Từ thiện ở một giáo xứ

08:01, 05/01/2015

Trong nhiều năm nay, giáo xứ Phú Sơn (Lâm Hà) vận động từ nhiều nguồn mỗi năm gần 2 tỷ đồng để duy trì một phòng khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho mọi người cùng khu ký túc xá nuôi ăn học cho hơn 160 học sinh dân tộc thiểu số trong vùng. 

Trong nhiều năm nay, giáo xứ Phú Sơn (Lâm Hà) vận động từ nhiều nguồn mỗi năm gần 2 tỷ đồng để duy trì một phòng khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho mọi người cùng khu ký túc xá nuôi ăn học cho hơn 160 học sinh dân tộc thiểu số trong vùng. 
 
Phú Sơn nằm cách thị trấn Đinh Văn - trung tâm huyện Lâm Hà, chừng 16km, dưới chân đèo Phú Sơn trên trục quốc lộ 27 nối Lâm Đồng với Đăk Lăk. Phú Sơn là một xã có địa hình đồi núi chủ yếu, đất đai khá màu mỡ với những vườn cà phê xanh ngút nhưng đường sá nông thôn đi lại khá khó khăn. Trong gần 1.900 hộ, gần 9.000 khẩu của xã, Phú Sơn có gần 170 hộ, chừng 700 khẩu là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống với hơn nửa trong số này có đời sống còn khó khăn.
 
Khám bệnh tại Trạm Y tế của Giáo xứ
Khám bệnh tại Trạm Y tế của Giáo xứ
 
Trạm y tế của giáo xứ Phú Sơn là một ngôi nhà lợp tôn khang trang nằm gần quốc lộ 27, chỉ làm việc vào buổi sáng. Khi chúng tôi đến, hơn chục người đang ngồi ghế chờ trước cửa; trong trạm, các nữ tu là y sĩ đang khám bệnh, châm cứu, bốc thuốc. Không ít bệnh nhân là những người dân tộc thiểu số trong vùng. Một vòng quanh trạm, mọi thứ đều rất tươm tất, ngăn nắp. Trạm có 2 phòng khám Tây y và Đông y; 2 phòng riêng cho nam nữ dành cho châm cứu với 16 giường; các giường được phủ tấm trải sạch sẽ, mỗi giường đều có trang thiết bị riêng để châm cứu cho bệnh nhân. Phòng Tây y có tủ lớn với các loại thuốc tân dược cần thiết. 
 
Đang ngồi chờ châm cứu, bà Tô Thị Hồng, một bệnh nhân 49 tuổi ở Đinh Văn cho biết bà bị thần kinh tọa đã lâu, từng đi nhiều nơi để chữa trị nhưng mãi chưa bớt, nghe người ta nói bà đã vào đây châm cứu gần cả tháng và kết quả hiện rất khả quan. “Các nữ tu y sĩ ở đây chữa bệnh, chăm sóc rất tận tình. Bữa nay, tôi đã phần nào đi lại được nên rất mừng” - bà Hồng nói. “Tất cả đều miễn phí toàn bộ “- nữ tu Nguyễn Thị Ngọc Thủy, người phụ trách trạm cho chúng tôi biết. Mỗi ngày nơi đây có chừng 30-40 người đến khám chữa bệnh, tùy bệnh sẽ được cấp thuốc Tây y hay Đông y. 
 
Bên cạnh trạm y tế là nhà nội trú 2 tầng dành cho học sinh người dân tộc thiểu số do giáo xứ xây dựng, ngay sau trạm là Trường Mẫu giáo tư thục Thiện Tâm cũng của giáo xứ. Năm học này, Mẫu giáo Thiện Tâm có gần 200 cháu đang học tại đây. Theo Ban giám hiệu trường, rất nhiều học sinh ở đây là con em người dân tộc thiểu số trong vùng theo học, được miễn phí hầu như toàn bộ. Còn khu nội trú hiện có 120 học sinh đang ăn ở tại đây để theo học tại các trường học trong vùng từ bậc mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở. Riêng với những học sinh lên bậc trung học phổ thông do xã chưa có trường nên được chuyển ra thị trấn Đinh Văn học. Các em được ở tại 2 chi nhánh tại thị trấn này, một dành cho học sinh nam, một dành cho học sinh nữ, mỗi chi nhánh có 20 học sinh.
 
Theo nữ tu phụ trách nhà nội trú Nguyễn Thị Thanh Trúc, tất cả chi phí ăn, ở, áo quần, sách vở học tập của toàn bộ 160 học sinh trên được nhà dòng cấp. Mỗi năm, căn cứ vào nguyện vọng của các bậc phụ huynh, giáo xứ sẽ đến tận nhà để xem xét, học sinh được tuyển chọn vào đây thuộc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con, cần được giúp đỡ. Sau giờ học chính ở trường, các em được nhà dòng tổ chức thành các lớp tự học, thuê giáo viên đến phụ đạo thêm. Các em còn được học nghề đan móc, thêu, nhạc, chơi đàn… Khi gắn bó, rất nhiều em hầu như sống ở đây quanh năm trong suốt những năm đi học. “Có em lúc đầu đến còn bỡ ngỡ, nhớ nhà đòi về nhưng ở đây rồi quen, hè cũng chỉ về nhà một ít ngày rồi trở lại học hè. Điều cần nhất ở đây là phải chăm học. Đã có không ít trường hợp không siêng năng, không cố gắng, không chịu tiến bộ nên bị gửi trả về nhà” - Nữ tu Trúc cho biết. Khi hoàn tất trung học phổ thông, học sinh nếu đậu vào các trường đại học, cao đẳng… sẽ được nhà dòng vận động học bổng cho các em tiếp tục việc học.
 
Bên cạnh đó, theo linh mục Nguyễn Hưng Lợi, Chánh xứ giáo xứ Phú Sơn, lâu nay giáo xứ còn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ hộ nghèo trong xã, xây nhà tình thương, đặc biệt là cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Như trong năm 2014 vừa qua, giáo xứ đã hỗ trợ cho 2 gia đình nghèo trong xã mỗi gia đình 50 triệu đồng để làm nhà, vận động giáo dân giúp đỡ đồ dùng trong nhà cho các gia đình này. 
 
Giáo xứ còn có chương trình cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số để giúp các em tiếp tục việc học. Trong năm 2014, giáo xứ đã trao gần 300 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh trong vùng. 
 
Để duy trì mọi hoạt động từ thiện trên, theo linh mục Lợi, giáo xứ vận động khoảng 2 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này được vận động từ rất nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu tại TP HCM.
 
Cũng cần nói thêm một chút về linh mục Nguyễn Hưng Lợi. Ông năm nay 68 tuổi (sinh năm 1946), là một người con của đất Phú Sơn. Ông về đây làm Chánh xứ từ năm 1989, là người cực kỳ có uy tín tại địa phương như chính quyền xã Phú Sơn cho biết. Làm đại biểu hội đồng nhân dân xã trong nhiều khóa, ông luôn tích cực cùng chính quyền vận động người dân sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật; vận động dân chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số chung quanh mình. Ông lập ra trạm y tế phát thuốc miễn phí cho người nghèo, lập khu nội trú nuôi ăn học, cấp học bổng cho học sinh người dân tộc thiểu số từ năm 1999 và duy trì cho đến nay. Với ông, điều đơn giản là “Làm được cái gì thì làm, hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người”.
 
Viết Trọng