Nỗ lực giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực đất đai

08:01, 07/01/2015

Kể từ khi Luật Đất đai được ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Luật Đất đai, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn Luật Đất đai và hoàn thiện bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai mới…

Kể từ khi Luật Đất đai được ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Luật Đất đai, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn Luật Đất đai và hoàn thiện bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai mới…
 
Các vấn đề về đất đai vẫn luôn “nóng” trong lĩnh vực TNMT
Các vấn đề về đất đai vẫn luôn “nóng” trong lĩnh vực TNMT
 
Sở TNMT đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và hoàn chỉnh Trung tâm Bồi thường và phát triển quỹ đất (TTBT-PTQĐ) cấp 1 có chi nhánh ở các huyện. Đầu năm 2014, sau khi công bố Quy hoạch Sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020 và Kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu 2011-2015 của tỉnh, Sở TNMT đã thẩm định hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch và Kế hoạch SDĐ của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Kế hoạch SDĐ cấp huyện năm 2015 và đã được HĐND tỉnh phê duyệt ngày 10/12/2014; trình UBND và HĐND tỉnh danh mục các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh… Năm 2014, các địa phương trong tỉnh đã cấp trên 7.000 giấy chứng nhận đất nông nghiệp và đất ở nông thôn, đất ở đô thị, với diện tích trên 2.500ha; thẩm định các loại hồ sơ đất đai cho khoảng 29 ngàn trường hợp… Hoàn thành thẩm định và cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu (theo Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đúng thời gian quy định với trên 95% diện tích đất trên địa bàn được cấp giấy.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật Đất đai, đã xuất hiện những vấn đề bất hợp lý, hoặc không phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở TNMT lấy ví dụ: TTBT-PTQĐ cấp huyện nên trực thuộc UBND cấp huyện (như trước đây), vì công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng (BT-GPMT) và cưỡng chế thu hồi đất là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị; ngoài ra, giải phóng mặt bằng các công trình do huyện làm chủ đầu tư, hoặc tạo quỹ đất để thu ngân sách cho cấp huyện… cần huy động các lực lượng của chính quyền và đoàn thể xã hội tham gia, từ chuyên môn, tư pháp, an ninh… đến tuyên truyền, thuyết phục… do vậy, TTBT-PTQĐ trực thuộc UBND cấp huyện thì hợp lý hơn và huyện mới chỉ đạo được. Hoặc, việc thành lập mới Văn phòng đăng ký 1 cấp có nhiều chức năng mới, như thêm phần xác định giá đất và BT-GPMB (trước đây do cơ quan tài chính phụ trách), do vậy, lượng đơn khiếu nại thuộc trách nhiệm của ngành tăng lên, nhưng Bộ lại chủ trương không tăng biên chế, nên anh em làm việc rất vất vả, áp lực… 
 
Thực hiện Dự án hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, toàn tỉnh đã đo đạc bản đồ địa chính chính quy 65/147 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng diện tích trên 151 ngàn ha, đạt gần 15,5% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Do hiện nay, còn tới hơn một nửa xã (95/147) sử dụng bản đồ địa chính thực hiện theo quy trình cũ, nên không thể dùng để chỉnh lý phục vụ công tác kiểm kê đất đai được, ngành TNMT tỉnh cũng đề nghị Bộ TNMT sớm cung cấp ảnh viễn thám và bình đồ ảnh viễn thám cho địa phương để phục vụ cho công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng năm 2015… Tính riêng năm 2014, toàn tỉnh đã kê khai được 9.924 thửa đất/3.236ha và đã được xét duyệt; nâng tổng số thửa đất được kê khai trong toàn tỉnh lên hơn 1 triệu và toàn bộ số thửa đất đã kê khai này được cấp GCNQSDĐ. Tỉnh cũng thực hiện thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai 2 đơn vị cấp huyện là Đà Lạt và Đức Trọng, với kết quả: 16/16 đơn vị hành chính cấp xã thuộc Tp. Đà Lạt và 9/15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đức Trọng đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, triển khai thí điểm việc xây dựng dữ liệu phục vụ quản lý đất nông nghiệp trong lâm nghiệp tại xã Tà Nung (Đà Lạt) và Đa Nhim (Lạc Dương)…
 
Dù ngành TNMT tỉnh Lâm Đồng đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, nhưng trong năm 2014, có tới 349 đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó, có 179 đơn đủ điều kiện xử lý, gồm khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, tranh chấp về đất đai…, đã giải quyết được 156 đơn, đạt trên 87%. Ngành TNMT cũng tiến hành thanh tra được 10 đơn vị về quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường, phát hiện một số đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, chưa làm các thủ tục thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; đồng thời kiến nghị xử phạt 40 triệu đồng đối với 1 đơn vị và thu hồi 28,5ha đất do đơn vị giao khoán cho các hộ dân… Ông Phúc cho biết thêm: Trong năm 2015, ngành tăng cường thực hiện cải cách hành chính, tiếp tục cập nhật, đổi mới một số nội dung trên website của Sở để giảm phiền hà và thông tin đến nhân dân và doanh nghiệp được nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhận được sự đồng thuận cao hơn của các cá nhân, đơn vị trong lĩnh vực đất đai nói riêng và TNMT nói chung.
 
Lê Hoa