Đây quả là một quan niệm khó đổi thay! Ấy nhưng, đã có một người tiếp tục làm được cái công việc mà trước đây Điểu Thị Lôi, Nguyễn Văn Quy đã làm! Đó là ông Bí thư trẻ tuổi kỹ sư Đào Duy Mai cùng với tổng già làng Điểu K’Lộc.
 
Thi giã gạo
Thi giã gạo
 
Không chỉ là hạt thóc
 
Hôm trước, ngồi ăn sáng với nhau, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu và Bí thư Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai “tính toán” với tôi: Để có 500kg gạo cho một khẩu người dân tộc thiểu số mỗi năm theo nhu cầu, nếu canh tác theo kiểu phát nương làm rẫy và đủ cho chu kỳ nương rẫy tái sinh thì mỗi người dân tộc thiểu số ở đây cần đến 10ha rừng. Trước kia, khi rừng núi còn bạt ngàn, phương thức canh tác koi me mir hoặc srê như thế là khả thi. Nhưng nay, khoảng 1.500 khẩu người Mạ và Stiêng vùng Đồng Nai Thượng này cần 15.000ha rừng để phát đốt và chọc lỗ, tra hạt? Bí thư Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai nói: “Phải đưa cái lúa nước vào đời sống của bà con. Nhưng khó nhất vẫn là làm sao để cho bà con chấp nhận đưa cái phân xuống ruộng”.
 
Anh Đào Duy Mai quay sang mấy chàng trai tráng người Mạ: “Tổng già làng Điểu K’Lộc bảo mấy anh em phải “vào cuộc” tiếp tục đấy! Không chỉ là cây lúa nước mà còn cả cây cà phê, cây tiêu... Cây lúa, cây cà phê, hay cây tiêu đều phải được “ăn uống” như mình đang ăn uống đây! Yang koi bây giờ cũng đã thích nghi rồi. Giờ đã đến lúc yang cà phê, yang tiêu... Ngay cả yang koi trên nương lúc này cũng thế! Mà, thanh niên mình là xung kích! Mấy anh em thanh niên trai tráng mình nên tiên phong là vậy đấy!”. Tôi hiểu đây là cách “cầm cương” của ông Bí thư kỹ sư nông nghiệp có nghề! Ở Đồng Nai Thượng, biệt danh “Mai lúa” không giống như “hai lúa” miền Tây mà đây giống như một danh hiệu không chính thức nhưng rất đáng tự hào. Với Mai, lúa nước cho đồng bào dân tộc thiểu số là nỗi trăn trở lớn nhất. Đó chính là cuộc cách mạng mới, sau cây điều của anh hai Quy, chị năm Lôi. Đó chính là huyền thoại nối tiếp của Mai lúa và tổng già làng Điểu K’Lộc ở xứ sở thần linh này. Bí thư Mai khẳng định với tôi: “Đến lúc này, dân làng Đồng Nai Thượng đã tự túc được lương thực. Bà con đã không còn phải lo nghĩ đến hạt gạo bỏ vào trong nồi mà nghĩ đến bữa cơm có món gì đó nhiều đạm hơn. Có điều, làm thế nào đó để việc sử dụng phân bón trong canh tác thực sự thành một “tục lệ” của bà con nơi đây mới là chuyện khó!”.
 
Chuyện trò với mấy thanh niên xung kích, tôi mới biết đây chính là lực lượng quan trọng của Đồng Nai Thượng trong chuyển đổi cây lúa mir sang srê theo chủ trương của huyện Cát Tiên mà Bí thư Đào Duy Mai trực tiếp đứng ra vận động bà con thực hành. Trước nhất, ông Bí thư xã vận động những cán bộ cách mạng lão thành, những già làng như Điểu K’Lộc, K’Đố, Điểu Thị Lôi... làm trước để bà con nhìn vào đó rồi làm theo. Cái phân chuồng trong nhà già làng Điểu K’Lộc, trong nhà nữ xạ thủ uy tín Điểu Thị Lôi... không còn phải bỏ phí. Dân làng làm theo. Đến giờ, Đồng Nai Thượng đã có hơn hai chục hecta lúa nước được canh tác một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của ông cán bộ người Kinh vừa là Bí thư xã, vừa là kỹ sư nông nghiệp Đào Duy Mai. Nhưng trước hết, cán bộ Mai huy động toàn bộ lực lượng thanh niên trong làng cứ mỗi tuần bỏ ra một ngày để đắp đập, be kè, làm đất, vác đá ra khỏi các chân ruộng. Thanh niên hăng hái làm. Già làng cũng lăn xả vào. Bởi vậy, dân làng không ai làm ngơ. Thế là đến giờ, mấy chục hecta lúa nước gieo cái yang koi me srê của Đồng Nai Thượng tốt tươi trước sự ngỡ ngàng đến rạng rỡ của dân bản. Ngày trước, làm lúa rẫy, một gùi koi me tỉa xuống, bà con tuốt được khoảng 40 gùi hạt (tương đương năng suất 1,6 tấn, mỗi gùi khoảng 30kg). Bây giờ, làm cái koi me srê có bón phân bài bản, cứ mỗi hecta trung bình thu được 3 tấn. Cán bộ vui, già làng vui, dân làng cũng vui là thế! Nhưng với cán bộ “Mai lúa”, điều mà anh trăn trở thành lời với tôi rằng “Không chỉ hạt thóc đâu anh! Giờ, bà con biết bón cái phân chuồng là vui, là thành công rồi. Nhưng phải tiến xa hơn là hướng đến cây cà phê, cây tiêu... Nếu cây điều trước đây là cây xóa đói với bước đệm sử dụng phân bón để thay đổi một cách làm nông thì cây lúa vừa rồi là cây chuyển đổi một phương thức canh tác. Trên cơ sở đó, Đồng Nai Thượng sẽ tiến đến cây làm giàu là cà phê và tiêu. Giờ, tuy chưa nhiều nhưng trong làng cũng đã có một vài hộ bà con trồng cây cà phê, cây tiêu... rất hứa hẹn. Trong đó, gia đình tổng già làng Điểu K’Lộc là một điển hình”.
 
Bình minh sắp rạng trên đỉnh Chân Mây. Tổng già làng Điểu K’Lộc đứng dậy với lời chào thân thiện nhóm thanh niên rồi đi về phía nhà dài, nơi có con trâu đực sung mãn đứng bên cọc knưng. “Mình chuẩn bị “khóc trâu” đây!” - tổng già làng Điểu K’Lộc nói với tôi trước khi chia tay. Giờ, xứ sở thần linh người Mạ Đồng Nai Thượng thóc đã đầy bồ, chả mấy ai còn nghĩ đến chuyện phải no cơm, mà nói như anh Mai Bí thư xã là làm sao để dân làng nơi đây làm giàu bằng hạt cà phê, bằng hạt tiêu. Mấy chàng thanh niên xung kích đứng lên bắt tay tổng già làng Điểu K’Lộc thậy chặt như một lời hứa. Tôi nhìn sang Bí thư xã Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai và thấy anh nở nụ cười thật tươi! Sẽ có một huyền thoại nối tiếp ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng này - tôi tin là như thế!
 
Phóng sự: Khắc Dũng