Năm nay vừa tròn 60 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Sơn đã có hơn 15 năm giữ vai trò là cán bộ bảo vệ trực tiếp của tổ 1 và 2 cụm 1, phường 4, thành phố Đà Lạt.
Năm nay vừa tròn 60 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Sơn đã có hơn 15 năm giữ vai trò là cán bộ bảo vệ trực tiếp của tổ 1 và 2 cụm 1, phường 4, thành phố Đà Lạt.
Là đảng viên, chi ủy viên, phó ban bảo vệ dân phố của phường, ông luôn ý thức trách nhiệm của mình. Ông luôn chủ động trong việc phối kết hợp với lực lượng công an, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương và tham gia giải quyết hơn 100 vụ ẩu đả, đánh nhau, gây rối trật tự, đánh người gây thương tích, tranh chấp đất đai mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ông đã trực tiếp chủ động điện báo hơn 50 vụ trộm, cướp giật trên địa bàn, góp phần cùng lực lượng an ninh thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại; tịch thu gần 35 hung khí như dao lê, mã tấu và công cụ hỗ trợ của các đối tượng manh động giao cho công an phường. Ông còn tham gia giải quyết những vụ lấn chiếm lòng lề đường, gây mất cảnh quan sạch đẹp của thành phố với thái độ mềm dẻo, nhưng cương quyết, được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hằng đêm, ông cùng các đội viên bảo vệ của tổ dân phố tuần tra trong những thời gian cao điểm, kịp thời phát hiện những tên trộm, cướp giật diễn ra trên địa bàn. Ông chủ động nắm bắt tình hình và đề xuất hướng giải quyết kịp thời làm cho tình hình an ninh, trật tự trong tổ dân phố ngày càng ổn định.
Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, ông Nguyễn Văn Sơn từng là liên lạc viên cho Đại đội 1, Trung đoàn 33 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khi mới 14 tuổi; là Xã đội trưởng xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. Năm 1974, đơn vị của ông đã phối kết hợp với bộ đội địa phương đánh đồn 302 tại xã Suối Nghệ. Ông Nguyễn Văn Sơn là người trực tiếp tháo gỡ mìn, dây thép gai để bộ đội đánh đồn. Nhiều mảnh đạn ghim vào thái dương; phần bụng, mông, hai chân của ông đều bị thương nặng, đồng đội đã đưa ông về Quân y viện huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chữa trị. Sau khi ra viện, ông tiếp tục làm xã đội trưởng cho đến năm 1988.
Ông Nguyễn Văn Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là Nguyễn Văn Mỹ, thiếu tá quân báo, năm 1954 được cài lại hoạt động ở địa phương. Năm 1967, trong khi chiến đấu ở địa đạo xã Kim Long, huyện Châu Đức, ông bị xe tăng địch cày ủi cán chết. Anh trai là Nguyễn Văn Sanh, công an Khu 6 đã hy sinh trong lúc chiến đấu. Chị gái là Nguyễn Thị Trang, y sĩ quân y hy sinh ở Mây Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong khi đang làm nhiệm vụ. Gia đình ông gồm cha, anh và chị đều là liệt sĩ. Mẹ của ông là cán bộ phụ nữ xã Hắc Dịch huyện Châu Đức trở thành Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bản thân ông Nguyễn Văn Sơn là thương binh nên ông phải nghỉ việc để dành thời gian phát rẫy làm nương nuôi mẹ và em trai. Em trai của ông bây giờ đã có gia đình và đảm đương vai trò Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu.
Năm 1989, ông Nguyễn Văn Sơn lên Đà Lạt kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Thanh, có với nhau 1 con gái. Cháu hiện đang là sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thành phố Hồ Chí Minh. Và cũng chừng ấy năm ngoài công việc gia đình, ông Nguyễn Văn Sơn luôn dành thời gian cho công việc bảo vệ dân phố. Với những thành tích đạt được, ông vinh dự được tặng Kỷ niệm chương “Vì an ninh Tổ quốc” do đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an ký.
Đây là niềm hạnh phúc giúp ông yên tâm hơn trong công việc của mình. Ông là một trong những cán bộ đảng viên gương mẫu luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, một cán bộ bảo vệ luôn tận tụy trong công việc và được cán bộ và bà con nhân dân trong tổ dân phố 2, phường 4, thành phố Đà Lạt quý mến và tin cậy.
TRẦN TRỌNG VĂN