Lâm Đồng "bội thu" xuất khẩu lao động

08:01, 02/01/2015

Là tỉnh Tây Nguyên, vài năm gần đây, công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài (gọi là XKLĐ) của Lâm Đồng từng bước ổn định, đặc biệt là năm 2014, có gần 650 người, vượt hơn 3% so với kế hoạch được giao. 

“Năm 2014, Bộ cần tập trung vào các lĩnh vực giải quyết việc làm; dạy nghề; xuất khẩu lao động (XKLĐ); cần hướng công tác XKLĐ như một mũi nhọn trong giải quyết việc làm”, đó là ý kiến chỉ đạo ngành LĐTB&XH của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Là tỉnh Tây Nguyên, vài năm gần đây, công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài (gọi là XKLĐ) của Lâm Đồng từng bước ổn định, đặc biệt là năm 2014, có gần 650 người, vượt hơn 3% so với kế hoạch được giao.   
 
Người lao động trổ tài tay nghề làm nông trước nhà tuyển trạch Nhật Bản tại Đức Trọng
Người lao động trổ tài tay nghề làm nông trước nhà tuyển trạch Nhật Bản tại Đức Trọng
 
Người dân nắm rõ thông tin 
 
Để chủ động cung và cầu về XKLĐ, ngay từ cuối năm 2013, ngành LĐTB&XH Lâm Đồng đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp (DN) XKLĐ ở các thành phố và tỉnh đề nghị thông báo về nhu cầu ngành nghề, đối tượng… Theo đó, kế hoạch thực hiện được cụ thể hóa gửi các huyện, thành phố trong tỉnh để triển khai ngay. Nét mới nhất trong công tác XKLĐ của tỉnh Lâm Đồng mang tính đột phá là triển khai kênh thông tin đến từng hộ dân. Ngành LĐTB&XH phối hợp với Bưu điện tỉnh in hàng chục ngàn phiếu thông tin phát miễn phí. Trong phiếu ghi rõ những nội dung cụ thể như điều kiện về tuổi, cân nặng; các ngành nghề; mức chi phí; mức lương hàng tháng,... của từng thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaisia, Trung Đông và Hàn Quốc. Phiếu cũng cung cấp những nội dung thiết thực khác về chính sách hỗ trợ chung của tỉnh như: học phí học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe… và hỗ trợ thêm đối với lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, bộ đội, công an xuất ngũ, con gia đình chính sách. Người dân tiếp nhận phiếu thông tin này còn nắm được cả những chính sách vay vốn và lãi suất; địa chỉ, điện thoại, Email để được giải đáp. Với cách làm “cuốn chiếu” từng địa bàn huyện, trong năm 2014, nhà tuyển dụng đã có nguồn ứng viên đầu vào dồi dào và ý thức tốt trước khi tham gia tuyển trạch. 
 
Thị trường lao động Nhật Bản tăng vụt
 
Công tác XKLĐ năm 2014 không chỉ số lượng vượt kế hoạch giao mà vui hơn là có đến hơn 70% đến được với thị trường Nhật Bản. Như Giám đốc Chi nhánh Nhật Bản thuộc Công ty TNHH MTV XKLĐ và Thương mại du lịch SOVILACO (Bộ LĐTB&XH) Vũ Quang Luân đánh giá: Đến được thị trường lao động Nhật Bản, người lao động vừa có thu nhập cao, vừa học được tác phong lao động công nghiệp với những kỹ thuật nghề nghiệp cao. Mức thu nhập bình quân từ 28-30 triệu đồng/tháng/người nhưng điều kiện tuyển trạch rất khắt khe vậy mà đa số người lao động (NLĐ) của Lâm Đồng vượt qua là thành công rất đáng khích lệ. Vấn đề cho thấy khi địa phương đặc biệt chú trọng mời được những DN XKLĐ có kinh nghiệm, uy tín trực tiếp đến tỉnh tư vấn, phối hợp tổ chức sơ tuyển, trang bị những kiến thức ban đầu về môi trường lao động ở Nhật Bản như văn hóa ứng xử, tác phong lao động, ý thức cộng đồng… là yếu tố tác động tích cực. Ngành LĐTB&XH tỉnh tổ chức các lớp học tiếng Nhật tại địa bàn Đà Lạt giúp người học vừa tạo được sự tự tin ban đầu vừa bớt giảm chi phí tài chính của gia đình. Để tạo động lực hứng thú cho người học và không tồn đọng hồ sơ, quá trình các học viên học tiếng Nhật được giới thiệu các đơn hàng XKLĐ để họ tham gia phỏng vấn. Nhờ vậy, trong hơn 2 tháng, trong số 400 người đăng ký lao động ở nước ngoài có tới 80% tham gia đi thị trường Nhật Bản. Trong 3 lớp học tiếng Nhật tổ chức ở Đà Lạt có gần 100 người trúng sơ tuyển và 30% chính thức được làm thủ tục xuất cảnh. 
 
Trong “Ngày hội nghề nghiệp, việc làm trong thanh niên đô thị 2014” tổ chức tại Bảo Lộc, Giám đốc Vũ Quang Luân nhận xét với PV Báo Lâm Đồng: “Trong 4 tỉnh (Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bến Tre) chi nhánh chúng tôi triển khai thực hiện Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị, tỉnh Lâm Đồng có số lao động đi thị trường Nhật Bản nhiều nhất và NLĐ được giáo dục tốt nhất, ít vi phạm hợp đồng nhất”. 
 
Nguồn nhân lực quý cho nông nghiệp
 
Trong năm 2013, tỉnh Lâm Đồng có 413 NLĐ tại thị trường Nhật Bản cùng 204 lao động ở các thị trường khác. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB&XH), số lao động này đã gửi về cho gia đình khoảng 120 tỷ đồng, trung bình 10 tỷ đồng/tháng. Năm 2014, chắc chắn con số đó còn tăng lên nhiều hơn nữa. Quả là XKLĐ không còn chỉ giúp nhiều hộ thoát được nghèo mà thực sự đưa họ thụ hưởng một cuộc sống tươi mới hơn hẳn về chất. Nhiều hộ gia đình đã trả hết tiền vay ngân hàng, mua đất sản xuất, làm nhà mới, sắm nhiều trang thiết bị hiện đại. Một trong những địa bàn chuyển biến mạnh về bức tranh “nông thôn mới” nhờ XKLĐ là huyện Lâm Hà. Phó Chủ tịch UBND huyện này - ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ với PV Báo Lâm Đồng: Nhờ XKLĐ mà người trên địa bàn huyện chúng tôi thu nhận được nhiều ích lợi, như xóa nghèo làm giàu, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức lao động chuyên nghiệp, mở rộng quan hệ xã hội để học hỏi từ bạn bè.
 
Nhưng, điều lớn hơn và mang ý nghĩa lâu dài hơn mà XKLĐ đưa lại chính là đất nước và tỉnh có một nguồn nhân lực tay nghề tinh thông, tác phong lao động chuyên nghiệp, chứ không dừng lại giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Ở tỉnh Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã được tỉnh xác định là 1 trong 9 mũi nhọn phát triển kinh tế. Theo đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được Chính phủ quyết định là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia. Cùng với các DN chủ động tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài, tỉnh cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức của các nước để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong số đó, văn bản đã ký kết với phía Nhật Bản những đơn hàng hàng trăm lao động tại Nhật Bản, tiến đến chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm 2015, ngành LĐTB&XH đặt mục tiêu đạt 50% số XKLĐ làm việc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Vấn đề đặt ra là cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ lao động làm việc ở nước ngoài khi họ hết hạn hợp đồng trở về. Chúng tôi rất tán đồng ý kiến của Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ dầu khí Sài Gòn Nhân Lực (đơn vị mỗi năm giới thiệu hàng ngàn người LĐXK, trong đó rất nhiều NLĐ Lâm Đồng)-bà Dương Thị Thu Cúc. Bà thẳng thắn nói: Thực tế tại các DN ở nước ngoài cho thấy NLĐ của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, từ tính cách, phong cách đến kỹ năng sống và tính chuyên nghiệp… Địa phương cần có chính sách và kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng lao động đối với những hợp đồng XKLĐ về nước. Ở phương diện khác, để công tác XKLĐ phát triển có hiệu quả, thực sự “ích nhà lợi nước”, các ngành liên quan như giáo dục, nông nghiệp,…, các địa phương phải có kế hoạch giáo dục dạy nghề gắn với định hướng XKLĐ, nhất là những học sinh không có khả năng đỗ đại học. 
 
Không thể phủ nhận, lĩnh vực XKLĐ đã có nhiều tác động rất tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương, đặc biệt là quá trình xây dựng “nông thôn mới”.
 
ĐẠO PHAN