"Trồng người" trên đảo Trường Sa

09:01, 26/01/2015

Ở lớp học duy nhất nơi Trường Sa có tất cả 8 khuôn mặt nhỏ xinh học từ lớp mầm non cho tới lớp hai. Không đồng trang lứa nhưng tất cả cùng hát bài đồng dao quen thuộc… nu na nu nống, nu nống nu na… Hoàng Sa, Trường Sa… tiếng gọi thiết tha giữa lòng dân tộc. 

Ở lớp học duy nhất nơi Trường Sa có tất cả 8 khuôn mặt nhỏ xinh học từ lớp mầm non cho tới lớp hai. Không đồng trang lứa nhưng tất cả cùng hát bài đồng dao quen thuộc… nu na nu nống, nu nống nu na… Hoàng Sa, Trường Sa… tiếng gọi thiết tha giữa lòng dân tộc. 
 
Bài học đầu tiên là về biển đảo
 
Bài đồng dao Nu na nu nống là bài học đầu tiên của tất cả các em học sinh ở Trường Sa. Dường như rất tâm đắc và tự hào về điều này, thầy giáo trẻ Phạm Trung Việt (30 tuổi) chia sẻ: “Đây là truyền thống từ nhiều năm ở lớp học trên đảo Trường Sa. Bài học đầu tiên bao giờ cũng là bài học khó quên nhất. Bài học như lời nhắn nhủ, như hạt mầm tình yêu được gieo vào lòng những đứa trẻ để mai này trong chúng nảy nở tình yêu biển, tình yêu với các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm canh giữ nơi đầu sóng ngọn gió”.
 
Lớp học ở Trường Sa bây giờ có 4 em học lớp 2, một em học lớp 1 và ba em lớp mầm non. Trong lớp học ấy, bàn ghế cũng được kê theo cách đặc biệt. Bàn ghế hướng ra 3 hướng, có 3 tấm bảng đen và 3 nhóm học sinh trong lớp. Thầy giáo trẻ cứ như con thoi, hết giảng toán cho các anh chị lớp hai, lại quay qua rèn chữ cho cô em lớp một rồi về múa hát cùng các bé mầm non. Có lẽ, nếu chỉ nghe thôi thì tưởng chừng rất lộn xộn nhưng không hề, mọi thứ vẫn trật tự hiệu quả vô cùng. Cứ sáng sáng các anh chị dắt tay em đến lớp có thầy giáo đứng sẵn ở cổng đón vào, tới lúc tan trường các anh chị dắt tay em đi trước có thầy giáo đi từng bước theo sau. Hình ảnh quen thuộc ấy ngày ngày vẫn xuất hiện trên con đường nhỏ giữa đảo Trường Sa.
 
Chia sẻ về những khó khăn đặc thù của lớp học ở Trường Sa, thầy Việt cho biết: Nơi đầu sóng ngọn gió này, mọi thứ đều khó khăn hơn ở đất liền, trong đó việc chỉ có một lớp ghép duy nhất khiến cho khả năng giao tiếp của học sinh cũng như việc trao đổi nghiệp vụ của giáo viên bị hạn chế. Vào những mùa biển động, dụng cụ học tập từ đất liền gửi ra đôi khi bị chậm hoặc bị sóng đánh ướt mèm nên việc các em học sinh thiếu bút thiếu phấn hay hong khô sách vở bị ướt là chuyện bình thường… Giữa muôn vàn khó khăn như vậy, song thầy, trò, phụ huynh và cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn tìm mọi cách khắc phục, tất cả vì những mầm non trên đảo.
 
Nơi trồng người giữa đảo Trường Sa ấy đã cho các em đủ kiến thức, tình yêu, đủ tự tin để khoe rằng “mai mốt chúng con sẽ kể cho mấy bạn ở đất liền nghe về biển đảo”. Và lớp học ấy còn “trồng” nên những giấc mơ tươi đẹp cho tương lai khi mà những chàng trai của lớp như Phong Đạt, Đức Tính, Quân Tường đã có giấc mơ lớn lên làm chiến sỹ hải quân giữ đảo, làm thủy thủ cầm bánh lái giữa biển khơi, hay như bé Tô Phương Linh (7 tuổi), cô bé được cả đảo yêu thương gọi là “công chúa Trường Sa” thì ôm ấp giấc mơ “mai này lớn lên con sẽ làm cô giáo dạy học ở đảo Trường Sa này”.
 
Giờ lên lớp của thầy và trò ở Trường Sa
Giờ lên lớp của thầy và trò ở Trường Sa

Ấm tình ngoài khơi xa
 
Tâm sự về quyết định tình nguyện làm giáo viên trên đảo Trường Sa, thầy Việt cười bộc bạch “Mình nghĩ rằng, Trường Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều luôn hướng về mảnh đất này và tôi cũng thế. Với tôi, Trường Sa như là nhà, là quê hương của mình vậy. Tôi cũng như mọi người, cũng như các chiến sỹ từ yêu thương nên mong được cống hiến chút gì đó cho mảnh đất này. Nếu như các chiến sỹ góp sức mình bằng việc tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương, thì tôi, một người trẻ học ngành sư phạm muốn cống hiến cho mảnh đất này bằng cách dạy dỗ những đứa trẻ sinh sống trên đảo này và nhen nhóm tình yêu biển đảo trong chính các cháu. Với tôi, đó cũng là một cách yêu, một cách cống hiến”.
 
Có lẽ chính vì suy nghĩ đó mà thầy giáo Phạm Trung Việt - khi đang có công việc ổn định tại Trường Tiểu học Vạn Thạnh 2, xã Vạn Ninh (là xã đảo cách bờ 17 hải lý) ngay trên mảnh đất quê nhà nhưng vẫn làm đơn tình nguyện xin ra giảng dạy ở Trường Sa khi mà cuộc hôn nhân của anh chỉ vừa khởi đầu vẻn vẹn tròn 1 tháng. 
 
Để bù đắp những thiếu thốn, để các em theo kịp với học sinh đất liền, thầy giáo và cán bộ, chiến sỹ tạo điều kiện tổ chức cho các em sinh hoạt giao lưu nhiều hơn, xây dựng thư viện nhỏ trong lớp học, thầy giáo sưu tầm những thông tin về những gương vượt khó học giỏi ở đất liền để kể cho các em nghe. Tất cả những nỗ lực ấy như kéo gần hơn khoảng cách biển với bờ. Ngoài chương trình chuẩn quy định trong sách giáo khoa, thầy giáo ở Trường Sa luôn tìm cách lồng ghép những thông tin, những câu chuyện về biển đảo vào trong bài giảng, bài tập viết và cả những trò chơi của các em. Trồng người nơi nắng gió trùng khơi này đặc biệt là vậy!. 
 
Những đứa trẻ chạy đùa trên các sân cỏ, trông giữ em lúc bố mẹ vắng nhà, dắt em đi học, chở em đi chơi, qua hàng xóm lấy đồ giúp mẹ, đùa vui với các chú bộ đội sau mỗi giờ tan học. Những màu da đen giòn, những nụ cười tươi rói và cả ánh mắt long lanh mỗi khi cất tiếng nói sang sảng như át đi tiếng sóng biển rì rào. Học sinh ở Trường Sa ngoài những bộ đồng phục đi học bình thường, em nào cũng có bộ đồng phục riêng như quân phục của chiến sỹ Hải quân Việt Nam. Trên nền áo trắng chỉ xanh, phía ngực trái của các em được thêu hàng chữ “Hải quân Việt Nam” đỏ thắm. Bộ đồng phục ấy được các em mặc để chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần cùng với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.
 
Chị Lê Thị Trúc Hà (29 tuổi), mẹ của hai cháu Thục Quân (2 tuổi) và Liên Quân (4 tuổi) kể: “Thầy giáo không chỉ dạy các cháu trong giờ lên lớp mà tối tối nếu có bài không hiểu học sinh cũng chạy qua hỏi thầy. Ngày chủ nhật cũng không để thầy nghỉ ngơi, anh chị lớn lại dắt các em nhỏ “lẽo đẽo” tới chơi với thầy. Ở đây các cháu nhỏ không thể nhớ hết tên cán bộ, chiến sỹ, cứ gọi bác, gọi chú nhưng ai chúng cũng vui vẻ cho ôm vào lòng, cho chở đi chơi. Và tất nhiên, tất cả cán bộ, chiến sỹ trên đảo từ trẻ đến già ai cũng nhớ tên, nhớ tuổi của từng cháu một”. Ai đã một lần đến với Trường Sa sẽ không khó để thấy những chiến sỹ đạp xe trên đảo chở theo những đứa trẻ, nụ cười của chú và của các cháu giòn tan trong nắng gió. Chiều lộng gió trên đường băng giữa đảo Trường Sa Lớn, những đứa trẻ và những chiến sỹ trẻ quấn quýt bên nhau giữa màu xanh của biển trời, cây lá. Tất cả như bừng lên màu xanh hy vọng giữa Trường Sa. Như cây bàng vuông, cây phong ba mọc giữa Trường Sa, nhìn những đứa trẻ nơi này, một niềm tin dậy lên trong tôi. Rằng, với những kiến thức được trang bị, tất cả chúng sẽ vững vàng, tự tin bước vào đời.
 
NGỌC NGÀ