Khát vọng được làm chủ bản thân

02:01, 03/01/2015

Việc khiếm khuyết đi một phần cơ thể không làm mất đi giá trị cũng như năng lực của người khuyết tật (NKT). Họ luôn có khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng, muốn khẳng định và làm chủ bản thân. 

Việc khiếm khuyết đi một phần cơ thể không làm mất đi giá trị cũng như năng lực của người khuyết tật (NKT). Họ luôn có khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng, muốn khẳng định và làm chủ bản thân. 
 
Năm 2014, Hội NKT tỉnh Lâm Đồng đã hoạt động rất hiệu quả, mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho hội viên, từng bước xây dựng hội vững mạnh. Hội đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện theo đúng điều lệ quy định, bám sát Nghị quyết đại hội đã đề ra. “Mặc dù chưa có hội trường, trụ sở để sinh hoạt nhưng Hội được UBMTTQ tỉnh cho mượn hội trường để tổ chức họp định kỳ. Hội đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để kêu gọi những bàn tay nhân ái giúp đỡ, kêu gọi các tổ chức từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước hỗ trợ xe lắc, xe lăn, chân tay giả, nạng, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng… qua đó đã tạo điều kiện cho người khuyết tật đi lại thuận tiện...” - ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NKT Lâm Đồng chia sẻ. 
 
 Các đoàn từ thiện thường xuyên đến thăm Hội NKT TP. Đà Lạt
Các đoàn từ thiện thường xuyên đến thăm Hội NKT TP. Đà Lạt
 
Đặc biệt, Hội NKT phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thực hiện dự án Tây Ban Nha trong 5 năm qua, tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề, có việc làm. Năm 2014 đã triển khai dự án tại Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên với trên 140 người được học nghề phù hợp với sức khỏe hội viên, phù hợp với địa phương như: làm vườn, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, tin học, nghề thủ công mỹ nghệ, đan mây tre, đan len, dệt len… Liên hệ với các mạnh thường quân xây nhà mới, sửa chữa nhà ở dột nát cho các hội viên, hỗ trợ gạo, quà, quần áo, hỗ trợ những người khuyết tật nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS… Hội NKT còn chủ động, sáng tạo trong phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề, học nghề và làm nghề để hội viên đến sinh hoạt, học tập. Tiêu biểu như Hội NKT Đà Lạt có cơ sở photocopy trên đường Quang Trung, cơ sở len ở đường Thiện Ý; Hội NKT Đức Trọng có cơ sở đan len… Các mô hình trên hầu hết đều do các tổ chức đơn vị, các nhà hảo tâm cho mượn địa điểm để hoạt động, góp phần tập hợp đông đảo anh chị em khuyết tật đến học tập, làm việc, tạo niềm vui, việc làm có ích.    
 
“Với số hội viên hiện nay khá đông, khoảng 1.400 người, việc chăm lo học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện để các hội viên được thụ hưởng đầy đủ chính sách của nhà nước là điều chúng tôi trăn trở nhất” - ông Trần Mạnh Thu chia sẻ thêm. Ông cũng trao đổi riêng về nội dung bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, NKT đã được nhà nước hỗ trợ 100%. Tuy nhiên, khi Nghị định số 28 của Chính phủ ban hành thay thế Nghị định số 6713 trước đây thì có khoảng 40% NKT bị cắt chế độ trợ cấp trên. Số đông NKT hiện nay mong muốn Sở LĐ-TB&XH, phòng LĐTBXH các huyện, thành phố tạo điều kiện về giám hộ sức khỏe, về mức độ khuyết tật để anh chị em NKT được hưởng BHXH, BHYT.  
 
Luật người khuyết tật đã được ban hành và đi vào cuộc sống, nhưng để thực thi có hiệu quả, đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay đồng cảm, sẻ chia với NKT. Việc tạo điều kiện cho NKT sau khi học nghề có cơ hội được làm việc, có thu nhập để nuôi sống bản thân là điều anh chị em NKT Lâm Đồng rất mong mỏi, nhất là từ phía các doanh nghiệp, nhà máy, đơn vị hãy tạo điều kiện hơn nữa cho NKT được phát huy. Tuy NKT đi lại khó khăn, sức khỏe hạn chế, nhưng tính cần cù chịu khó, ý chí vươn lên, trách nhiệm trong công việc là điều luôn thường trực trong những con người không may khiếm khuyết ấy. Họ luôn khao khát được hòa nhập cộng đồng, được khẳng định và được làm chủ bản thân.
 
Nguyệt Thu