Nguyên sơ Liang Scat

08:01, 02/01/2015

Khi tôi ngỏ lời muốn đến thăm và tìm hiểu Liang Scat (trong ngôn ngữ K'Ho, Liang là ngọn thác, còn Scat là danh từ riêng) ở Khu kinh tế II, xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), chị Ka Phíp (trú tại thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa) không ngần ngại: "Để tôi đưa anh đi. Địa bàn này tôi quá rành!". 

Khi tôi ngỏ lời muốn đến thăm và tìm hiểu Liang Scat (trong ngôn ngữ K’Ho, Liang là ngọn thác, còn Scat là danh từ riêng) ở Khu kinh tế II, xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), chị Ka Phíp (trú tại thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa) không ngần ngại: “Để tôi đưa anh đi. Địa bàn này tôi quá rành!”. 
 
Trong hình dung ban đầu của tôi, Liang Scat cũng như phần đông những ngọn thác hùng vĩ ở Tây Nguyên, nghĩa là sẽ có những cột nước khổng lồ từ trên cao ầm ầm đổ xuống thung sâu một cách mạnh mẽ và ồn ào giữa rong rêu rừng già. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, Liang Scat nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rẫy cà phê và khá tĩnh lặng với những bậc thang đá rêu phong dấu thời gian. Dọc dài ngọn thác là đôi bờ thảo mộc xanh tươi và người nông dân vẫn đang miệt mài vun xới, chăm bẵm cho những vụ mùa cà phê trĩu cành. Trao đổi cùng người nông dân, tôi nhận thấy, công năng duy nhất của Liang Scat giờ đây chỉ là dùng để bơm nước phục vụ việc tưới cây cà phê, chứ rất ít người biết đến câu chuyện thú vị của người K’Ho cùng những giá trị nguyên thủy mà ngọn thác đã mang lại cho sắc dân sinh sống dọc theo ngọn thác. Còn tôi, tôi lại quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện mang yếu tố truyền kỳ về ngọn thác, sau khi đã tự cho phép mình thả bộ thong dong trên những phiến đá, ngắm nghía, chụp ảnh rồi vu vơ tận hưởng cái cảm giác thật trong lành tỏa lan từ sương trời, khí núi bàng bạc. 
 
Liang Scat
Liang Scat
 
Bà Ka Bểu cho biết: “Người K’Ho xưa nay luôn xem Liang Scat như một tặng phẩm của Yàng. Thác không chỉ là nơi để người K’Ho sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn gắn liền với một câu chuyện cổ, kể về đôi trai gái K’Ho đem lòng thương yêu nhau. Mặc dù cả hai người đều đã có vợ, có chồng”. 
 
Chuyện xưa kể lại rằng, tuy đã lập gia đình, nhưng cả hai cuộc hôn nhân trước không dựa trên nền tảng tình yêu, mà chịu sự ràng buộc, chi phối của việc ép duyên, nên đời sống vợ chồng không thể trọn vẹn là điều tất yếu. Ngày nọ, chàng trai và cô gái kia gặp nhau rồi đem lòng yêu mến. Và, một khi trái tim đã cùng nhịp đập, con mắt đã tìm thấy nhau, cái tai đã nghe hiểu nhau, cái bụng đã ưng thuận nhau, cô gái và chàng trai quyết hẹn nhau cùng về bên ngọn Liang Scat nguyện thề, kết dính duyên nợ phu thê, trăm năm hạnh phúc. Đêm đại ngàn thâm u, hoang dã, ánh trăng vàng trong như mật. Bên dòng suối, tiếng nước không ngừng âm vang đồng vọng hòa trong tiếng côn trùng rỉ rả ngân nga. Trăng trên trời vẫn vàng trong như mật, tiếng suối vẫn không ngừng âm vang, cô gái và chàng trai ra hiệu cho nhau bằng âm ngữ tình yêu. Những dự định tươi đẹp cho ngày mai của đôi lứa bắt đầu. 
 
“Song, thời ấy, hành vi này của đôi trai gái K’Ho là một chuyện... động trời”, bà Ka Bểu giải thích và cho biết thêm: “Trong xã hội, để đảm bảo sự ổn định và bền vững, những quy định ràng buộc trong hôn nhân là điều cần thiết. Bởi vậy, dù sống giữa núi rừng hoang vu, nhưng gia đình người K’Ho chưa bao giờ xảy ra cảnh ly hôn, tan đàn xẻ nghé. Ngoại tình không có chỗ trong xã hội người K’Ho. Cộng đồng người K’Ho luôn giáo dục con cái mình không được sống buông thả, mà phải giữ gìn sự trong trắng cho đến khi lấy chồng”. 
 
“Chuyện tình giữa đôi trai gái này tuy rất đẹp, nhưng cũng khó mà được sự chấp thuận của cộng đồng. Vì vậy, chàng trai và cô gái không thể không chịu sự trừng trị nghiêm khắc của luật tục”, bà Ka Bểu tỏ rõ sự chia sẻ. Rồi bà kể tiếp: “Khi chuyện bị vỡ lở, một cuộc họp khẩn cấp giữa các thành viên trong gia đình hai bên nội ngoại của đôi trai gái nhanh chóng được triệu tập để tiến hành xét xử. Tất nhiên, công việc xét xử cũng không thể thiếu mặt các thành viên trong Hội đồng già làng”. Cũng theo lời bà Ka Bểu, cuộc phân xử diễn ra hết sức gay cấn, kéo dài trong 7 ngày 7 đêm, đến nỗi chỗ đặt chóe rượu cần và bình đựng nước suối để châm nước vào chóe rượu cần lún xuống, hằn rõ dấu tích trên đá, thì mới phân xử xong. Hội đồng già làng đã định tội, chàng trai phạm 6 tội và cô gái mang tội ít hơn, chỉ 4 tội. Điều kỳ lạ là vết tích về việc lượng hình của Hội đồng già làng vẫn còn tồn tại đến ngày nay... Hội đồng già làng còn buộc đôi trai gái K’Ho phải trả lại số lễ vật mà trước đó họ đã nhận của vợ hoặc chồng mình rồi mới được phép về ở cùng nhau. Câu chuyện dân gian kia vẫn tiếp tục sống trong đời sống đương đại, vẫn ngày đêm rỉ rả trò chuyện cùng trí tưởng tượng bay bổng của con người. 
 
Tôi chưa dám nghĩ và hình dung, một ngày nào đó Liang Scat sẽ là cầu nối mở hướng cho du khách đến với Khu kinh tế II của xã Đinh Trang Hòa. Bởi, hiện tại, ngoài vẻ hoang sơ và câu chuyện tình của đôi trai gái K’Ho, cơ sở vật chất ở Liang Scat vẫn là con số không. Nhưng biết đâu, nếu được chính quyền sở tại và ngành chức năng có những giải pháp đầu tư dài hơi về cơ sở vật chất, các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại..., trong tương lai, nơi đây biết đâu lại trở thành điểm tham quan thú vị.
 
TRỊNH CHU