Rừng Lộc Tân đã… hạ "nhiệt"!

09:01, 28/01/2015

Những năm 2006 - 2009, rừng Lộc Tân (Bảo Lâm) từng được xem là "điểm nóng" phá rừng. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, sau hàng loạt giải pháp và chính sách hỗ trợ đời sống cho người dân nơi đây được triển khai, rừng Lộc Tân giờ đã… hạ "nhiệt"!

Những năm 2006 - 2009, rừng Lộc Tân (Bảo Lâm) từng được xem là “điểm nóng” phá rừng. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, sau hàng loạt giải pháp và chính sách hỗ trợ đời sống cho người dân nơi đây được triển khai, rừng Lộc Tân giờ đã… hạ “nhiệt”!
 
Lộc Tân rộng 13.700ha thì có hơn 8.300ha rừng (chiếm gần 60%). Trong đó, khoảng 4.000ha rừng được giao cho các đơn vị nhận khoán, chăm sóc và bảo vệ; phần còn lại giao cho hơn 230 hộ và nhóm hộ đồng bào DTTS của xã nhận khoán quản lý bảo vệ. Trước năm 2010, do một số công ty lâm nghiệp không thực hiện đúng quy định trong giấy phép đầu tư, không triển khai trồng rừng mà chỉ tập trung khai thác, tạo cơ hội cho các phần tử xấu xúi giục, khiến bà con dân tộc ở thôn 6 - Lộc Tân (buôn Đạ Tồn) rủ nhau đi phá rừng, phát quang làm rẫy. Có thời điểm, diện tích rừng bị phá lên đến hơn 14ha. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm trước. Kể từ năm 2011, khi Đảng ủy và Chính quyền xã thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND của UBND huyện Bảo Lâm về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, thì tình hình phá rừng tại một số “điểm nóng” dần dần được khắc phục. 
 
Chốt BQL rừng cụm Đạ Tồn giữa khu vực giáp ranh 2 xã B’Lá và Lộc Tân
Chốt BQL rừng cụm Đạ Tồn giữa khu vực giáp ranh 2 xã B’Lá và Lộc Tân
 
Theo Chủ tịch UBND xã Cù Tuấn Ngạn, những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh tình trạng phá rừng tập thể trước đó, được thẳng thắn nhìn nhận, là thiếu sự sâu sát và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân; các đơn vị quản lý rừng không triển khai thực hiện theo đúng cam kết; Ban Lâm nghiệp xã hoạt động yếu, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm... Xác định được nguyên nhân, Đảng ủy địa phương lên kế hoạch thực hiện, giải quyết từng vấn đề một. Giải pháp đầu tiên được cấp bách triển khai, là tham mưu cho tỉnh và huyện cấp 19,5ha đất cho 51 hộ đồng bào DTTS ở buôn Đạ Tồn (gồm những hộ nghèo, cận nghèo và mới tách hộ). Khi đồng bào đã được cấp đất, xã tăng cường cán bộ chủ chốt về các Chi bộ thôn, buôn cùng sinh hoạt, vừa để sâu sát, thăm nắm, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của quần chúng ở cơ sở, tạo sự gắn kết giữa Đảng với dân; đồng thời, vừa gần gũi, thuyết phục quần chúng củng cố lòng tin vào Đảng, chính quyền, đừng đi phá rừng, đừng bán đất... mà tập trung lo trồng trọt, phát triển kinh tế. Song song đó, Ban Lâm nghiệp của xã cũng được kiện toàn, tích cực phát huy vai trò tham mưu giúp UBND xã tăng cường chức năng quản lý rừng trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị quản lý rừng tăng cường công tác quản lý và trồng rừng; vận động nhân dân tham gia chăm sóc và bảo vệ rừng. 
 
“Biết được nguyện vọng của bà con buôn Đạ Tồn muốn có con đường thôn sạch sẽ, khang trang để bớt khó khăn trong sinh hoạt, đi lại, trong các năm 2011 và 2012, xã đã bàn bạc, thống nhất sử dụng toàn bộ nguồn vốn 135 (khoảng 800 triệu đồng), thay vì phân đều về cho các thôn, tập trung nhựa hóa 2 tuyến đường thôn gần 2 km chạy dọc theo buôn Đạ Tồn” - ông Cù Tuấn Ngạn cho biết. Ngoài ra, kể từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm, xã giải quyết cho hơn 200 lao động địa phương được học nghề may và vào làm việc tại các công ty may ở Bảo Lộc, Bình Dương...; góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 xuống còn 6,5% (giảm 2% so với năm 2013). Cũng kể từ năm 2011, 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn các thôn 1, 2, 3, 4 và thôn 6 (xã Lộc Tân) được xã vận động nhận khoán, bảo vệ rừng. Hơn 4.000ha rừng đã được giao về cho 230 hộ đồng bào, chia thành nhiều nhóm hộ, chăm sóc, bảo vệ. Hàng năm, rừng mang lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/hộ. Nguồn thu này động viên bà con tích cực trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
 
 Những ngày đầu mùa khô 2015, về buôn Đạ Tồn, câu chuyện được nghe nhiều là những chuyến đi thăm rừng dài ngày của bà con. Gặp K’Tút (Tổ trưởng Tổ nhận khoán QLBV rừng thôn 6, khi ông vừa trở về từ một chuyến đi thăm rừng), ông cho biết: Thôn có 164 hộ dân thì cả 164 hộ này đều tham gia nhận khoán, quản lý bảo vệ 1.254ha rừng ở các tiểu khu 453, 454, 455. Các hộ dân này được tổ trưởng lên danh sách, chia làm 4 nhóm (mỗi nhóm 28 hộ), luân phiên đi tuần tra rừng định kỳ mỗi tuần 1 lần. Tuy nhiên, dù mới đi về mà lại nhận được tin báo có dấu hiệu của lâm tặc phá rừng, thì bà con lại cùng với cán bộ Kiểm lâm trở lại rừng. Những chuyến đi như thế kéo dài 3,4 ngày, đã trở thành công việc thường xuyên và đều đặn của những hộ dân nơi đây. 
 
Buổi trưa, ngồi trong lán trại, là một chốt dã chiến đã được dựng tạm tại điểm giao giữa rừng Đạ Tồn và rừng B’Lá, anh Trần Văn Trưởng - Trạm trưởng Trạm QLBV rừng cụm Đạ Tồn (trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri), trao đổi: “Số lượng nhân viên ở trạm khá “mỏng”, nên việc tuần tra canh gác rừng khó bao quát. Nhờ có đồng bào và những nguồn tin đồng bào cung cấp kịp thời trong những chuyến thăm rừng đã giúp chúng tôi quản lý, làm giảm đáng kể tình trạng phá rừng ở Đạ Tồn”. Đưa tay khoanh một vòng rừng phía trước, anh Trưởng nói: “Nơi đây là địa điểm lâm tặc thường xuyên qua lại để vận chuyển gỗ. Từ 3 tháng nay, nhờ Chốt này, số vụ phá rừng đã giảm đáng kể (trong cả năm 2014 chỉ xảy ra 1 vụ). Tuy tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn diễn ra, nhưng chỉ manh mún, nhỏ lẻ, không còn tình trạng phá rừng tập thể như nhiều năm trước!”.
 
HẢI UYÊN