MTTQ Đơn Dương tham gia xây dựng nông thôn mới

09:01, 16/01/2015

Trong 5 năm qua, MTTQ huyện Đơn Dương và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình, các cuộc vận động, góp phần quan trọng giúp Đơn Dương đạt được nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Đơn Dương là huyện miền núi nằm phía Đông của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên trên 61 ngàn ha, dân số trên 98 ngàn nhân khẩu, nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, MTTQ huyện Đơn Dương và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình, các cuộc vận động, góp phần quan trọng giúp Đơn Dương đạt được nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới.
 
Những con đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương
Những con đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng
ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương
 
Nổi bật nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ, mục đích, ý nghĩa, từ đó tự nguyện đóng góp tiền của, công sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Thống kê từ năm 2010 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến 66.630m2 đất, đóng góp 18,7 tỷ đồng và trên 31 ngàn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều hạng mục công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn Đơn Dương như: hoàn thành 505km đường bê tông trục xã, thôn, ngõ xóm; trong đó, đường nhựa dài khoảng 100km, láng trục hơn 8,2km, bê tông xi măng hơn 45,5km, xây dựng kiên cố hóa 77,4km kênh mương… với tổng trị giá đầu tư khoảng 162 tỷ đồng.
 
Xác định là huyện thuần nông, hệ thống MTTQ từ huyện xuống cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, trong đó chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, các tiêu chí của chương trình nông thôn mới. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng nông sản tại Đơn Dương. Toàn huyện đã thành lập 23 tổ hợp tác kinh tế tập thể, hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 10 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác hoạt động rất hiệu quả, là cầu nối giúp nhân dân tiếp cận kỹ thuật, vốn, giống và đầu ra cho nông sản tại các chợ lớn, trung tâm thương mại Sài Gòn và các tỉnh.  
 
Ngoài ra, MTTQ các cấp trong huyện tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng rất cao. Những năm qua, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã ủng hộ “Quỹ cứu trợ đồng bào bị thiên tai” trên 536 triệu đồng, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên 3 tỷ đồng. Triển khai xây dựng được 122 căn nhà cho người nghèo, sửa chữa 7 căn nhà đại đoàn kết, 2 căn nhà tình thương và 709 căn nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã góp phần giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn… ổn định cuộc sống.
 
Phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa cũng được MTTQ chú trọng quan tâm, đẩy mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Nổi lên là phong trào xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp” được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. 100% khu dân cư cam kết thu gom, xử lý rác thải tại nhà, không xả rác ra đường, trồng hoa, cây xanh ven đường, quanh nhà tạo cảnh quan môi trường đẹp và thông thoáng. 
 
Quá trình vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới của MTTQ đã góp phần đưa Đơn Dương hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới, 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và 5 xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên.  
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thành Được - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đơn Dương cho rằng: Để chủ trương, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy (nói chung) và chương trình xây dựng nông thôn mới (nói riêng) đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức là việc làm cần thiết trước tiên. Bên cạnh đó, xác định MTTQ phải là nòng cốt phối hợp với chính quyền, đoàn thể hướng dẫn, triển khai hiệu quả Pháp lệnh 34 và quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những vấn đề bức xúc phải được quan tâm, giải quyết. Dân hỏi phải được phúc đáp trả lời thấu tình đạt lý. Khi có đơn thư kiến nghị của công dân phải được tập trung giải quyết ngay tại cơ sở. Trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cần phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân biết, nhân dân làm, nhân dân giám sát, kiểm tra và hưởng lợi. Mọi khoản đóng góp, cống hiến phải được công khai, minh bạch và động viên, tuyên dương kịp thời để nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Có như thế mới tạo nên thành công trong các phong trào, các cuộc vận động trong giai đoạn hiện nay.
 
NGUYỆT THU