Một ngày cuối năm 2014, tôi thẳng tiến về hướng những cánh rừng Đa Nhim thuộc địa phận các xã Đạ Sar, Đạ Chair, Đạ Nhim của huyện Lạc Dương. Mục đích chuyến đi của tôi là không chỉ tìm hiểu những cánh rừng phía đầu nguồn này được bảo vệ ra sao mà còn tìm hiểu đời sống của bà con sống bên trong những cánh rừng ấy, sống gắn bó mật thiết với những cánh rừng ấy hiện như thế nào...
Một ngày cuối năm 2014, tôi thẳng tiến về hướng những cánh rừng Đa Nhim thuộc địa phận các xã Đạ Sar, Đạ Chair, Đạ Nhim của huyện Lạc Dương. Mục đích chuyến đi của tôi là không chỉ tìm hiểu những cánh rừng phía đầu nguồn này được bảo vệ ra sao mà còn tìm hiểu đời sống của bà con sống bên trong những cánh rừng ấy, sống gắn bó mật thiết với những cánh rừng ấy hiện như thế nào. Hơn thế, đây là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc căn cứ kháng chiến và nay thuộc đối tượng ưu tiên giải quyết đời sống kinh tế - xã hội bằng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cùng đi với tôi là anh Trịnh Xuân Tự - Phó Trưởng ban Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Buổi trưa cuối đông, xứ sở Đồng Mang, Đưng Tvó, Klong Klăn... của đất Đạ Chair lạnh buốt. Dọc hai bên đường từ Đà Lạt vào dài mấy chục cây số, những cánh rừng thông lặng lẽ đứng trong rét buốt nhưng xem ra khá... ung dung, tự tại.
|
Anh Konsơ Ha Nhơng được đánh giá là một trong những người giữ rừng đầu nguồn Đa Nhim có hiệu quả |
Chân trần in dấu, rừng còn
Nhờ liên lạc qua điện thoại nên đúng trưa, khi tôi vào đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Đạ Chair cũng là lúc anh Konsa Ha Nhơng tổ trưởng tổ nhận khoán rừng của Ban QLBVR Đa Nhim cũng vừa từ rừng về đến nơi. Konsa Ha Nhơng bảo sáng nay anh lên rừng rất sớm bởi chiều còn phải tranh thủ đi hái mấy tạ cà phê theo hợp đồng miệng với người thu mua. Mùa này, cà phê đang được thu hoạch nên bà con ở Đạ Chair ai ai cũng bận rộn. Ha Nhơng cũng vậy, nhưng không thể vắng những bước chân lên rừng. “Có cái chân trần in dấu, rừng được khẳng định có chủ, là rừng còn. Không thế, lâm tặc vào khai thác, mình phải chịu trách nhiệm. Vì Nhà nước đã giao cho mình, rừng bị phá, cái đồng tiền mình nhận không còn được... “sạch sẽ”, thậm chí còn bị phạt” - anh Ha Nhơng nói. Cũng theo anh, ngoài mỗi tuần cắt cử người đi tuần tra hai ngày cùng với cán bộ lâm nghiệp, tổ của anh cũng như tất cả các tổ nhận khoán rừng ở Đạ Chair đều có người tuần tra rừng hằng ngày. Tổ nhận khoán của Ha Nhơng gồm 18 hộ, nhận khoán 486ha rừng. “Rừng ở đây là rừng đâu nguồn. Mình giữ cho cái ăn cái mặc của mình đã đành, mà còn giữ cho cái nước ở phía hạ nguồn nữa!” - Ha Nhơng tỏ ra thông thạo.
Tôi nhớ lại, tại một buổi làm việc với cán bộ huyện Lạc Dương gần đây, ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - đã nói: “Làm thế nào đó để con đường 723 nằm trên địa phận Lạc Dương từ Đà Lạt đến Khánh Hòa qua đèo Hòn Giao, thuộc rừng đầu nguồn Đa Nhim này trở thành “con đường xanh” đẹp nhất nước!”. Tôi nghĩ đó không chỉ là một mệnh lệnh mà còn là một lời căn dặn chân tình đối với lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng rằng hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến bà con dân tộc thiểu số Lạc Dương sống trong rừng, sống dọc theo tuyến lộ 723 nơi xuyên qua rừng đầu nguồn Đa Nhim từ Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chair, để bà con tự giữ rừng, giữ lấy màu xanh trên “con đường xanh” hiện đang đẹp nhất cả nước này. Sống kẹp bên tuyến lộ 723 từ Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chair của huyện Lạc Dương có đến 10.000 dân, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số Cill, CơHo, Mnông... Trong tương lai, theo quy hoạch, dọc theo tuyến lộ xuyên qua những cánh rừng đầu nguồn Đa Nhim này có khoảng 17.000 dân vào năm 2020 và 31.000 người vào năm 2030 sinh sống ở 10 điểm dân cư tập trung. Con số 31.000 người vào năm 2030 so với chưa đến 10.000 người hiện nay theo dự báo (và cả theo quy hoạch) là một con số không hề nhỏ. Bởi sự gia tăng về dân số như thế nên áp lực của những cánh rừng đầu nguồn Đa Nhim trong tương lai không hề nhỏ. Nhìn rộng ra một chút để thấy Lạc Dương là đơn vị hành chính cấp huyện nằm gọn trong rừng phòng hộ (hơn 52.834ha) và rừng đặc dụng (hơn 61.077ha). Đến hiện tại, Lạc Dương đã giao khoán QLBVR đến gần 73.000ha theo nhiều hình thức; trong đó có hơn 65.000ha được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nêu lên những con số này để thấy rằng vai trò của rừng quan trọng như thế nào đối với người Cill, người CơHo, người Mnông ở Lạc Dương.
Anh Nguyễn Văn Dân, Trưởng trạm QLBVR Đạ Chair (Ban QLBVR đầu nguồn Đa Nhim), nói với tôi: “Trạm quản lý 3.873ha rừng; gồm các tiểu khu 93, 94B, 122 và 123. Trong diện tích này, tính đến nay, Trạm đã giao khoán QLBVR 2.955ha cho 6 tổ với 116 hộ đồng bào dân tộc thiểu số các thôn Đồng Mang, Tu Pó, Long Lanh (xã Đạ Chair) và Đa Hoa (xã Đạ Nhim). Mức giao khoán là 450.000ha/năm, giao theo nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao cho 6 tổ, trung bình mỗi tổ gần 20 hộ dân”. Tôi hỏi: “Trạm chỉ có 4 anh em thì làm sao đi hết gần 4.000ha rừng trong 2 ngày mỗi tuần?”. Anh Dân chân thật: “Hết làm sao nổi, anh! Chia ra mà đi, kiểm tra chủ yếu những khu vực nóng. Còn lại, bà con nhận khoán kiểm tra, có thể hộ có rẫy ở gần đó vừa làm vườn vừa kiểm tra kiểm soát rừng. Mỗi tổ ngày nào cũng cắt cử người để đi tuần. Nhờ vậy mới quán xuyến khắp lượt. Bà con tích cực lắm! Hiệu quả thực sự, anh ạ!”.
|
Tung tăng bước chân trẻ vùng sâu Đạ Chair đến trường dưới sự chở che của những cánh rừng |
Gắn với rừng
Còn nhớ hồi tôi vào K’long K’lăn (nay đọc chệch thành Long Lanh, một trong các thôn của xã Đạ Chair) cách nay hơn hai chục năm, già làng K’Siêng đã huy động hơn hai chục trai làng kéo gỗ rừng làm thành chiếc cầu tạm bắc qua suối Đưng Tvó để lai dắt chiếc honda cà tàng của tôi qua. Hôm ấy, sau trận lũ nguồn, nếu không có những cây gỗ rừng cổ thụ trôi dạt theo dòng nước xiết, tôi không hiểu sẽ phải làm thế nào để băng qua được con suối mới ngày hôm trước chỉ cạn đến trên mắt chân cá và giờ đã ngập lút đầu. Nói cách khác, người dân nơi thượng nguồn Đa Nhim này, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống đều gắn với rừng. Hôm ấy, Liên và Chung - hai cô giáo trẻ tình nguyện vào vùng sâu K’long K’lăn (vũng nước có con trăn nằm) - với ánh mắt ái ngại nhìn theo hai nhà báo đã làm tôi cầm lòng không đặng. Xem ra, với bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện, kể cả với những cơn thịnh nộ của đất trời, cũng đều biết cách ứng phó phù hợp. Bởi vậy, nay nghe Ha Nhơng bảo “Không chỉ là giữ cho cái rừng có con đường xuyên qua này là “con đường xanh” đẹp nhất nước mà còn giữ cho cái nước ở phía hạ nguồn không cạn kiệt”, tôi thực sự bất ngờ về bước phát triển vượt bậc trong nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Và điều quan trọng nữa là khi nhận giao khoán QLBVR những khu rừng phía thượng nguồn Đa Nhim này, đời sống của bà con được cải thiện như thế nào? Phó ban BQLBVR đầu nguồn Đa Nhim Trịnh Xuân Tự cho biết: “Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, việc giao khoán rừng không theo kiểu “chiếc bánh” như trước. Với cách làm này, người dân phải tích cực đóng góp vào việc giữ một cách thực sự mới được hưởng một khoản lợi. Ví dụ như đối với hộ bà Dơnggu Ka Jơm 55 tuổi ở thôn Tu Pó, bản thân bà đau yếu, chồng bỏ đi nơi khác sinh sống, cuộc sống của bà hết sức khó khăn, không có lao động chính để đứng ra nhận rừng; nhưng bà vẫn được Trạm QLBVR Đạ Chair xem xét cho nhận 23ha rừng bởi bà có con gái và con rể có khả năng QLBVR. Trước, gia đình bà Ka Jơm khó khăn đến nỗi thường xuyên thiếu gạo ăn. Nay, sau vài năm nhận QLBVR theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những cái ăn đã được giải quyết mà bà còn mua được cả xe máy để chạy và cất lại nhà để ở cho khang trang hơn. Hoặc như trường hợp ông Dơnggu Ha Tang ở thôn Đồng Mang cũng vậy. Trước đây, gia đình ông thuộc diện chính sách nhưng hai ông bà già yếu, không làm lụng gì được nên quanh năm thiếu đói. Nếu theo quy định thì ông bà Ha Tang không thuộc diện được giao khoán rừng kiểu mới vì không có lao động. Tuy nhiên, ông ký kết với bên lâm nghiệp là cứ giao rừng cho ông, ông chịu trách nhiệm hằng ngày nhờ con hoặc cháu cùng đi tuần tra với anh em trong tổ, với anh em của Trạm QLBVR Đạ Chair. Đúng như vậy, những năm đầu nhận rừng, ngày nào ông cũng nhờ những đứa cháu của mình đi tuần với bà con trong tổ nhận khoán. Một hai năm sau này, khi con gái của ông có chồng, anh chàng ở rể là lao động chính chịu trách nhiệm bảo vệ rừng cho BQLBVR Đa Nhim.
Konsơ Ha Nhơng kể với tôi: “Mấy tổ nhận khoán QLBVR ở đây ai ai cũng vậy hết. Hằng ngày tổ trưởng đứng ra cắt cử người đi tuần tra rừng. Cứ mỗi tuần hai ngày đi tuần với cán bộ lâm nghiệp. Nếu hộ nào không đi thì đến kỳ nhận tiền, chúng tôi trừ 100.000 đồng, tự bà con chúng tôi đặt ra quy định này. Bởi vậy, từ trước đến giờ, không mấy hộ gia đình nhận khoán nào dám bê trễ”. Tôi tìm gặp Bonđưng Mạnh Đạt, một chàng trai còn khá trẻ quê gốc ở xã Lát, huyện Lạc Dương. Hỏi: “Sao “lưu lạc” đến tận trong này? Ở rể chắc?”. Bonđưng Mạnh Đạt “Dạ! Hồi đó cháu học ở trường nội trú của huyện. Vợ cháu lúc đó cũng học nội trú...”. Vậy là chàng trai Bonđưng Mạnh Đạt của xã Lát phải theo vợ là Kađơn Ka Jum “lội” vào Tu Pó của xã Đạ Chair xa những gần trăm cây số để ở rể. Ở rể được thời gian ngắn thì gia đình nhỏ gồm một vợ và hai con của Bonđưng Mạnh Đạt tách hộ. Khi tách hộ, Bonđưng Mạnh Đạt được bố mẹ vợ cho được 5 sào cà phê, cộng với hơn 20ha rừng nhận khoán, đời sống kinh tế của đôi vợ chồng trẻ này khá ổn.
Tính riêng ở xã Đạ Chair thì số hộ nhận khoán chỉ ở con số 116 hộ với 2.955ha rừng, còn tính rộng ra cả huyện Lạc Dương thì có hơn 1.000 hộ được nhận quản lý trên dưới 31.000ha trong tổng số gần 45.000ha do Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Có lẽ, con số chỉ mới nói lên một phần của vấn đề, mà quan trọng là việc làm thay đổi cả một nhận thức về QLBVR để từ đó những cánh rừng, nhất là những cánh rừng như rừng đầu nguồn Đa Nhim, được giữ gìn. Tôi rời Đạ Chair, rời khỏi cánh rừng đầu nguồn Đa Nhim, và chợt nhận ra nắng xuân vừa chạm cửa những ngôi nhà với chủ nhân là những đôi chân trần từ đời này sang đời khác gắn với rừng.
Phóng sự: Khắc Dũng