Người xây dựng mô hình "Nước sạch và vệ sinh môi trường" cho phụ nữ nghèo

09:01, 22/01/2015

Mô hình "Phụ nữ giúp nhau xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường" ngay sau khi được triển khai thành công tại thôn Ninh Đại, xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) đã được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và thiết thực của mô hình...

Mô hình “Phụ nữ giúp nhau xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường” ngay sau khi được triển khai thành công tại thôn Ninh Đại, xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) đã được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và thiết thực của mô hình. Người đã dày công triển khai xây dựng mô hình giúp cho nhiều phụ nữ nghèo có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh sử dụng hàng ngày là một người phụ nữ hiền lành, giản dị, luôn suy nghĩ, trăn trở vì đời sống chị em hội viên…
 
Tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Cát Tiên, nguồn nước ngầm thường bị nhiễm phèn khiến cho người dân ít có lựa chọn về nguồn nước sử dụng, nhất là đối với người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại cũng như đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
 
Sinh sống tại địa bàn xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện và gắn bó nhiều năm với công tác Hội Phụ nữ, chị Vũ Thị Phương có điều kiện đi đến hầu hết các gia đình chị em hội viên trong xã để tuyên truyền, vận động chị em tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các chương trình, hoạt động của tổ chức hội. Gần gũi, chia sẻ với đời sống chị em hội viên, chị càng xót xa khi thấy nhiều gia đình chị em phải sử dụng nguồn nước vẩn đục từ các giếng đào do bị nhiễm phèn hoặc bị ngập úng trong mùa mưa. Những trăn trở, lo lắng của chị như càng nhân lên gấp bội khi gặp chung suy nghĩ với chị em hội viên. Ý nghĩ cần phải giúp chị em xây dựng bể lọc nước để có nguồn nước sạch sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe đã thôi thúc chị tìm ra giải pháp. Đem suy nghĩ của mình chia sẻ với chị em trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã, chị đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao. Vậy là mô hình “Phụ nữ giúp nhau xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường” ra đời và được triển khai thực hiện đầu tiên tại thôn Ninh Đại.
 
Để mô hình được thực hiện, chị Phương còn dành nhiều thời gian để đi vận động, giải thích cho hội viên hiểu rõ về lợi ích thiết thực của mô hình đối với đời sống của mỗi gia đình, nhất là trong việc bảo vệ sức khỏe. Tổ “Phụ nữ giúp nhau xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường” tại Chi hội Phụ nữ thôn Ninh Đại có tất cả 14 chị tham gia. Mỗi tháng các chị đóng góp mỗi người 300 nghìn đồng để giúp cho một chị xây dựng giếng nước, bể đựng nước, bể lọc nước và nhà vệ sinh tự hoại.
 
Với hình thức đóng góp này, mỗi chị trong tổ đều có trách nhiệm dành tiền mỗi tháng để giúp nhau. Các chị cố gắng gom góp hoặc vay mượn thêm để xây dựng công trình giếng nước, nhà vệ sinh cho hoàn chỉnh, sạch đẹp với mức kinh phí từ 8 đến 12 triệu đồng. Đối với những chị có hoàn cảnh khó khăn thì tổ chức Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp cho chị em được vay các nguồn vốn ưu đãi. Nhờ vậy mà với nhiều chị em hội viên nghèo ở thôn Ninh Đại, xã Nam Ninh, để có được khoản chục triệu đồng xây dựng các công trình này là không tưởng, nhưng với tinh thần tương thân tương ái khi tham gia thực hiện mô hình, các chị đã giải quyết được vấn đề khó khăn về kinh phí khi xây dựng công trình giếng nước, nhà vệ sinh đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Từ thành công của mô hình ở Chi hội Phụ nữ thôn Ninh Đại, chị Phương đã nhân rộng thực hiện mô hình ở chi hội thôn Ninh Thượng và đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của chị em. Với các chị em hội viên, ai ai cũng đều công nhận mô hình “Phụ nữ giúp nhau xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường” thật sự rất thiết thực đối với đời sống chị em, nhất là với những chị em nghèo và thuộc diện cận nghèo.
 
Ngân Hậu