Tuổi cao chí bền

08:01, 15/01/2015

Những người cao tuổi ở xã Tà Nung, xã vùng đồng bào dân tộc của Đà Lạt đều biết đến và quý mến người Chủ tịch hội nhiệt tâm - ông Phùng Văn Đường. Mười năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông Đường đã đưa Hội trở thành một địa chỉ vững chắc, tin cậy cho người cao tuổi...

Những người cao tuổi ở xã Tà Nung, xã vùng đồng bào dân tộc của Đà Lạt đều biết đến và quý mến người Chủ tịch hội nhiệt tâm - ông Phùng Văn Đường. Mười năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông Đường đã đưa Hội trở thành một địa chỉ vững chắc, tin cậy cho người cao tuổi. Đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi” từ vài năm nay nhưng sức làm việc của ông vẫn đầy nhiệt thành, không ngại đi, không ngại lăn lộn, gắn bó với hội viên và quyền lợi của người cao tuổi. 
 
Gia đình ông Phùng Văn Đường
Gia đình ông Phùng Văn Đường
 
Ông Phùng Văn Đường chia sẻ, ông vốn quê Quảng Ngãi, là giáo viên dạy văn trung học. Vào Đà Lạt ban đầu với nghề “gõ đầu trẻ”, mến cảnh mến người, năm 1990 ông chuyển cả gia đình vào Tà Nung sinh sống. Gắn bó với nhiều hoạt động của xã, của thôn, năm 2004 ông chính thức đảm nhiệm công việc của một cán bộ Hội Người cao tuổi. Nhớ lại thời điểm bắt đầu công việc, ông kể: “Lúc ban đầu hội viên thưa thớt, các cụ người dân tộc thiểu số không tham gia sinh hoạt, không làm hội viên. Công việc đầu tiên tôi làm là nghĩ tới việc thu hút người cao tuổi vào Hội”. Vậy là ông nghĩ phải tạo ra một mối gắn bó, tạo lợi ích để các cụ và gia đình nhận thức được lợi ích của Hội. Chân quỹ đã được thành lập chính từ nơi khó khăn này. Ông Đường giải thích: Chân quỹ thu của mỗi hội viên 50 ngàn đồng, nếu khi các cụ qua đời, quỹ sẽ phúng điếu các cụ 100 ngàn đồng/cụ, nếu cụ nào chuyển đi, quỹ sẽ hoàn lại nguyên tiền. Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt Vũ Công Tiến từng hỏi ông Đường, thu 50 trả 100, Hội lấy tiền đâu bù vào chỗ hụt? Ông Đường trả lời, thu một lần được một khoản, tiền phân phối xuống các chi hội, chi hội cho hội viên vay phát triển kinh tế và tính lãi suất thấp. Vậy là chân quỹ được duy trì và phát triển mạnh suốt 10 năm nay với số tiền luân chuyển lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhìn thấy lợi ích thiết thực của phong trào Hội, các cụ cao tuổi đều nhiệt tình tham gia sinh hoạt, góp quỹ và đóng góp ý kiến vào việc quản lý quỹ của Hội. Đến nay, Hội Người cao tuổi xã Tà Nung có 211 hội viên, trong đó trên 50% là các cụ người dân tộc thiểu số bản địa. 
 
Người cao tuổi là đối tượng đặc biệt trong xã hội, là nhóm đối tượng yếu thế cần được quan tâm đặc biệt. Bởi vậy, với tư cách là Chủ tịch Hội, ông Đường đặc biệt chú ý tới việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các cụ, nhất là các cụ neo đơn không nơi nương tựa. Kinh phí hỗ trợ của các cụ tàn tật, cô đơn là 460 ngàn đồng/tháng, ông lập danh sách và thực hiện việc chi trả hàng tháng rất cụ thể. Nhà nước hỗ trợ các cụ từ 80 tuổi trở lên là 240 ngàn đồng/tháng, ông chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm để ngay khi cụ nào vừa tròn 80 tuổi là nhận được tiền hỗ trợ, không phải chờ đợi. Để nắm được hết những tình hình trong người cao tuổi, ngoài việc chủ động thăm hỏi các cụ, ông Đường đã tạo được một đội ngũ cán bộ chi hội nhiệt tình, tận tụy với công việc Hội. Bởi vậy, phong trào của người cao tuổi Tà Nung đã đi vào thực chất, góp phần giúp cuộc sống của các cụ dễ dàng và ấm áp hơn.
 
Việc sống là một chuyện, với người cao tuổi, việc nằm xuống cũng cần chuẩn bị sẵn sàng. Hội Người cao tuổi xã đã tổ chức một Ban tang lễ với các thành viên là người cao tuổi và thôn trưởng các thôn. Mỗi khi có cụ nào nằm xuống, Ban tang lễ sẽ phối hợp với gia đình tổ chức lễ tiễn đưa các cụ theo đúng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của gia đình. Đặc biệt, ông Đường đã tổ chức được một đội âm công với 12 thành viên với phục trang, chiêng trống, cờ quạt… đầy đủ, kinh phí mua sắm do ông tự đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ và gia đình ông bù thêm. Đội âm công đã giúp các gia đình đưa người nằm xuống về nơi an nghỉ cuối cùng trân trọng, giúp gia đình bớt nhiều lo toan. CLB “Tuổi cao gương sáng” do Hội thành lập vừa được ra mắt cuối năm 2014 với 31 thành viên đều là những người có uy tín trong cộng đồng, có vai trò tích cực trong phong trào người cao tuổi và góp phần nêu gương sáng cho cháu con noi theo. 
 
Làm tất cả mọi việc chỉ với tâm nguyện “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, ông Phùng Văn Đường không nề hà chuyện phong trào vất vả. Ông Ha Lang, 108 tuổi, người cao tuổi nhất của Tà Nung nhận xét: “Ông Đường thường xuyên xuống nhà thăm hỏi, bà nhà tôi cũng được ông nhắc nhở chuẩn bị hồ sơ để Nhà nước hỗ trợ tiền mỗi tháng, bà con ở thôn này ai cũng quý ông Đường”. Con cái thành đạt, ông bà cũng cặm cụi với ít sào cà phê xây dựng kinh tế gia đình. Nhưng trên tất cả, tấm lòng của người thầy giáo già vẫn sôi nổi, nhiệt huyết và cống hiến cho cộng đồng, xứng với “tuổi cao, chí bền”.
 
DIỆP QUỲNH