Tết là dịp sum tụ gia đình

09:01, 29/01/2015

Thực ra, tờ lịch cuối cùng của năm 2014 đã được chính tay tôi gỡ bỏ và thay vào đấy bằng tờ lịch năm mới 2015 đỏ thắm khá lâu. Nhưng vì người Việt ăn Tết cổ truyền theo nguyệt lịch, nên cảm thức chào đón năm mới dương lịch không rộn rã, hân hoan như đón đợi Tết Nguyên đán...

Thực ra, tờ lịch cuối cùng của năm 2014 đã được chính tay tôi gỡ bỏ và thay vào đấy bằng tờ lịch năm mới 2015 đỏ thắm khá lâu. Nhưng vì người Việt ăn Tết cổ truyền theo nguyệt lịch, nên cảm thức chào đón năm mới dương lịch không rộn rã, hân hoan như đón đợi Tết Nguyên đán. Chỉ khi nhận được tin nhắn của bạn thân: “Tết đến rồi! Về quê không?”, tôi mới cảm nhận rõ hương vị Tết đang đến gần và nao nao nhớ quê da diết, như là sự nhung nhớ đợi đón đứa con xa trở về của bà mẹ quê trong thời khắc giao thừa.
 
B’Lao những ngày này, tôi quan sát thấy nhà nhà, người người đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị tinh thần, vật chất cho ba ngày Tết: May áo mới cho con, sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm nhu yếu phẩm, thu xếp công nợ... Nghĩa là lo quyết toán năm cũ để mọi việc từ năm mới lại bắt đầu. Có em học sinh thì hồi hộp, bồn chồn đi ra đi vào bóc lịch và đếm ngược ngày được nghỉ Tết. Những gia đình gốc Bắc, như một thông lệ, đã tìm đến vườn đào, tự tay mua lấy một cây đào ưng ý nhất mang về chưng Tết. Các bà nội trợ đã sửa soạn bày mấy thứ quả ra làm mứt Tết. Nhịp sống nơi đây đang trở nên gấp gáp, hối hả, như cuộc đua sắp cán đích. 
 
Miên man trong vòng quay gấp gáp của những ngày cận Tết ở chốn phồn hoa đô thị, bỗng dưng cái quê nhà tảo tần trong tôi được dịp trỗi dậy. Tôi chợt nhớ đến tê người cái thứ rét đặc sản cắt da cắt thịt nơi quê nhà nghèo khó mà ấm áp yêu thương. Mẹ tôi mùa này chắc hẳn cũng đang lúi húi ở ngoài đồng, chăm bẵm cho những cây mạ non vừa mới nhú khỏi mặt đất, thì đã gặp ngay đợt rét độc. “Ở quê mấy hôm nay ông trời ông đang giở chứng, lúc thì rét căm căm, lúc lại hanh khô, lắm lúc thì đổ mưa lâm thâm và thỉnh thoảng có ửng lên chút nắng. Thời tiết kiểu này chỉ làm khổ xương cốt người già và khổ lây những cây mạ non” - Mẹ tôi thều thào thông báo tình hình thời tiết qua điện thoại. 
 
Quê tôi là vậy! Người dân lo thu vén Tết cùng lúc với việc đồng áng. Nó như một mặc định, chẳng ai bảo ai, nhưng mọi người đều lấy thời khắc giao thừa làm đích. Chuyện cũ phải được thu xếp, đi đâu cũng phải về, mâm cỗ Tết phải hoàn tất, nhà cửa phải sơn quét, treo câu đối, tranh Tết, lịch tường… và phải tắm rửa sạch sẽ trước lúc giao thừa bằng lá thơm (hương bài, ngò…) để tẩy trần, xả xui năm cũ… Tất cả phải được hoàn tất trước “giờ G”, bước sang năm mới cái gì cũng mới. 
 
 “Thưa mẹ, con đã về”, sẽ là câu nói đầu tiên khi tôi chạm vào quê cha đất tổ. Thế nhưng, câu nói ấy đã tự “gầy” đi và tê cóng nơi đầu lưỡi. Vì có phải Tết nào cũng được về quê đâu. Dăm thì mười họa mới có dịp, nhưng cũng vội vội, vàng vàng. Năm nào tôi được về quê ăn Tết, là y như rằng, sửa sang bàn thờ gia tiên xong, ăn qua quýt với mẹ bữa cơm chiều ba mươi đạm bạc, lại í ới gọi mấy đứa bạn nối khố ngày xưa lang thang khắp xóm, như những gã điên, như thời còn trẻ dại. Cố uống cạn cùng nhau những nỗi đời khuất lấp, để rồi Tết qua đi, mỗi đứa lại ly tán một ngả. Tôi lên Tây Nguyên lộng gió. Anh bạn cùng lớp thời phổ thông dắt trâu ra đồng, cần mẫn cày cuốc, gieo trồng ngày lại ngày. Nhỏ bạn thân ra Hà Nội, sống đời vương giả với anh chồng ngoại quốc. Và, cũng có anh vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề phụ xây dựng… 
 
Thương nhau, chỉ biết tay siết chặt tay dặn: “Thôi, cố gắng” và hẹn Tết năm sau lại quay về. Nhưng rồi nào phải năm nào cũng về được. Bởi, với đồng lương còm cõi của một người làm nghề phụ xây dựng như bạn tôi, cả năm tích cóp, dành dụm mãi cũng chỉ đủ để mua được tấm vé xe về Tết. Mà về quê đâu chỉ có mỗi tấm vé Tết. Còn bao nhiêu thứ “hầm bà lằng” khách phải sắm sửa, nếu không muốn bị muối mặt với người thân, xóm giềng. Dẫu vậy, Tết Nguyên đán vẫn là dịp để sum tụ gia đình, là nơi để những đứa con xa (vì bất cứ lý do gì mà không về được) ngóng về, với đầy đủ ý nghĩa linh thiêng của nó.
 
TRỊNH CHU